Gói thầu thiết bị giáo dục tại huyện Tây Sơn (Bình Định): Những yêu cầu nào bị phản đối?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định (bên mời thầu) đang lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu Mua sắm thiết bị dạy học ngành giáo dục năm 2024. Ngay sau khi hồ sơ mời thầu (HSMT) được phát hành, nhiều nhà thầu đã kiến nghị xoay quanh một số tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, năng lực, kinh nghiệm.
Theo yêu cầu kỹ thuật tại Chương V - HSMT, thiết bị “tivi 65inch” phải đáp ứng tổ hợp gồm hàng trăm thông số kỹ thuật. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Theo yêu cầu kỹ thuật tại Chương V - HSMT, thiết bị “tivi 65inch” phải đáp ứng tổ hợp gồm hàng trăm thông số kỹ thuật. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Gói thầu có giá dự toán 12,477 tỷ đồng, phát hành HSMT từ ngày 25/9 - 15/10/2024, do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Tư vấn Sài Gòn Mới tư vấn lập HSMT.

Theo yêu cầu kỹ thuật tại Chương V - HSMT, thiết bị “tivi 65inch” phải đáp ứng tổ hợp gồm hàng trăm thông số kỹ thuật, trong đó có rất nhiều tính năng được cho rằng không mang tính ứng dụng thiết thực đối với học sinh. Ngoài ra, sản phẩm này phải đạt các chứng nhận quy chuẩn kỹ thuật theo Thông tư số 04/2023/TT-BTTTT, bao gồm: QCVN 54:2020/BTTTT; QCVN 63:2020/BTTTT; QCVN 112:2017/BTTTT; QCVN 118:2018/BTTTT (có chứng nhận và công bố dấu hợp quy ICT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp). Phần lớn kiến nghị chỉ ra rằng, đối chiếu yêu cầu của HSMT, chỉ có model độc quyền của hãng Sharp mới đáp ứng. Trong khi đó, đây là model sản phẩm dự án, các nhà phân phối không được phép hoặc bị hạn chế kinh doanh.

Tương tự, đối với thông số kỹ thuật của “tivi 55inch”, nhà thầu phản ánh HSMT chỉ định quá nhiều thông số chi tiết mang yếu tố độc quyền, đồng thời, nhiều cấu hình, tính năng trong số đó không mang tính ứng dụng, cần thiết đối với đơn vị sử dụng, thụ hưởng là các trường mầm non. Các nhà thầu cho biết, chỉ có tivi Arirang đáp ứng yêu cầu của HSMT, trong khi các sản phẩm thuộc thương hiệu nổi tiếng trên thị trường như LG, Samsung, Panasonic, Sony... đều không thể đáp ứng. Từ đó các nhà thầu kiến nghị Bên mời thầu điều chỉnh HSMT theo hướng chỉ yêu cầu đáp ứng những cấu hình, tính năng cơ bản, quy định rõ nội hàm tương đương nhằm bảo đảm việc mua sắm được minh bạch, cạnh tranh, tiết kiệm.

Ngoài ra, nhà thầu cho biết, qua nghiên cứu, TCVN 6238-3:2011 là bộ tiêu chuẩn về an toàn đồ chơi trẻ em, trong khi đó, HSMT áp dụng bộ tiêu chuẩn này để đánh giá chất lượng đối với bàn ghế giáo viên là không phù hợp.

Cũng theo phản ánh, Chương V - HSMT quy định về “Kiểm tra và thử nghiệm hàng hóa” như sau: “Nhà thầu chuẩn bị mỗi chủng loại hàng hóa với số lượng 1 sản phẩm để kiểm tra và thử nghiệm. Trường hợp cần thiết, chủ đầu tư có quyền yêu cầu nhà thầu mời cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm định, xác nhận chất lượng hàng hóa”.

Các nhà thầu khẳng định, về bản chất, đây là yêu cầu về hàng mẫu, là tiêu chí làm khó các nhà thầu, bởi danh mục mời thầu là hàng hóa thông dụng, nhiều sản phẩm đã có chứng chỉ, giấy phép lưu hành hợp pháp. Yêu cầu này có thể làm phát sinh chi phí cho nhà thầu.

Phản hồi kiến nghị, Bên mời thầu cho biết, đối với yêu cầu kỹ thuật của hàng hóa, HSMT có bao hàm cụm từ “tương đương”, được hiểu rằng Bên mời thầu chấp thuận những hàng hóa có đặc tính kỹ thuật tương tự, có tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và chất lượng tương đương với các hàng hóa trong danh mục mời thầu. Trường hợp nhà thầu đề xuất hàng hóa có đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và chất lượng hàng hóa tương đương, thì nhà thầu phải có tài liệu (catalogue của nhà sản xuất hoặc tài liệu kỹ thuật của chính hãng) chứng minh là tương đương với các hàng hóa đã nêu trong HSMT. “Các yêu cầu về thông số kỹ thuật đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định, dự toán kinh phí mua sắm tài sản, phù hợp và cần thiết với nhu cầu sử dụng thực tế, không vi phạm Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT”, Bên mời thầu khẳng định.

Về yêu cầu kiểm tra và thử nghiệm, Bên mời thầu cho rằng, nội dung này không vi phạm quy định pháp luật đấu thầu. Do đó, đề nghị nhà thầu tuân thủ đúng yêu cầu của HSMT đã phát hành.

Liên quan đến yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa, thời gian qua, Báo Đấu thầu liên tục có bài viết phản ánh tình trạng HSMT mô tả một cách quá chi tiết đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ hoặc đưa ra yêu cầu kỹ thuật bằng cách sao chép y nguyên catalogue/thông số kỹ thuật của một sản phẩm cụ thể, khiến nhà thầu bị hạn chế về sản phẩm tham gia chào thầu, từ đó phát sinh kiến nghị.

Chuyên gia đấu thầu cho rằng, trường hợp bên mời thầu cho phép nhà thầu chào sản phẩm tương đương dựa trên hàng loạt thông số kỹ thuật (nếu có cả những thông số kỹ thuật mang yếu tố độc quyền của hãng cụ thể nào đó), thì việc yêu cầu nhà thầu giải trình về tính tương đương hoặc cao hơn so với HSMT của thông số kỹ thuật thiết bị cũng có thể gây khó khăn cho nhà thầu.

Cũng theo vị chuyên gia, Điều 26 Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT quy định, HSMT không được đưa ra yêu cầu về hàng mẫu; trường hợp cần yêu cầu về hàng mẫu để đánh giá về kỹ thuật thì chủ đầu tư phải trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định nhưng phải bảo đảm việc yêu cầu cung cấp hàng mẫu không làm tăng chi phí của gói thầu, gây hạn chế nhà thầu.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư