Nhiều dự án giao thông trọng điểm chờ gỡ khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và nhiều dự án giao thông trọng điểm vấp phải khó khăn về vốn, cơ chế chính sách, chế độ giải ngân… từ nhiều năm nay khiến nhà đầu tư như “mắc cạn”. Theo ý kiến của các chuyên gia và nhà quản lý, cần sớm có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách và các cơ quan thực thi chính sách để giải quyết dứt điểm các vướng mắc hiện hữu, khơi thông nguồn lực cho các dự án và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Doanh thu thu phí thực tế tại Dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn chỉ đạt 39% so với phương án tài chính ban đầu. Ảnh: Lê Tiên
Doanh thu thu phí thực tế tại Dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn chỉ đạt 39% so với phương án tài chính ban đầu. Ảnh: Lê Tiên

Ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho biết, Dự án Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đã khởi công từ ngày 1/1/2024. Mặc dù nhà đầu tư và ngân hàng cho vay vốn đã ký hợp đồng tín dụng triển khai Dự án, nhưng phía VPBank vẫn chưa thể giải ngân vốn. Nguyên nhân là do Dự án chưa được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư khi tăng vốn ngân sách nhà nước (NSNN) tại Dự án lên mức 68,76% tổng mức đầu tư theo Nghị quyết số 106/2023/QH15. Đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư, nhà thầu đã ứng gần 350 tỷ đồng để tổ chức thi công và hỗ trợ địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vốn NSNN đã giải ngân cho Dự án được 300 tỷ đồng/6.580 tỷ đồng.

Ngày 16/10/2024, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Tăng Ngọc Tráng, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Hội đồng thẩm định liên ngành đã cơ bản thẩm định xong việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Hội đồng đã nhận được ý kiến giải trình và trình phê duyệt của UBND tỉnh Cao Bằng. Hiện Thủ tướng Chính phủ đang yêu cầu Hội đồng thẩm định liên ngành rà soát lại các nội dung, ý kiến thẩm định lần cuối để báo cáo, trình Thủ tướng phê duyệt.

Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn cho biết, Dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT, đã được đưa vào khai thác từ tháng 1/2020, đem lại hiệu quả thiết thực nhưng hiện vốn NSNN tham gia thực hiện tại Dự án là 0 đồng. Doanh thu thu phí thực tế chỉ đạt 39% so với phương án tài chính ban đầu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này không phải lỗi của nhà đầu tư mà do việc bỏ đi 1 trạm thu phí trên Quốc lộ 1, miễn giảm giá vé diện rộng… Phía UBND tỉnh Lạng Sơn đã nhiều lần báo cáo Chính phủ đề nghị bổ sung 4.600 tỷ đồng vốn NSNN hỗ trợ Dự án (chiếm 37,75% tổng mức đầu tư Dự án) nhưng chưa được giải quyết.

Theo ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, không riêng cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, nhiều dự án BOT hiện nay vẫn đang gặp khó khăn, chưa thấy lối thoát. Câu chuyện chậm xử lý các vướng mắc, khó khăn tại 8 dự án BOT thời gian qua của các cơ quan chức năng đang đẩy dồn gánh nặng cho nhà đầu tư mặc dù nguyên nhân của các vướng mắc này không phải do lỗi của doanh nghiệp. Điều này làm suy giảm niềm tin, cạn kiệt nguồn lực đầu tư của nhiều nhà đầu tư lớn, thể hiện quyền lợi bình đẳng của nhà đầu tư không được coi trọng.

Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được khởi công từ ngày 1/1/2024, nhưng phía ngân hàng vẫn chưa thể giải ngân vốn cho Dự án. Ảnh: Phi Long
Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được khởi công từ ngày 1/1/2024, nhưng phía ngân hàng vẫn chưa thể giải ngân vốn cho Dự án. Ảnh: Phi Long

Một số nhà đầu tư cũng cho biết, hiện chúng ta đang triển khai và kêu gọi đầu tư vào các dự án cao tốc theo phương thức PPP, số tiền đầu tư lớn nhưng cơ chế chia sẻ trong trường hợp doanh thu giảm gặp vướng mắc, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia ở các dự án vẫn ở mức thấp, nhất là những dự án đi qua địa bàn khó khăn nên khó hấp dẫn nhà đầu tư, ngân hàng sẽ e dè vì phương án tài chính khó khả thi nên càng khó huy động vốn.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Danh Huy cho biết, khó khăn, vướng mắc tại các dự án PPP đã và đang triển khai đã được nhận diện đầy đủ. Trong số đó có nhiều dự án được ký hợp đồng, triển khai trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực thi hành nên thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết. Thời gian qua, Bộ GTVT đã trực tiếp trao đổi với các bên liên quan (nhà đầu tư, doanh nghiệp, ngân hàng...) để có biện pháp giải quyết theo hướng cùng nhau khắc phục tồn tại, bất cập, giảm tối đa thiệt hại và theo nguyên tắc hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro. Tuy nhiên, có những giải pháp tháo gỡ nằm ngoài thẩm quyền của Bộ GTVT nên Bộ phải xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan, trình cấp cao hơn mới có thể giải quyết triệt để.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật PPP, Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu, Ban soạn thảo đã tiếp thu tối đa ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và dành nhiều nội dung để tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm quốc gia đã triển khai thời kỳ trước như các dự án BOT nâng cấp, sửa chữa các tuyến quốc lộ; hoàn thiện cơ chế tài chính đối với dự án PPP nhằm tối đa hóa nguồn lực từ khu vực tư nhân, bảo đảm phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công.

Trong tờ trình gửi Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu, Chính phủ đề xuất sửa đổi một số quy định để xử lý vướng mắc đối với các dự án BOT chuyển tiếp. Theo đó, đề xuất cho phép áp dụng Luật PPP trong trường hợp hợp đồng được ký kết trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực thi hành mà chưa có quy định điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.

Dự thảo Luật sửa đổi khoản 4 Điều 101 như sau: Hợp đồng dự án PPP (không bao gồm dự án áp dụng loại hợp đồng BT) được ký kết trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo quy định của hợp đồng dự án. Trường hợp pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng dự án không có quy định mà có nội dung cần sửa đổi, bổ sung thì các bên được thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng về việc áp dụng quy định của Luật này và pháp luật có liên quan có hiệu lực tại thời điểm sửa đổi, bổ sung hợp đồng.

Đồng thời, Dự thảo Luật đã làm rõ trình tự, thủ tục sử dụng vốn đầu tư công thanh toán cho nhà đầu tư trong trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; bổ sung các nguồn vốn thanh toán để chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp dự án PPP; áp dụng cơ chế linh hoạt trong việc bố trí nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP theo hướng tiếp tục quy định tỷ lệ vốn nhà nước ở mức 50% và giao Thủ tướng Chính phủ hoặc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia cao hơn nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư đối với dự án…

Chuyên đề