Sớm có quy hoạch để từng ngành, từng địa phương vững tiến

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, hiện các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc lập, trình thẩm định, thẩm định hoặc phê duyệt đối với 106/111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia (chiếm 95,4%), trong đó có 36 quy hoạch đã được phê duyệt. Với tiến độ như hiện nay, số lượng các quy hoạch được phê duyệt sẽ tăng nhanh trong tháng 11 và 12/2023, tạo tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 106/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, trình thẩm định. Ảnh: Lê Tiên
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 106/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, trình thẩm định. Ảnh: Lê Tiên

Hàng loạt quy hoạch sắp được duyệt

Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, công tác quy hoạch thực hiện theo Luật Quy hoạch lúc đầu có vướng mắc, nhưng sau khi có Nghị quyết số 61/2022/QH15 (Nghị quyết số 61) của Quốc hội thì các vướng mắc đã được giải quyết, tiến độ lập quy hoạch đã được đẩy nhanh hơn.

Theo Bộ KH&ĐT, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn coi việc đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch, bảo đảm chất lượng quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; đã chỉ đạo quyết liệt thông qua các hội nghị trực tuyến toàn quốc, nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo điều hành.

Do đó, sau khi Nghị quyết số 61 được ban hành, Chính phủ đã có 3 văn bản đôn đốc, hướng dẫn công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Bộ KH&ĐT cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc chung; họp xử lý vướng mắc, khó khăn cụ thể của từng địa phương.

Nghị quyết số 61 của Quốc hội yêu cầu công tác quy hoạch cơ bản hoàn thành trong năm 2022 nhưng trên thực tế, công tác quy hoạch đã phải kéo dài sang năm 2023. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, quỹ thời gian trong năm 2022 sau khi Nghị quyết số 61 được ban hành là không đủ để vừa xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, vừa hoàn tất lập 111 quy hoạch; cơ sở dữ liệu một số ngành, lĩnh vực còn chưa đồng bộ, nhất là dữ liệu sơ đồ, bản đồ; trình tự, thủ tục tuy đã có cải thiện cơ bản nhưng còn phức tạp, nhất là thủ tục lấy ý kiến các cơ quan liên quan, rà soát, hoàn thiện...

Bên cạnh đó, một số bộ, địa phương còn chưa thực sự sát sao, đôn đốc tiến độ. Một số địa phương chưa chỉ đạo việc hoàn thiện quy hoạch trình phê duyệt sau khi đã được Hội đồng thẩm định thông qua (có địa phương mất 1 năm để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch kể từ khi thẩm định xong đến lúc trình phê duyệt).

Ngoài ra, công tác phối hợp còn bất cập, còn lúng túng trong giải quyết những vấn đề còn khác nhau giữa các bộ với địa phương, giữa địa phương trong vùng, lân cận...

Minh bạch chính sách, thu hút nguồn lực cho phát triển

Ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch thuộc Bộ KH&ĐT thông tin, đánh giá sơ bộ tác động của các quy hoạch đã phê duyệt đối với phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua cho thấy, nhận thức của các cấp, các ngành, đặc biệt của người đứng đầu, về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của công tác quy hoạch ngày càng được nâng cao; chủ động kiến tạo phát triển tương lai; có tầm nhìn dài hạn để sử dụng nguồn lực, tránh đầu tư dàn trải.

Sự phối hợp, chia sẻ thông tin, số liệu, dữ liệu liên ngành, liên cấp ngày càng được đẩy mạnh, hợp tác chặt chẽ hơn gắn với cách tiếp cận lập quy hoạch tích hợp đa ngành, đặc biệt là ở cấp tỉnh. Cơ bản không còn sự chồng lấn giữa các quy hoạch ngành trên địa bàn cấp tỉnh do trên địa bàn chỉ còn 1 bản quy hoạch duy nhất. Tuy nhiên, qua đánh giá sơ bộ, sự mâu thuẫn, chồng lấn giữa các quy hoạch ngành đã được giảm thiểu nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Chất lượng công tác quy hoạch đã được nâng cao, tạo ra các cơ hội phát triển mới. Số lượng quy hoạch trùng lặp, mâu thuẫn trên địa bàn giảm xuống (có địa phương quy hoạch tỉnh đã thay thế cho 50 quy hoạch ngành của thời kỳ trước). Quy hoạch không chỉ thay đổi phương thức quản lý mà còn giúp công khai, minh bạch chính sách và tạo tâm lý yên tâm cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.

Đơn cử, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thu hút khoảng 94.000 tỷ đồng vốn ODA dành cho các dự án DPO (dự án phát triển bền vững vùng ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu).

Một số địa phương đạt tăng trưởng GRDP cao hơn sau khi phê duyệt và công bố quy hoạch. Chẳng hạn, Bắc Giang là địa phương đầu tiên được phê duyệt Quy hoạch tỉnh (từ tháng 2/2022). Lãnh đạo Bắc Giang cho biết, 9 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế của Tỉnh quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 8,4%, quý II tăng 13,5%, quý III tăng 14,59%). Trong quý III/2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Giang đứng đầu cả nước.

Đối với Hà Tĩnh (Quy hoạch tỉnh được phê duyệt vào tháng 11/2022), tăng trưởng GRDP 9 tháng năm 2023 đạt 7,68%, đứng thứ 2/6 khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 15/63 tỉnh, thành cả nước. Hà Tĩnh đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ phát triển và tự tin chinh phục mục tiêu tăng trưởng cả năm trên 8%...

Chuyên đề