Sôi động M&A doanh nghiệp, dự án bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ đầu năm đến nay thị trường chứng kiến nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bất động sản (BĐS). Trong bối cảnh nhiều luật mới liên quan đến BĐS có hiệu lực, các doanh nghiệp mạnh về tài chính sẽ có nhiều cơ hội thâu tóm các dự án có tiềm năng, trong khi các doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ tìm kiếm đối tác để mở lối thoát khó
Thị trường M&A đang ưu tiên các dự án bất động sản có pháp lý minh bạch, chất lượng cao và triển vọng phát triển. Ảnh: Nhã Chi
Thị trường M&A đang ưu tiên các dự án bất động sản có pháp lý minh bạch, chất lượng cao và triển vọng phát triển. Ảnh: Nhã Chi

Nhộn nhịp hoạt động M&A

Mới đây, Công ty CP Tập đoàn KIDO thông báo hoàn tất giao dịch nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty CP Hùng Vương lên 75,39% vốn điều lệ. Trước đó, trong 2 ngày 9/8 và 22/8, KIDO lần lượt mua hơn 9,5 triệu cổ phần và 4,5 triệu cổ phần của Công ty CP Hùng Vương để hoàn tất sở hữu 58,05% vốn điều lệ tại doanh nghiệp này.

Công ty CP Hùng Vương được biết đến là chủ Trung tâm Thương mại Hùng Vương Plaza đặt tại số 126 Hồng Bàng, Quận 5, TP.HCM với 4 mặt tiền và tổng diện tích sàn kinh doanh thương mại gần 45.000 m2, gồm 7 tầng nổi thương mại cùng bãi giữ xe tầng hầm và ngoài trời. Đây cũng chính là mặt bằng cũ của Parkson.

Cũng trong tháng 8/2024, Tập đoàn Mường Thanh thông báo đã tiếp quản Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai từ Công ty TNHH Đầu tư Hoàn Sinh Gia Lai. Giá chuyển nhượng không được công bố. Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai chính thức đi vào hoạt động từ tháng 12/2005 với diện tích 14.165 m2, 12 tầng, có tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng. Khách sạn có 117 phòng ngủ, gồm 3 loại phòng Suite, Deluxe và Superior.

Ngoài 2 thương vụ trên, Công ty CP Dịch vụ Bến Thành cho biết đã mua lại 100% cổ phần Công ty Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Vinh Sang trong tháng 8/2024. Qua đó sở hữu Khu du lịch Vinh Sang tọa lạc tại ấp An Thuận, xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long với diện tích khoảng 2,2 ha.

Một thương vụ M&A đáng chú ý được tiết lộ trong Báo cáo tài chính bán niên 2024 của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland) là việc tập đoàn này đã chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty CP Huỳnh Gia Huy trong quý II/2024 với giá chuyển nhượng chỉ 1,9 tỷ đồng. Giá chuyển nhượng này không bao gồm giá trị các tài sản tiện ích và các nghĩa vụ nợ tồn đọng.

Được biết, Công ty CP Huỳnh Gia Huy là chủ đầu tư Dự án NovaHills Mũi Né tại Phan Thiết. Dự án có quy mô diện tích 44 ha với 609 căn biệt thự nghỉ dưỡng và 17 nhà phố thương mại, đang hoạt động dưới thương hiệu Centara Mirage Resort Mui Ne.

Sau thương vụ này, Novaland ghi nhận khoản lỗ 797 tỷ đồng do chênh lệch giữa tổng giá trị chuyển nhượng và giá trị ghi sổ tài sản thuần. Việc chuyển nhượng phần vốn góp tại Huỳnh Gia Huy giúp Novaland thoát khỏi các nghĩa vụ liên quan đến các khoản nợ của doanh nghiệp này. Đây là một hoạt động quan trọng trong quá trình tái cấu trúc của Novaland.

Trước đó, nửa đầu năm 2024 ghi nhận một số thương vụ M&A lớn trong lĩnh vực BĐS như: Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản) mua lại 25% cổ phần trong Dự án Paragon Đại Phước (rộng 45,5 ha) từ Tập đoàn Nam Long (Việt Nam) với giá khoảng 26 triệu USD; Tripod Technology Corporation mua lại lô đất công nghiệp rộng 18 ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu từ Sonadezi Châu Đức; Tập đoàn Kim Oanh (Việt Nam) hợp tác với NTT Urban Development, Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi Co., Ltd (Nhật Bản) phát triển khu dân cư rộng 50 ha tại Bình Dương The One World…

Trợ lực từ hành lang pháp lý

Theo Báo cáo thị trường BĐS 6 tháng đầu năm 2024 của Hiệp hội Môi giới BĐS (VARS), các thương vụ M&A trong lĩnh vực BĐS tiếp tục được thúc đẩy với tần suất và quy mô ngày càng lớn, với sự tham gia của các doanh nghiệp mạnh về tài chính trong và ngoài ngành, nội địa và quốc tế. Hiệp hội dự báo, hoạt động M&A trong nửa cuối năm 2024 tiếp tục sôi động với “trợ lực” từ hành lang pháp lý khi các đạo luật liên quan đến BĐS đi vào cuộc sống.

Báo cáo của Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) đánh giá, “sức khỏe” tài chính của nhiều doanh nghiệp BĐS hiện vẫn còn yếu và chưa tiếp cận được nguồn vốn. Do đó, việc bán dự án cho các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính, năng lực phát triển dự án tốt là cần thiết để có thể duy trì hoạt động và phát triển. Theo MBS, đối tượng của các thương vụ M&A vẫn sẽ tập trung tại các dự án đã có trạng thái pháp lý rõ ràng, chất lượng tốt và nhiều tiềm năng để phát triển.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, thời gian qua có thể nói là giai đoạn “vàng” cho nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính mạnh để thu gom, mua lại các dự án của chủ đầu tư gặp khó khăn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ mua lại các dự án “sạch”, đầy đủ pháp lý, trong khi phần lớn dự án trong nước không triển khai được do vấn đề pháp lý.

“Luật mới liên quan đến BĐS có hiệu lực quy định chặt các điều kiện về vốn, khả năng triển khai…, nên khả năng rất nhiều chủ đầu tư yếu kém khó có thể tồn tại. Do vậy, hoạt động M&A thời gian tới dự báo càng ngày càng rầm rộ hơn”, ông Nguyễn Quốc Anh nhận định.

Chuyên đề