Sôi động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việt Nam đang được coi là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn ngoại khi có nhiều doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp sáng tạo giàu tiềm năng. Thực tế cho thấy, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) đã phát triển ngày càng mạnh mẽ, thổi bùng “ngọn lửa” đam mê kinh doanh của người Việt.
Sự xuất hiện các ngành nghề kinh doanh mới dựa trên kinh tế số đang mang lại cơ hội thị trường mới cho doanh nghiệp Việt. Ảnh: Tường Lâm
Sự xuất hiện các ngành nghề kinh doanh mới dựa trên kinh tế số đang mang lại cơ hội thị trường mới cho doanh nghiệp Việt. Ảnh: Tường Lâm

Điểm sáng về tinh thần kinh doanh

Dự thảo Báo cáo 5 năm tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 (NQ35) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa ra lấy ý kiến hoàn thiện. Theo Bộ KH&ĐT, Nghị quyết đã tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Ngay sau khi NQ35 được ban hành thì 2 đề án quan trọng thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đã được ban hành. Đó là Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” và Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Đặc biệt, nhằm hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ, tháng 10/2019, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1269/QĐ-TTg thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC). Tiếp đó, Nghị định quy định cơ chế, chính sách ưu đãi và khuyến khích đối với NIC, trong đó có các cơ chế, chính sách tạo đột phá hỗ trợ các DN khởi nghiệp sáng tạo, phát triển công nghệ… cũng được ban hành.

Để hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khởi nghiệp, sáng tạo, Quỹ Phát triển DNNVV đã phối hợp với nhiều ngân hàng để phục vụ cho vay gián tiếp, hỗ trợ vốn cho các DNNVV lĩnh vực này theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV.

Trên thực tế, nhiều hoạt động triển khai hỗ trợ khởi nghiệp như: Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2018; Ngày hội Gọi vốn quốc gia; Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo… diễn ra sôi nổi. Đến nay, cả nước có 30 địa phương đã xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án hỗ trợ riêng cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo như: Ninh Bình, Vũng Tàu, Hưng Yên, Hà Nội, Thừa Thiên Huế…

Theo Bộ KH&ĐT, sau khi Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo được ban hành, tính đến tháng 3/2020 cả nước đã có 5 quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tư nhân.

Nhờ những nỗ lực của Chính phủ, các quỹ đầu tư nước ngoài đã nhìn nhận Việt Nam là một thị trường tiềm năng với nhiều DN khởi nghiệp sáng tạo để đầu tư. Báo cáo của TOPIA Founder Institutes (TFI) năm 2018 cho thấy, các khoản đầu tư vào các công ty khởi nghiệp của Việt Nam đạt 889 triệu USD, cao gấp 3 lần so với năm 2017 (khoảng 291 triệu USD). Tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam năm 2019 quy tụ hơn 100 quỹ đầu tư khởi nghiệp trong nước và quốc tế, trong đó có 18 quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo đã cam kết đầu tư 10.000 tỷ đồng cho các DN khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong vòng 3 năm 2020 - 2023.

Hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp

Theo Bộ KH&ĐT, Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao nhờ những thành công trong công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19. Đây là cơ hội vàng để thế giới biết đến Việt Nam như một điểm đến đầu tư an toàn. Mặt khác, tác động từ Covid-19 tạo ra nhận thức mới, xu thế dịch chuyển trong thị hiếu tiêu dùng, giao dịch thương mại mới. Sự xuất hiện các ngành nghề kinh doanh mới dựa trên kinh tế số đang mang lại cơ hội thị trường mới cho DN Việt.

“Vì thế, đây cũng là cơ hội để DN Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu trước những biến cố thị trường; rà soát, đánh giá, cơ cấu lại nguồn nguyên vật liệu, khách hàng và tìm hướng đi mới chủ động hơn để bứt phá”, Bộ KH&ĐT nhận định.

Theo đó, để đạt mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các DN Việt Nam, nhất là tiếp tục thổi bùng ngọn lửa khởi nghiệp, Bộ KH&ĐT đề xuất một nhóm giải pháp về thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ĐMST trong DN. Trong giai đoạn này sẽ tập trung nguồn lực hỗ trợ các dự án khởi nghiệp và DN khởi nghiệp sáng tạo; hình thành hệ thống trung tâm ĐMST quốc gia; hoàn thiện khung khổ pháp lý về thúc đẩy khởi nghiệp, chú trọng khởi nghiệp sáng tạo trong một số ngành có lợi thế, tiềm năng; hình thành sàn giao dịch, chuyển nhượng riêng cho các DN khởi nghiệp...

Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động để hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; tập trung hợp tác theo chiều sâu giữa cộng đồng DN khởi nghiệp Việt Nam với DN khởi nghiệp các nước.

Ngoài ra, cần tiếp tục triển khai các kế hoạch hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học công nghệ và ĐMST, nhất là thúc đẩy các dự án hợp tác trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ, phát triển sản phẩm. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng, hình thành, hoàn thiện mạng lưới kết nối với trung tâm khởi nghiệp của các tỉnh, thành phố, qua đó chia sẻ nguồn lực, kết nối cung cầu, cộng tác mở rộng không gian sáng tạo, thúc đẩy năng lực cạnh tranh và sự phát triển chung của cả nước…

Chuyên đề