“Siết” tư vấn đầu tư để giảm lỗi tiến độ, chất lượng dự án

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg nhằm lập lại trật tự, kỷ cương, khắc phục những bất cập trong công tác tư vấn đầu tư xây dựng các công trình, dự án ngành giao thông vận tải, góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công trình. Liên quan đến chất lượng lựa chọn nhà thầu tư vấn các gói thầu khảo sát, lập thiết kế, bản vẽ, dự toán…, nhiều câu chuyện bất cập đã được Báo Đấu thầu phản ánh.
Dự án Mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao thông Mỹ Thủy) chậm tiến độ gần 3 năm do yếu tố kỹ thuật, thiết kế. Ảnh: Nam Anh
Dự án Mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao thông Mỹ Thủy) chậm tiến độ gần 3 năm do yếu tố kỹ thuật, thiết kế. Ảnh: Nam Anh

Năm 2021, hàng loạt nhà thầu trong lĩnh vực tư vấn khảo sát, thiết kế, lập dự toán phản ánh đến Báo Đấu thầu tình trạng nhiều gói thầu trong lĩnh vực này được công bố mời thầu với thời gian thực hiện hợp đồng rất gấp gáp, không khả thi. Giai đoạn chuẩn bị dự án có vai trò rất quan trọng, đòi hỏi đội ngũ nhân sự chất lượng cao, xử lý khối lượng thông tin, dữ liệu khổng lồ, nhưng thời gian thực hiện hợp đồng một số gói thầu chỉ từ 10 - 15 ngày, dẫn tới hạn chế cạnh tranh và có thể ảnh hưởng đến chất lượng của toàn bộ dự án.

Đơn cử, tại Quảng Nam, các gói thầu như: Gói thầu Tư vấn lựa chọn nhà thầu khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công - dự toán thuộc Dự án Khu đô thị mới trung tâm thị trấn Hà Lam (giai đoạn 1); Gói thầu Tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công - dự toán thuộc Dự án Đường giao thông Trà Mai - Trà Vân - Trà Vinh, huyện Nam Trà My… đều có thời gian thực hiện hợp đồng 15 ngày.

Gần đây, UBND xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 2 Tư vấn khảo sát, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán thuộc Dự án Nâng cấp, cải tạo một số công trình cầu treo dân sinh năm 2023 trên địa bàn xã Mường Lạn, thời gian thực hiện hợp đồng là 15 ngày.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) công bố Công ty TNHH MTV Tư vấn xây dựng Anh Quân Tây Nguyên trúng Gói thầu Tư vấn giám sát bước lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán thuộc Dự án Sắp xếp, bố trí ổn định dân cư khu vực biên giới xã Ia O với thời gian thực hiện hợp đồng 7 ngày...

“Áp lực tiến độ toàn dự án” là chia sẻ của nhiều bên mời thầu khi lý giải việc yêu cầu thời gian thực hiện hợp đồng các gói thầu nêu trên quá ngắn. Trong khi đó, các chuyên gia trong lĩnh vực khảo sát thiết kế cho rằng, việc hạn chế thời gian thực hiện hợp đồng gói thầu tư vấn khảo sát, thiết kế, lập dự toán có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, bởi các gói thầu này là nền tảng cho toàn bộ hoạt động xây lắp, quyết định rất lớn đến hiệu quả, an toàn, chất lượng và giá trị của dự án.

Bên cạnh đó, công tác lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn quản lý dự án còn bị phản ánh có tình trạng cài cắm để hạn chế cạnh tranh. Tại thị xã An Nhơn (Bình Định), nhiều nhà thầu phản ánh hồ sơ mời thầu các gói thầu tư vấn quản lý dự án thi công xây dựng một số dự án có tình trạng “gọt chân cho vừa giày”, “hạ tiêu chí” để nhà thầu năng lực yếu dự thầu.

Ngoài ra, chất lượng của đội ngũ tư vấn khảo sát, thiết kế lập bản vẽ, dự toán của nhiều công trình hiện nay còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của dự án. Sự cố sụt lún trụ cầu thuộc Dự án Đầu tư xây dựng cầu qua sông Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân (tỉnh Cà Mau) được nhận định có liên quan đến khâu khảo sát chưa kỹ, không đánh giá hết thực trạng địa chất tại Dự án. Ngay sau sự cố này, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản khẩn gửi các địa phương quy định trách nhiệm về quản lý đầu tư xây dựng, trong đó có vai trò tư vấn và nhà thầu.

Tại TP.HCM, Dự án Mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao thông Mỹ Thủy), cả nhà thầu thi công và Chủ đầu tư đều “đứng hình” do yếu tố kỹ thuật, thiết kế. Cụ thể, công tác khảo sát không tính toán hết những phát sinh như nền đất không đồng nhất, nhiều đoạn đất yếu nên phải xử lý kỹ thuật cho từng đoạn, tăng khối lượng thi công nền đường..., khiến tăng vốn đầu tư, Dự án chậm tiến độ gần 3 năm.

Tại Dự án Xây dựng đường giao thông nối từ đường Lữ Gia xuống thượng lưu hồ Xuân Hương và xây dựng kè chắn xung quanh hồ lắng số 1 và dọc theo suối, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng là 60,87 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi triển khai, tính toán lại, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng thực tế ước tính lên tới 163,544 tỷ đồng (tăng 102,674 tỷ đồng). Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Đà Lạt (Chủ đầu tư), nguyên nhân là khâu lập chủ trương đầu tư và dự toán chưa đủ điều kiện thu thập giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân liên quan Dự án, chi phí ban đầu áp dụng cho đơn giá bồi thường đất nông nghiệp.

Về công tác tư vấn đầu tư xây dựng các công trình, dự án giao thông vận tải, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, thời gian qua, công tác này còn bộc lộ một số bất cập, đặc biệt trong khảo sát, thiết kế, số liệu, thông tin khảo sát chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thiếu chính xác, sơ bộ tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình chưa phù hợp với thực tế, dẫn đến rất nhiều dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư, điều chỉnh vốn, tổng mức đầu tư, dự toán…, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư.

Chuyên đề