Khởi công từ đầu năm 2020, đến nay, Dự án Mở rộng đường Đồng Văn Cống (TP.HCM) vẫn ngổn ngang. Ảnh: Anh Tú |
Khởi công từ đầu năm 2020, đến nay đã hết thời gian thực hiện hợp đồng hơn 2,5 năm, Gói thầu Xây lắp thuộc Dự án Mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao thông Mỹ Thủy) vẫn ngổn ngang. Từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, tại hiện trường công trình không có dấu hiệu huy động phương tiện, nhân sự phục vụ thi công.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Chủ đầu tư), căn cứ tình hình thực tế, Công ty CP Lạc An không thể đáp ứng tiến độ thực hiện hợp đồng dù Chủ đầu tư đã có nhiều thư yêu cầu, thúc giục. Để hoàn thành Dự án trong năm 2023, Chủ đầu tư đề xuất Thành phố cho phép chấp thuận chỉ định nhà thầu để thi công các công việc còn lại của hợp đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tháng 4/2019, Khu quản lý giao thông đô thị số 2 công bố Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Hưng Nghiệp trúng Gói thầu Tư vấn khảo sát và lập thiết kế bản vẽ, thi công, dự toán thuộc Dự án Mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao thông Mỹ Thủy) với thời gian thực hiện hợp đồng là 90 ngày.
Tiếp theo, ngày 30/12/2019, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu Xây lắp thuộc Dự án. Gói thầu có giá 33,61 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư của Dự án là 42 tỷ đồng, Công ty CP Lạc An trúng thầu với giá 33,56 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng 180 ngày, loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh. Vào thời điểm đó, Dự án đã có đủ mặt bằng sạch để thi công.
Theo biên bản mở thầu, ngoài Công ty CP Lạc An, Gói thầu còn có sự tham dự của 2 nhà thầu: Công ty TNHH MTV Xây dựng Trọng Nghĩa và Công ty CP Công trình giao thông công chánh. Báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu cho biết, hồ sơ đề xuất kỹ thuật của Công ty TNHH MTV Xây dựng Trọng Nghĩa bị đánh giá không hợp lệ; Công ty CP Công trình giao thông công chánh không đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm.
Về Công ty CP Lạc An, công ty này được công bố trúng 12 gói thầu thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông tại TP.HCM từ tháng 12/2016 đến tháng 1/2020 với tổng giá trị hơn 665 tỷ đồng. Tuy nhiên, Lạc An từng bị TP.HCM chấm dứt hợp đồng tại Gói thầu XL-03 Xây dựng hệ thống thoát nước chung cấp 2, cấp 3, lưu vực 6 thuộc Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2. Đây là gói thầu có giá trị hơn 204 tỷ đồng, ký hợp đồng vào tháng 8/2017, thời gian thi công là 24 tháng. Tuy nhiên, đến tháng 1/2021, khối lượng thi công mới đạt 50%, Nhà thầu ngưng thi công, không đủ nguồn lực tài chính để tiếp tục triển khai Gói thầu.
Liên quan đến việc nhà thầu bị đề xuất cắt hợp đồng, một số chuyên gia cho rằng, khi một dự án thi công chậm tiến độ, ảnh hưởng xấu đến công tác giải ngân vốn đầu tư công, các cơ quan chức năng cần có đánh giá khách quan lý do chậm, trước khi ra quyết định xử lý cụ thể. Nếu lý do chậm thuộc phạm vi nhà thầu, thì nhà thầu phải chịu trách nhiệm. Nếu lý do là khách quan hay thuộc về chủ thể khác, thì cần có giải pháp gỡ khó cho nhà thầu trước khi chọn nhà thầu mới, làm nốt công việc tại dự án. Trong trường hợp lý do là khách quan, bản thân nhà thầu thi công dự án là chủ thể chịu thiệt hại, việc cắt hợp đồng hay xử phạt nhà thầu sẽ không giúp đẩy nhanh tiến độ dự án, vì nhà thầu tiếp theo cũng sẽ phải đối mặt với khó khăn như nhà thầu được chọn ban đầu.
Tại Dự án Mở rộng đường Đồng Văn Cống, báo cáo đến Sở Giao thông vận tải TP.HCM mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, công tác xây dựng công trình bị ảnh hưởng do yếu tố kỹ thuật. Cụ thể, nền đất không đồng nhất, nhiều đoạn đất yếu nên phải xử lý kỹ thuật cho từng đoạn, tăng khối lượng thi công nền đường..., nên vốn đầu tư tăng lên. Với chi phí ban đầu, Nhà thầu không thể tiếp tục thi công, dẫn tới không thể hoàn thành Dự án theo kế hoạch. Cụ thể, thiết kế ban đầu dự kiến đóng cừ 0,8m nhưng thực tế hiện trường đòi hỏi phải đóng cừ 2,65m, dẫn đến chi phí xây dựng tăng lên gấp đôi. Trong khi đó, đơn giá thanh toán phần phát sinh thêm biện pháp thi công này không có.