Sawaco nỗ lực quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên nước

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian trước đây, để cung cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn TP.HCM, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) thực hiện xử lý các nguồn nước từ hệ thống sông ngòi và khai thác nước ngầm trước khi bơm ra mạng lưới cấp nước đến từng hộ dân. Qua từng giai đoạn phát triển, nhận thức rõ trách nhiệm với việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, Sawaco đã áp dụng nhiều công nghệ hiện đại, quản lý thông minh để tiết kiệm nguồn tài nguyên quý giá nước ngầm.
Hệ thống nhà máy nước, mạng lưới cấp nước phủ khắp TP.HCM với công nghệ hiện đại giúp Sawaco giảm dần tỷ lệ khai thác nước ngầm
Hệ thống nhà máy nước, mạng lưới cấp nước phủ khắp TP.HCM với công nghệ hiện đại giúp Sawaco giảm dần tỷ lệ khai thác nước ngầm

Sawaco cho biết, với hệ thống nhà máy nước, mạng lưới cấp nước phủ khắp Thành phố, nguồn nước sạch cung cấp dôi dư ra nhiều hơn, Tổng công ty đã dần giảm khai thác nước ngầm. Việc khai thác chỉ còn duy trì ở một số nơi mà mạng lưới cấp nước chưa kịp phát triển hoặc sử dụng làm nguồn dự trữ cấp nước an toàn đề phòng nguồn nước mặt (từ các sông) cung cấp cho các nhà máy gặp sự cố môi trường bất ngờ. Hiện nay, trong công tác cấp nước sạch cho người dân Thành phố, ngoài việc bảo đảm an toàn, ổn định với chất lượng nước ngày càng được nâng cao, Sawaco luôn chú trọng bảo vệ môi trường để ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững.

Tổng công ty đã xây dựng Kế hoạch giảm khai thác nước ngầm phù hợp với lộ trình giảm khai thác nước ngầm của TP.HCM. Theo đó, giảm lượng nước ngầm khai thác từ các hệ thống giếng xuống mức 100.000 m3/ngày đêm vào cuối năm 2018; 90.000 m3/ngày đêm vào cuối năm 2019; 70.000 m3/ngày đêm vào cuối năm 2020.

Đến năm 2021, lượng khai thác nước ngầm tiếp tục giảm về mức 66.000 m3/ngày đêm, hầu hết các trạm cấp nước duy trì khai thác đều thuộc địa bàn huyện Bình Chánh (gồm 22 trạm cấp nước cho địa bàn huyện Bình Chánh và Nhà máy Nước ngầm Tân Phú). Năm 2022, việc khai thác nước ngầm giảm về mức 62.300 m3/ngày đêm và đến năm 2023, Sawaco dự kiến sẽ giảm khai thác thêm 12.300 m3/ngày đêm từ Nhà máy Nước ngầm Tân Phú để về mức 50.000 m3/ngày đêm.

Công nhân bảo dưỡng hệ thống đường ống, bảo đảm nguồn nước liên tục, chất lượng cho người dân

Công nhân bảo dưỡng hệ thống đường ống, bảo đảm nguồn nước liên tục, chất lượng cho người dân

Theo Sawaco, thời gian qua, nhu cầu sử dụng nước tại khu vực này liên tục gia tăng do tốc độ đô thị hóa cao. Nguyên nhân này khiến Sawaco chưa thể giảm mạnh việc khai thác nước ngầm ngay lập tức mà điều tiết bằng cách giảm khai thác Nhà máy Nước ngầm Tân Phú để ưu tiên cho các trạm trên địa bàn huyện Bình Chánh. Tuy nhiên, Sawaco sẽ đẩy nhanh các dự án đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước để sớm giảm khai thác nước ngầm tới mức thấp nhất.

Việc giảm khai thác nước ngầm và cấp nước an toàn là nhiệm vụ kép mà Sawaco đang theo đuổi. Lộ trình giảm khai thác nước ngầm đã được vạch rõ, lấy việc giảm khai thác tới mức thấp nhất làm “kim chỉ nam” hành động. Sawaco và các công ty cấp nước thành viên luôn nỗ lực cấp nước chất lượng, an toàn cho 20/21 quận, huyện và TP. Thủ Đức với hơn 1,5 triệu đồng hồ nước. Từ năm 2017, Tổng công ty đã hoàn thành chỉ tiêu cấp nước sạch cho 100% hộ dân qua nhiều giải pháp như phát triển mạng lưới, gắn đồng hồ, bồn chứa nước tập trung... Tuy vậy, nhiều nơi người dân vẫn sử dụng nước ngầm (chiếm gần 8% tổng số khách hàng) dù được cấp nước sạch.

Tầm nhìn, định hướng phát triển của Sawaco tới năm 2025 là trở thành doanh nghiệp cấp nước hàng đầu tại Việt Nam, là một trong những doanh nghiệp cấp nước hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Với sứ mệnh bảo đảm cung cấp nước chất lượng, an toàn, liên tục cho người dân TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Tổng công ty đặt mục tiêu chung đến năm 2025 là quản lý vận hành hệ thống cấp nước theo hướng tự động hóa, hiện đại hóa, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục đáp ứng đủ nhu cầu cho TP.HCM, thí điểm vài khu vực dân cư uống nước trực tiếp tại vòi.

Để giúp người dân thay đổi nhận thức và khuyến khích sử dụng nước sạch thay cho nước ngầm, Sawaco sẽ bảo đảm nguồn nước liên tục, chất lượng. Đồng thời phối hợp tốt với các sở, ngành, quận, huyện, TP. Thủ Đức tuyên truyền, vận động người dân hạn chế khai thác nước ngầm, trám lấp giếng, thực hiện chương trình giảm giá nước để khuyến khích các hộ dân đã được gắn đồng hồ nhưng chưa sử dụng nước. Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, sẽ có giá bán sỉ nước hợp lý.

Sawaco cho biết sẽ triển khai nhiều giải pháp, đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2020 - 2025 nâng tổng công suất hệ thống cấp nước từ 2,4 triệu m3/ngày đêm lên 2,9 triệu m3/ngày đêm, tỷ lệ thất thoát nước giảm xuống còn 17,5% theo Quyết định 1242/QĐ-UBND ngày 30/3/2018 và Quyết định 2422/QĐ-UBND ngày 5/7/2021 của UBND TP.HCM.

Theo lãnh đạo Sawaco, doanh nghiệp phải đối mặt với một số khó khăn như vấn đề ô nhiễm, suy giảm chất lượng nước, tác động của biến đổi khí hậu và thiếu khả năng dự phòng ứng phó với diễn biến của nguồn nước. Mặc dù cơ quan quản lý nhà nước đã tăng cường nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ nguồn nước nhưng chất lượng nước sông Đồng Nai, đặc biệt là sông Sài Gòn nhìn chung biến động và có xu hướng xấu hơn. Các chỉ tiêu như ammonia, hữu cơ, vi sinh, mangan… trong nước sông Sài Gòn ngày càng tăng. Để giải quyết được vấn đề này, việc quản lý bảo vệ nguồn nước cần được xem xét một cách tổng thể, quyết liệt trên phạm vi liên tỉnh thành trên lưu vực.

Bên cạnh đó, mạng lưới cấp nước dù được đầu tư phát triển nhanh chóng và ngày càng hoàn chỉnh, giúp đáp ứng được yêu cầu truyền tải và phân phối nước đến người dân, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạng mục, công trình lạc hậu, cần được cải tạo. Quy hoạch mạng lưới cấp nước Thành phố được cấu tạo mạng vòng, không có những bể chứa nước để điều phối trên hệ thống cấp nước nên còn tồn tại một số khó khăn như về áp lực nước. Về chất lượng nước, hàm lượng chất khử trùng Chlorine chống tái nhiễm trên mạng lưới chênh lệch giữa đầu nguồn và cuối nguồn. Thời gian lưu nước trên mạng lưới không đồng đều, có thể dẫn đến hiện tượng lắng cặn trong đường ống và giảm hàm lượng chất khử trùng để tránh tái nhiễm vi sinh.

Chuyên đề