Rủi ro còn nhiều, làm sao đạt mục tiêu tăng trưởng?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù có dấu hiệu phục hồi tích cực trong quý I, nền kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục chú trọng chính sách tài khóa, nhất là giải ngân đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, đặc biệt giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ hỗ trợ cho tổng cầu trong ngắn hạn, kích thích tăng trưởng GDP. Ảnh: Lê Tiên
Việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ hỗ trợ cho tổng cầu trong ngắn hạn, kích thích tăng trưởng GDP. Ảnh: Lê Tiên

Tại buổi họp báo công bố Báo cáo Điểm lại - Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, diễn ra ngày 23/4/2024, bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, rủi ro và cơ hội đối với triển vọng tăng trưởng của Việt Nam đang ở thế cân bằng. Cụ thể, tăng trưởng thấp hơn dự kiến ở các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Hơn nữa, căng thẳng địa chính trị và thiên tai liên quan đến khí hậu gia tăng sẽ làm tăng rủi ro. Trong nước, tốc độ phục hồi của thị trường bất động sản không được như dự báo có thể ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và ảnh hưởng đến đầu tư tư nhân. Chất lượng tài sản trong khu vực tài chính tiếp tục xấu đi do thị trường bất động sản suy giảm có thể ảnh hưởng xấu đến triển vọng tăng trưởng khi vốn dự phòng, kể cả của một số ngân hàng thương mại quốc doanh lớn đang tương đối mỏng. Nhìn theo hướng tích cực, tăng trưởng toàn cầu cao hơn dự kiến sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam phục hồi mạnh hơn.

Bà Dorsati Madani khuyến nghị Chính phủ nên duy trì chính sách tài khóa tương đối mở rộng trong năm 2024 để hỗ trợ phục hồi kinh tế, nhưng sẽ quay lại chính sách tài khóa thắt chặt trong những năm tiếp theo. Việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ hỗ trợ cho tổng cầu trong ngắn hạn, đồng thời giúp thu hẹp khoảng cách thiếu hụt về hạ tầng đang phát sinh.

Về chính sách tiền tệ, chuyên gia của WB cho rằng, dư địa để tiếp tục cắt giảm lãi suất đã trở nên hạn chế hơn do chênh lệch nhỏ về lãi suất giữa thị trường trong nước và quốc tế và do áp lực có thể gây ra đối với tỷ giá. Tiếp đà cải cách trong thời gian qua, các bước nhằm giảm nhẹ nguy cơ dễ tổn thương và rủi ro trong khu vực tài chính vẫn hết sức cấp thiết trong thời gian tới. Các cấp có thẩm quyền có thể ban hành chính sách nhằm cải thiện hệ số an toàn vốn của các ngân hàng, đồng thời tăng cường khung thể chế về giám sát an toàn (bao gồm phát hiện và xử lý vấn đề phát sinh trong quan hệ sở hữu chéo giữa ngân hàng và các tập đoàn, doanh nghiệp), can thiệp sớm, xử lý ngân hàng yếu kém và quản lý khủng hoảng.

Tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực tư nhân sẽ góp phần bổ sung động lực quan trọng cho tăng trưởng. Ảnh: Tiên Giang

Tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực tư nhân sẽ góp phần bổ sung động lực quan trọng cho tăng trưởng. Ảnh: Tiên Giang

Tại một hội thảo mới đây, với dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6 - 6,5%, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV kiến nghị cần đẩy mạnh nhóm giải pháp củng cố, làm mới các động lực tăng trưởng hiện hữu, đồng thời khai thác, phát huy hiệu quả hơn các động lực tăng trưởng mới. Động lực hiện hữu là đầu tư công, đầu tư tư nhân và tiêu dùng nội địa; áp dụng các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; quan tâm thúc đẩy tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế, nhất là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… Chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp nhà nước, dự án yếu kém, tổ chức tín dụng yếu kém, đầu tư công… nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, lành mạnh hóa hệ thống doanh nghiệp và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế. Các động lực tăng trưởng mới gồm chuyển đổi số; năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp; tăng trưởng xanh và chủ động thích ứng biến đổi khí hậu; nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu; đẩy mạnh liên kết vùng; tận dụng cơ hội từ hội nhập và ngoại giao kinh tế…

TS. Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) thì khuyến nghị Chính phủ nên dựa vào chính sách tài khóa thay vì chính sách tiền tệ để thúc đẩy tổng cầu. Cụ thể, cần đẩy mạnh chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, giải ngân đầu tư công một cách có hiệu quả và tiếp tục giảm một số loại thuế, phí. Về chính sách tiền tệ, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng, cải thiện sự lành mạnh của hệ thống tài chính tiền tệ. Duy trì các chính sách trọng cung và nuôi dưỡng những động lực tăng trưởng mới từ phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ.

Nhóm nghiên cứu của NEU cũng khuyến nghị các chính sách kích cầu tiêu dùng như gia tăng trợ cấp an sinh xã hội; nâng mức thu nhập chịu thuế và giảm thuế suất thu nhập cá nhân; giảm thuế giá trị gia tăng hàng thiết yếu nội địa để tăng nhu cầu chi tiêu; tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương…

Các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh đến việc thúc đẩy khu vực tư nhân, hiện đang gặp nhiều khó khăn, nếu tháo gỡ được sẽ bổ sung động lực quan trọng cho tăng trưởng. Theo đó, cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi, hỗ trợ tiếp cận các nguồn lực như đất đai, tín dụng, công nghệ mới; giảm thiểu tối đa thuế và các loại phí chính thức và không chính thức.

Tại Chỉ thị số 12/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một loạt giải pháp, nhiệm vụ các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng, kiểm soát lạm phát.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư