"Rót" hơn 1.800 tỷ nâng cấp hạ tầng giao thông Yên Bái

0:00 / 0:00
0:00
Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ Giao thông vận tải cân đối được 1.810 tỷ nâng cấp hạ tầng giao thông tại Yên Bái, trong đó, sẽ khởi công tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài – Lào Cai, sớm tháo điểm nghẽn vùng cực Bắc...
Sớm khởi công tuyến nối Hà Giang với cao tốc "xương sống" Nội Bài – Lào Cai.
Sớm khởi công tuyến nối Hà Giang với cao tốc "xương sống" Nội Bài – Lào Cai.

Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn số 1871 gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái để trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái gửi tới sau Kỳ họp thứ 2 và Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Cụ thể, cử tri tỉnh Yên Bái nêu rõ thực tế, tuyến đường Quốc lộ 70 qua địa bàn tỉnh Yên Bái có chiều dài 85km, được đầu tư nâng cấp từ những năm 2007 - 2008 đến nay nhiều đoạn đường bị hư hỏng và xuống cấp ...

“Bộ Giao thông vận tải xem xét sớm đầu tư cải tạo, nâng cấp, đồng thời tăng cường sửa chữa tuyến đường nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đảm bảo giao thông đi lại của nhân dân được an toàn, thuận tiện”, cử tri kiến nghị.

Trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Giao thông vận tải cho biết, đối với nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cân đối được khoảng 1.810 tỷ đồng để hoàn thành 3 dự án đang đầu tư, chuyển tiếp từ giai đoạn trước gồm kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc; Quốc lộ 32C đoạn Hiền Lương – TP. Yên Bái; Quốc lộ 37 đoạn Km280 – Km340.

Đồng thời, khởi công mới dự án tuyến nối Hà Giang với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Trước đó, dự án giai đoạn 1 được đề xuất thực hiện từ năm 2022 đến năm 2027, với tổng vốn đầu tư 8.737 tỷ đồng có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 83,3 km.

Theo Bộ Giao thông vận tải, cao tốc Nội Bài-Lào Cai được coi là tuyến "kinh tế xương sống" cho cả khu vực Tây Bắc. Kể từ sau khi được đưa vào khai thác, sử dụng, tuyến cao tốc này đã mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội rất lớn.

Việc nghiên cứu đầu tư xây dựng đường cao tốc kết nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài-Lào Cai sẽ nâng cao khả năng kết nối giữa các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang với cao tốc Nội Bài-Lào Cai, rút ngắn hành trình từ Hà Giang và các địa phương khác trong khu vực về Thủ đô Hà Nội.

“Việc đầu tư Quốc lộ 70 là cần thiết, hiện có trong Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhưng do khó khăn trong cân đối nguồn lực như báo cáo nêu trên nên chưa thể cân đối được nguồn vốn để thực hiện”, Bộ Giao thông vận tải cho hay.

Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương tìm kiếm, huy động các nguồn lực hợp pháp khác để sớm cải tạo, nâng cấp tuyến đường.

Trong khi chưa có điều kiện triển khai dự án mới, Bộ sẽ chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam có kế hoạch bảo trì, sửa chữa tuyến đường để đảm bảo điều kiện đi lại, vận tải thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Lý giải về khó khăn thu xếp nguồn vốn để nâng cấp Quốc lộ 70, Bộ Giao thông vận tải lý giải, Quốc lộ 70 đi qua địa phận 3 tỉnh: Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai có chiều dài khoảng 200km.

Trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Yên Bái có chiều dài khoảng 85,0km, hiện trạng cơ bản đạt cấp IV, 2 làn xe, quy mô phù hợp quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021.

Thời gian qua, tuyến đường được sửa chữa, cải tạo từ nguồn vốn bảo trì để đảm bảo êm thuận và an toàn cho các phương tiện lưu thông.

Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải xây dựng nhu cầu đầu tư từ vốn ngân sách trung ương khoảng 462.000 tỷ đồng. Do nguồn lực quốc gia khó khăn, hiện nay Bộ chỉ được phân bổ tổng số 304.104 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 tại Nghị quyết số 29/2011/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội.

Theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, số vốn này phải ưu tiên bố trí khoảng 147.000 tỷ đồng để hoàn thành các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước, thanh toán các khoản nợ đọng thuộc nghĩa vụ của ngân sách nhà nước.

Như vậy, chỉ còn 157.000 tỷ đồng để triển khai các dự án mới; trong đó, tập trung bố trí khoảng 117.500 tỷ đồng cho 18 dự án đường bộ cao tốc khởi công mới và khoảng 39.500 tỷ đồng cho một số ít các dự án động lực, cấp bách hoặc để xử lý các điểm nghẽn thuộc 5 chuyên ngành giao thông trong 5 năm trên phạm vi cả nước.

“Còn nhiều dự án, có quy mô không lớn, nhưng là các điểm nghẽn trong các chuyên ngành giao thông, có nhu cầu đầu tư để phát huy hiệu quả toàn hệ thống vẫn chưa cân đối được trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 để triển khai”, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.

Chuyên đề