Quy hoạch tổng thể quốc gia: Kiến tạo không gian phát triển đất nước

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ là cơ hội quý để kiến tạo mô hình, phân bổ không gian phát triển quốc gia nhằm đạt các mục tiêu, khát vọng lớn. Quy hoạch phải cụ thể hóa được chiến lược phát triển đất nước nhưng cũng phải gợi mở, định hướng, dẫn dắt các quy hoạch cấp dưới để triển khai bảo đảm nhất quán. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh tại “Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2030, với định hướng phân vùng và liên kết vùng. Ảnh: Lê Tiên
Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2030, với định hướng phân vùng và liên kết vùng. Ảnh: Lê Tiên

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu tiên được triển khai lập ở nước ta theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, là nhiệm vụ rất mới, chưa có tiền lệ. Quy hoạch sẽ cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2030, với định hướng phân vùng và liên kết vùng trên lãnh thổ quốc gia. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao; xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Theo phương án 1, GDP bình quân sẽ đạt 7.000 USD/người năm 2030, 25.000 USD/người vào năm 2050. Phương án 2 thì các mức tương ứng sẽ là 7.500 USD/người và 32.000 USD/người.

“Nội dung Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ định hướng phân vùng và liên kết vùng trên lãnh thổ quốc gia (bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời) một cách khoa học để tạo không gian phát triển đồng bộ; định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, gắn với sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, đồng thời chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế hiệu quả”, Thứ trưởng Phương nói.

Theo ông Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (đơn vị tư vấn lập Quy hoạch), khi các nguồn lực phát triển có hạn, trong một giai đoạn nhất định cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có để những lãnh thổ đó phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển. Trong thời kỳ quy hoạch định hướng tập trung hình thành và phát triển một số hành lang kinh tế, vùng động lực, đô thị lớn, các khu kinh tế gắn với bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.

PGS. TS. Vũ Năng Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam cho rằng, định hướng phát triển không gian theo vùng, lãnh thổ trong Quy hoạch ngoài xác định hành lang kinh tế, vùng đô thị động lực, các vùng, khu vực cần bảo tồn, hạn chế phát triển thì cần phải định hướng phát triển theo chiều dọc đất nước. Bởi, sự hình thành, phát triển đất nước theo địa hình, phân bố dân cư theo chiều dọc là rất rõ, với địa hình hầu hết các vùng mặt nhìn ra biển. Do đó, cần quan tâm định hướng phát triển vùng các tỉnh có biển, phát triển kinh tế biển. Vùng đồng bằng và núi thấp sẽ là vùng sản xuất lương thực bảo đảm an ninh lương thực, trồng các cây công nghiệp hàng hóa chủ lực, chăn nuôi tập trung, xây dựng các thành phố lớn, các khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Vùng núi và núi cao sẽ là vùng bảo vệ rừng, trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp, du lịch sinh thái, đảm bảo an sinh biên giới…

TS. Nguyễn Quang, nguyên Giám đốc Chương trình UN-Habitat Việt Nam nêu quan điểm, Việt Nam là quốc gia nằm sát biển Đông và biển là bộ phận cấu thành chủ quyền của tổ quốc. Do vậy, kinh tế biển, các vùng biển, vùng ven biển đang và sẽ trở thành động lực, đóng góp lớn cho phát triển của đất nước. Song, lợi thế và tiềm năng của cửa ngõ vươn ra thế giới này thời gian qua chưa được phát huy đầy đủ. Do đó, ông Quang mong muốn Quy hoạch sẽ làm rõ hơn định hướng phát huy tiềm năng to lớn từ biển.

Ngoài ra, Quy hoạch cần đánh giá những xu hướng, cơ hội và thách thức toàn cầu đang diễn ra hiện nay như: đại dịch Covid-19, xung đột địa chính trị trong khu vực và trên thế giới, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, tình trạng thiếu hụt năng lượng, tình trạng lạm phát ảnh hưởng tới các nước đang phát triển có nợ nước ngoài cao… Tất cả các yếu tố này sẽ tác động, ảnh hưởng không nhỏ tới chiến lược phát triển của Việt Nam trong những năm tới, ông Quang lưu ý thêm.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương yêu cầu, đơn vị tư vấn, cơ quan soạn thảo tiếp thu tối đa các ý kiến tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện tốt nhất bản quy hoạch, đồng thời lưu ý bám sát tiến độ, các mốc thời gian. Theo dự kiến, tháng 10/2022, Chính phủ sẽ trình Quy hoạch tổng thể quốc gia để Quốc hội xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XV.

Chuyên đề