Lũ ống ở Điện Biên, 2 người chết
Mưa lớn liên tục, lũ ống từ thượng nguồn đổ về một bản ở xã Mường Pồn, huyện Điện Biên khiến 2 người chết, 5 người mất tích, sáng 25/7.
Nước lũ tràn vào bản Lĩnh |
Khoảng 1h, lũ ống từ thượng nguồn đổ về bản Mường Pồn 1, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, kéo sập một số nhà nằm ven suối, nhiều nhà khác ngập sâu gần 1 m. Người dân hoảng loạn tháo chạy trong đêm.
Khi trời sáng, người dân quay trở lại nhà, chứng kiến dòng suối nhỏ trước đây đã mở rộng tới 50 m. Hai bên đất đá, cây cối đổ ngổn ngang.
Lãnh đạo UBND xã Mường Pồn cho biết, bước đầu ghi nhận 2 mẹ con chết, 5 người mất tích ở 2 gia đình. Chính quyền đang chia người đi dọc con suối hơn 1 km để tìm kiếm.
Đến 14h, khoảng 400 người thuộc quân đội, công an và người dân vẫn đang tìm kiếm 5 nạn nhân vụ sạt lở. Lãnh đạo UBND huyện Điện Biên cho biết, trời tiếp tục đổ mưa, công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên cho biết, mưa lũ từ đêm 24/7 đến sáng 25/7 làm 10 nhà bị cuốn trôi, 8 nhà đổ sập và hơn 100 nhà khác bị ảnh hưởng.
Chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão Prapiroon, các tỉnh miền núi phía Bắc liên tục mưa lớn. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, từ đêm 24/7 tới sáng 25/7, xã Mường Pồn mưa lớn nhất - hơn 290 mm, một số khu vực khác như xã Nà Tấu, xã Mường Chà, huyện Mường Chà 100 mm.
Trước đó, tại Sơn La, mưa lớn gây sạt lở đất, lũ lớn làm 4 người chết, 5 người mất tích tại huyện Mai Sơn và Thuận Châu. Khoảng 640 ngôi nhà, hơn 28.000 ha lúa, hoa màu, 44 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, cuốn trôi. Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ xuất hiện gần 700 điểm sạt lở với khối lượng 45.000 m3 đất, đá.
Giá đất bồi thường ở Đồng Khởi, Nguyễn Huệ dự kiến 810 triệu đồng/m2
TP.HCM dự kiến điều chỉnh giá bồi thường ở các tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ lên đến 810 triệu đồng/m2, cao gấp 5 lần so với bảng giá đất hiện nay.
Giá bồi thường đất tại các tuyến đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi có thể lên đến 810 triệu đồng/m2 |
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đang lấy ý kiến dự thảo về việc ban hành Quyết định điều chỉnh bảng giá đất trên địa bàn, bảng giá mới dự kiến áp dụng từ ngày 1/8 đến hết năm.
Sau đó, cơ quan này sẽ tổng kết, đánh giá tác động về mặt kinh tế, xã hội, từ đó tiếp tục điều chỉnh bảng giá đất để áp dụng từ ngày 1/1 - 31/12/2025.
Đối với việc xây dựng bảng giá đất lần đầu áp dụng từ ngày 1/1/2026 theo quy định tại Luật Đất đai năm 2024, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ thuê đơn vị tư vấn để thực hiện.
Tại dự thảo, dự kiến trong 5 tháng cuối năm nay, giá "đất vàng" trung tâm Thành phố trên các tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ lên đến 810 triệu đồng/m2. Như vậy, giá đất sau điều chỉnh tăng gấp 5 lần giá hiện hành.
Một số tuyến đường lân cận như Tôn Đức Thắng, đoạn từ Công trường Mê Linh đến cầu Nguyễn Tất Thành sẽ có giá 528 triệu đồng, tăng hơn 422 triệu đồng/m2 so với bảng giá đất hiện hành.
Các tuyến đường ở trung tâm Quận 1 như Trương Định, Thủ Khoa Huân, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Ngô Đức Kế, Mạc Thị Bưởi cũng có giá bồi thường dự kiến tăng gấp 5 lần, lên 440 triệu đồng/m2.
Đáng chú ý, tại TP. Thủ Đức, bảng giá đất hiện hành chỉ khoảng 5 - 20 triệu đồng/m2 cũng dự kiến tăng vọt lên hơn trăm triệu.
Đơn cử như đường Thảo Điền, đoạn từ Xa Lộ Hà Nội đến đường số 4 (phường Thảo Điền) dự kiến lên mức 165 triệu đồng/m2, đường Trần Não có giá 149 triệu đồng/m2, trong khi bảng giá hiện hành chỉ quy định 13 - 22 triệu đồng/m2.
Tại Quận 7, giá bồi thường đất tại nhiều tuyến đường đắc địa như Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Phan Chánh... cũng tăng gấp 10 lần lên 210 - 220 triệu đồng/m2.
Thanh khoản chứng khoán thấp nhất nửa năm
Tổng giá trị giao dịch sàn HoSE ngày 26/7 đạt khoảng 11.700 tỷ đồng - mức thấp nhất trong 6 tháng qua, khi thị trường giảm điểm liên tiếp.
Thanh khoản chứng khoán thấp nhất nửa năm 2024. Ảnh minh họa |
Sau nhiều phiên chứng khoán điều chỉnh, nhà đầu tư rơi vào tâm lý ngại giao dịch và chủ yếu đứng ngoài quan sát. Điều này khiến thanh khoản thị trường ngày 26/7 giảm hơn 6.100 tỷ về khoảng 11.700 tỷ đồng. Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 25/1.
Buổi sáng, dòng tiền chỉ nhích dần dần, có lúc thấp hơn thanh khoản cùng kỳ ngày 25/7 tới khoảng 4.000 tỷ đồng. Bên bán chiếm lĩnh sàn HoSE từ sớm đẩy chỉ số đại diện về dưới tham chiếu, dần thủng mốc 1.230 điểm vào cuối buổi. Đến trước khi nghỉ trưa, tổng giá trị giao dịch mới ghi nhận hơn 4.500 tỷ đồng.
Thanh khoản vẫn tích lũy chậm chạp ở buổi chiều. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy dần xuất hiện giúp chỉ số của sàn HoSE cải thiện hơn. Chốt phiên, VN-Index dừng trên 1.233 điểm, giảm hơn 5 điểm so với ngày 25/7. Sắc đỏ cũng bao trùm lên rổ VN30 và hai sàn HNX, UPCoM.
Toàn sàn có 294 cổ phiếu giảm giá, nhiều hơn so với 131 cổ phiếu tăng. Các mã CTG, HVN, HPG gây ảnh hưởng tiêu cực nhất cho thị trường. Ở chiều ngược lại, VIC và BCM hỗ trợ chỉ số không giảm quá sâu.
Xét theo ngành, nhóm chứng khoán có hiệu suất kém nhất hôm nay. SSI và VIX lần lượt giảm 3% và 3,1%. Các mã có thanh khoản lớn như VCI, HCM, VND cũng rơi về vùng giá dưới tham chiếu.
Bên cạnh đó, bảng điện nhóm ngân hàng cũng xuất hiện nhiều sắc đỏ. CTG và LPB lần lượt giảm 2% và 2,6%. Cổ phiếu STB, TCB, VIB cùng đi lùi trên 1%.
Thị trường ngày 26/7 còn chịu thêm áp lực từ khối ngoại khi họ quay lại bán ròng hơn 490 tỷ đồng. Từ cuối tuần rồi, nhà đầu tư nước ngoài luân phiên gom và xả hàng, thay vì duy trì đà bán ròng liên tục như giai đoạn trước.
Long An tìm chủ đầu tư dự án hơn 11.000 tỷ đồng
Khu dân cư tại xã Mỹ Hạnh Bắc ở huyện Đức Hòa có tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng đang được tỉnh Long An mời đầu tư.
Long An tìm chủ đầu tư dự án Khu dân cư tại xã Mỹ Hạnh Bắc ở huyện Đức Hòa |
Theo thông báo tìm nhà đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An, khu dân cư tại xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa (Long An) có tổng diện tích gần 215 ha. Quy mô dân số Dự án gần 30.700 người.
Dự án sẽ cung cấp gần 2.900 căn do chủ đầu tư xây dựng, gồm nhà liền kề, biệt thự và nhà ở xã hội. Trong đó, gần 1.500 căn nhà liền kề và 46 căn biệt thự cao tối đa 4 tầng sẽ được xây thô, hoàn thiện mặt tiền.
Khu nhà xã hội dự kiến xây dựng trên 5 lô đất với quy mô 16,4 ha, cao 9 tầng. Còn lại gần 5.500 lô đất sẽ chuyển nhượng cho người dân tự xây dựng.
Ngoài công trình nhà ở, Dự án còn phát triển các công trình công cộng như bệnh viện đa khoa, chợ, bãi đỗ xe, khu thương mại dịch vụ, sân thể thao và trường học.
Tổng mức đầu tư Dự án hơn 11.200 tỷ đồng, đã gồm chi phí bồi thường và hỗ trợ tái định cư gần 4.200 tỷ đồng.
Dự án hoạt động 50 năm với tiến độ thực hiện từ quý I/2025 - IV/2030. Thời hạn nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký Dự án trước ngày 6/9.
Thời gian qua, Long An liên tục thu hút sự quan tâm của các "ông lớn" bất động sản. Gần đây, công ty con của Coteccons đã đăng ký thực hiện Dự án Khu dân cư kết hợp thương mại dịch vụ Thanh Phú gần 11.000 tỷ đồng tại huyện Bến Lức. Ngoài ra, các "ông lớn" bất động sản khác như BIM Group, Phú Mỹ Hưng cũng nghiên cứu, đầu tư các dự án nghỉ dưỡng, khu đô thị, năng lượng tái tạo tại tỉnh này.
Những doanh nghiệp liên tục chậm trả nợ trái phiếu
Nhiều doanh nghiệp liên tục công bố chậm trả nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn như Hưng Thịnh Quy Nhơn, Bất động sản Gia Đức…
Nhiều doanh nghiệp liên tục công bố chậm trả nợ trái phiếu. Ảnh minh họa |
Công ty TNHH Bất động sản Gia Đức vừa công bố thông tin bất thường về việc chậm thanh toán lãi trái phiếu GDUCH2131001 với số tiền lãi phải thanh toán là 35,7 tỷ đồng. Ngày thanh toán theo kế hoạch là 30/6/2024, Công ty đã thanh toán 1 tỷ đồng. Số còn lại doanh nghiệp chưa kịp thu xếp nguồn tiền để thanh toán, dự kiến sẽ thanh toán vào ngày 31/7/2024.
Bất động sản Gia Đức là doanh nghiệp thường xuyên rơi vào tình trạng chậm thanh toán nợ trái phiếu đến hạn. Từ đầu năm đến nay, Công ty đã 5 đợt công bố chậm trả nợ trái phiếu đến hạn. Năm 2023, Công ty cũng có 2 đợt chậm trả nợ trái phiếu. Tất cả các khoản lãi chậm trả này đều đến từ mã trái phiếu GDUCH2131001.
Bất động sản Gia Đức vừa ghi nhận 2 năm liên tiếp thua lỗ. Tại ngày 31/12/2023, nợ phải trả của doanh nghiệp là 8.016 tỷ đồng, tăng nhẹ 4%; dư nợ trái phiếu ở mức 1.286 tỷ đồng, giảm 1,3% so với năm 2022.
Tương tự, Công ty CP Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn cũng vừa công bố chậm thanh toán lãi mã trái phiếu HQNCH2124007 với số tiền lãi phải thanh toán là 25,1 tỷ đồng. Ngày thanh toán theo kế hoạch là 5/7/2024, tuy nhiên do thị trường tài chính, thị trường giao dịch bất động sản diễn biến không thuận lợi, khiến doanh nghiệp chưa thu xếp kịp nguồn tiền để thanh toán đúng kế hoạch. Doanh nghiệp cam kết chậm nhất ngày 31/7/2024 sẽ thanh toán toàn bộ số nợ phải thanh toán theo kế hoạch.
Đây là đợt thứ 5 Hưng Thịnh Quy Nhơn công bố chậm thanh toán nợ trái phiếu trong năm nay. Những đợt trước, doanh nghiệp liên tục công bố chậm trả lãi các mã trái phiếu: HQNCH2124005, HQNCH2124002.
Trước đó, năm 2023, doanh nghiệp có 17 đợt công bố chậm thanh toán gốc và lãi các mã trái phiếu: HQNCH2124002, HTQNB2124001, HQNCH2124005.
Công ty CP ADEC cũng là một trong những doanh nghiệp thường xuyên chậm trả nợ trái phiếu. Gần đây nhất, Công ty chậm thanh toán mã trái phiếu ADECH2123001.
Theo đó, ADEC đã thanh toán đủ số tiền lãi là 6,5 tỷ đồng. Số tiền gốc phải thanh toán là 100 tỷ đồng, tuy nhiên đến ngày 5/4/2024, ADEC chỉ thanh toán được 52,7 tỷ đồng, số tiền còn lại là 47,3 tỷ đồng.
Bạc Liêu bổ sung báo cáo gửi Cơ quan điều tra Bộ Công an về các dự án cây xanh
Trong 5 năm qua, tỉnh Bạc Liêu có tổng cộng 66 công trình, dự án trồng, chăm sóc cây xanh, chỉnh trang đô thị từ ngân sách địa phương, tổng giá trị trên 117 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH Cây Xanh Công Minh thực hiện 1 dự án giá trị hơn 12 tỷ đồng.
Cây xanh trên tuyến đường TP. Bạc Liêu. Ảnh minh họa |
Ngày 25/7, thông tin từ UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, Tỉnh vừa báo cáo bổ sung gửi Bộ Công an về các dự án trồng, chăm sóc cây xanh, chỉnh trang đô thị trên địa bàn giai đoạn năm 2019 - 2023. Báo cáo bổ sung này gồm toàn bộ các dự án trồng, chăm sóc cây xanh đã triển khai, thay vì chỉ dự án liên quan Công ty TNHH Cây xanh Công Minh như báo cáo trước đó.
Cụ thể, theo rà soát của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn năm 2019 - 2023, tỉnh Bạc Liêu triển khai 66 công trình, dự án trồng, chăm sóc cây xanh, chỉnh trang đô thị. Tổng giá trị các dự án trên 117 tỷ đồng, từ vốn ngân sách.
Trước đó, UBND tỉnh Bạc Liêu báo cáo Bộ Công an giai đoạn 2019 - 2023, Tỉnh có 1 dự án trồng, chăm sóc cây xanh, chỉnh trang đô thị do Công ty TNHH Cây xanh Công Minh thực hiện.
Cụ thể, năm 2019, Công ty Công Minh trúng gói thầu Dự án trồng cây xanh trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi, với tổng giá trị thực hiện hơn 12 tỷ đồng, từ vốn ngân sách.
Tại cuộc họp báo Bộ Công an tổ chức mới đây, Đại tá Nguyễn Tuấn Hưng - Cục phó Cục An ninh điều tra (A09, Bộ Công an) đã thông tin về diễn tiến điều tra vụ án liên quan Công ty TNHH Cây xanh Công Minh. Theo đó, cơ quan điều tra tiếp nhận thông tin tố giác liên quan đến hoạt động tội phạm của Công ty Công Minh vào ngày 8/1/2024, sau đó đã ra quyết định khởi tố vụ án vào ngày 8/5, để điều tra về dấu hiệu vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa và nhận hối lộ. Tuy nhiên, đến nay, cơ quan điều tra chưa khởi tố bất kỳ bị can nào.
A09 xác định, Công ty Công Minh đã có hành vi thông đồng với các chủ đầu tư để can thiệp vào các giai đoạn đấu thầu của các dự án từ giai đoạn lập dự án, đến xây dựng tổng mức đầu tư. Kết quả là hơn 50 công ty trong hệ sinh thái của Công ty Công Minh đã tham gia đấu thầu và trúng hơn 600 gói thầu với trị giá lên đến hàng nghìn tỷ đồng…
TP.HCM thu giữ nhiều vàng, trang sức trị giá hơn 14 tỷ đồng
7 tháng đầu năm, cơ quan chức năng TP.HCM đã kiểm tra và thu giữ gần 1.600 sản phẩm vàng, trang sức vi phạm, trị giá hơn 14,2 tỷ đồng.
Một cửa hàng vàng ở TP.HCM bị kiểm tra |
Thông tin vừa được Cục Quản lý thị trường TP.HCM công bố. Theo đó, nhà chức trách cho biết đã xử lý gần 200 vụ vi phạm, phần lớn liên quan đến vàng trang sức không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu.
Cụ thể, trong tháng 5 và 6, Đội Quản lý thị trường số 17 đã kiểm tra 11 doanh nghiệp kinh doanh vàng, tạm giữ 23 sợi dây chuyền các loại, 6 sợi lắc, tổng trị giá hơn 394 triệu đồng. Số tiền xử phạt vi phạm là 590 triệu đồng.
Trong tháng 4, các đội quản lý thị trường đã kiểm tra và tạm giữ số lượng hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trị giá 499,6 triệu đồng.
Trước đó, ngày 20/3, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương... tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng. Thời điểm đó, nhiều cửa hàng kinh doanh vàng bất ngờ đóng cửa để tránh kiểm tra.
Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường TP.HCM cũng phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường theo dõi việc bán vàng trên các tài khoản mạng xã hội.