Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sáng 24/5/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số vấn đề còn khác nhau của Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn

Đa số nội dung đã được thống nhất

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, qua quá trình nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý Dự thảo Luật, hầu hết các ý kiến khác nhau đã được trao đổi thống nhất.

Về việc đáp ứng mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật, theo Ủy ban Thương vụ Quốc hội (UBTVQH), Luật Đấu thầu được ban hành lần đầu vào năm 2005 và sửa đổi năm 2013 đã quy định nhiều hình thức lựa chọn nhà thầu, bao gồm: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện và các phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, một giai đoạn hai túi hồ sơ…

Dự thảo Luật này quy định về các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu được xây dựng trên cơ sở kế thừa, hoàn thiện quy định đã áp dụng ổn định, tại các luật được ban hành từ năm 2005, 2013 và phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong những năm qua, việc thực thi Luật Đấu thầu đã có tác động tích cực góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước, nguồn thu hợp pháp của các đơn vị sự nghiệp công lập, vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước; đồng thời tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các nhà cung cấp, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế phát triển lành mạnh.

Mặt khác, hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu tương tự như Việt Nam; hướng dẫn đấu thầu của các nhà tài trợ quốc tế cũng có quy định tương tự về hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu.

"Vì vậy, đề nghị không bãi bỏ các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu đã được áp dụng ổn định trong thời gian qua để tránh các xáo trộn không cần thiết", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Lê Quang Mạnh nói.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Bên cạnh đó, thực tế trong hoạt động đấu thầu đã xảy ra một số vụ việc sai phạm, tiêu cực, dẫn đến thất thoát, thiệt hại nghiêm trọng tài sản nhà nước. Các vụ việc đã được khởi tố hoặc xử lý vi phạm cho thấy, trong tổ chức thực hiện, một số tổ chức, cá nhân đã có các hành vi cố tình “thông thầu”, vi phạm điều cấm của Luật Đấu thầu, gian lận để trục lợi. Do vậy, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã nỗ lực rà soát kỹ lưỡng, thận trọng để quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn, nhất là các nội dung về thẩm quyền, trách nhiệm của các bên, các hành vi bị cấm và biện pháp xử lý… để tăng cường quản lý, bảo đảm tính chặt chẽ trong các quy định của Luật, góp phần hạn chế những hành vi sai phạm, trục lợi, gây thiệt hại đến tài sản công.

Về chỉ định thầu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH), UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý Điều 23 Dự thảo Luật mới theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu.

Về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, UBTVQH tiếp thu ý kiến của ĐBQH, chỉ đạo rà soát, chỉnh lý, luật hóa tối đa quy định tại Quyết định số 17/2019 của Thủ tướng Chính phủ, bổ sung quy định rõ, cụ thể hơn về nguyên tắc áp dụng và các trường hợp đặc biệt tại Điều 29 của Dự thảo Luật; đồng thời, quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, theo hướng chỉ quy định một cấp phê duyệt và chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, để đảm bảo bao quát những trường hợp cấp bách, phát sinh áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, Dự thảo Luật quy định Chính phủ báo cáo UBTVQH quyết định ngoài những trường hợp đã được quy định trong Luật.

Đối với áp dụng cơ chế đặc biệt để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, biên giới lãnh thổ, UBTVQH tiếp thu theo hướng có quy định trong Luật chặt chẽ về vấn đề này, bổ sung quy định tại Khoản 3 Điều 34 nhằm đáp ứng yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án trong trường hợp có yêu cầu đặc biệt để bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đồng thời, để bảo đảm chặt chẽ, Dự thảo Luật quy định, “Chính phủ trình UBTVQH quyết định trường hợp áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt”.

Về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất tiếp thu chỉnh lý giải quyết vướng mắc trong thực tế, đồng bộ pháp luật liên quan. Luật Đất đai (đang trong quá trình sửa đổi) sẽ quy định về trường hợp, điều kiện xác định khu đất được lựa chọn để đấu thầu dự án có sử dụng đất; quy định về giao đất, cho thuê đất; quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư được lựa chọn để thực hiện dự án có sử dụng đất; Luật Đấu thầu quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất thuộc trường hợp phải đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai.

Về mua thuốc, vật tư y tế, Dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý tại nhiều điều, khoản để quy định rõ ràng, cụ thể trong luật nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang được dư luận quan tâm về vấn đề mua thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Trong đó, đã tiếp thu, chỉnh lý các điều khoản liên quan về chỉ định thầu trong mua thuốc, vật tư, thiết bị y tế, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với gói thầu mua sắm vắc xin trong quá trình thử nghiệm; áp dụng tùy chọn mua thêm, mua sắm tập trung; bổ sung quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế và chỉnh lý quy định về ưu đãi trong mua thuốc. Những nội dung này được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, làm việc với các bộ, cơ quan liên quan, các chuyên gia, một số bệnh viện lớn tại Hà Nội và đã được sự đồng thuận của Bộ Y tế, Cơ quan soạn thảo.

Về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, chỉnh lý Dự thảo Luật theo hướng bỏ quy định tại Khoản 4 Điều 6 Dự thảo Luật trình Quốc hội, đồng thời bổ sung quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 6 để làm rõ yêu cầu bảo đảm cạnh tranh giữa chủ đầu tư, bên mời thầu với nhà thầu là các đơn vị sự nghiệp công lập, công ty con trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập có năng lực chuyên sâu tham dự thầu gói thầu do cơ quan quản lý nhà nước làm chủ đầu tư; công ty con tham dự thầu gói thầu do công ty mẹ làm chủ đầu tư để tận dụng lợi thế, sở trường trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, công ty con.

Về các hình thức, phương thức, ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư cũng được chỉnh lý để khả thi, thuận lợi, hiệu quả trong triển khai.

Ảnh: quochoi.vn

Ảnh: quochoi.vn

Bàn thêm về điểm còn ý kiến khác nhau

Theo ông Lê Quang Mạnh, có một nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và dự án sử dụng vốn nhà nước.

Tại Dự thảo Luật trình Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất chỉ áp dụng Luật Đấu thầu đối đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của DNNN thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp, đồng thời bãi bỏ Điểm c Khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu hiện hành để không áp dụng Luật này đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu thuộc các dự án có sử dụng vốn nhà nước, vốn của DNNN từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.

Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí việc bãi bỏ quy định áp dụng Luật Đấu thầu đối với các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, vốn của DNNN quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu năm 2013 vì các lý do sau: Một là, quy định này phù hợp với chủ trương tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN nhằm tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp, chức năng quản trị kinh doanh của DNNN nêu tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Hai là, việc bãi bỏ quy định trên nhằm bảo đảm quyền tự chủ và tự quyết định kinh doanh của doanh nghiệp khi các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần, vốn góp đã được giao cho người đại diện vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của DNNN tại doanh nghiệp quyết định và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Chính phủ đề nghị giữ phương án này vì cho rằng quy định như Dự thảo Luật trình Quốc hội không thu hẹp phạm vi áp dụng của Luật đối với các gói thầu sử dụng vốn nhà nước và vốn của DNNN, đồng thời cũng không tạo ra khoảng trống pháp luật trong quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp khác; việc tiếp tục mở rộng hơn nữa đối tượng doanh nghiệp phải tuân thủ Luật Đấu thầu sẽ dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo trong quản lý phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, làm giảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, nếu quy định như Dự thảo Chính phủ trình sẽ thu hẹp đáng kể đối tượng dự án sử dụng vốn nhà nước phải đấu thầu, tạo khoảng trống pháp luật trong quản lý vốn nhà nước dẫn tới toàn bộ các dự án đầu tư của công ty con của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN khác… sẽ không phải đấu thầu theo quy định của luật này. Do vậy, đề nghị quy định đối tượng áp dụng đối với dự án đầu tư của DNNN và doanh nghiệp có trên 50% vốn thuộc sở hữu của DNNN, nhằm quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào DNNN và nguồn vốn của DNNN đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp khác mà DNNN nắm quyền chi phối.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị tương tự như loại ý kiến thứ 2, nhưng chỉ bổ sung thêm đối tượng là doanh nghiệp có vốn của DNNN 100% vốn điều lệ. Phương án này mở rộng hơn đối tượng so với loại ý kiến thứ nhất và thu hẹp hơn đối tượng so với loại ý kiến thứ 2, song chưa có cơ sở lý luận và thực tiễn để phân định việc loại trừ ra khỏi đối tượng với giữa doanh nghiệp có vốn của DNNN có từ 50% đến 99% vốn điều lệ và doanh nghiệp có vốn của DNNN 100% vốn điều lệ. Một số ý kiến khác đề nghị giữ quy định Điểm c Khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu hiện hành.

Về nội dung này, UBTVQH đề nghị các ĐBQH cho ý kiến cụ thể lựa chọn 2 phương án nêu trên. Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, UBTVQH sẽ chỉ đạo tổng hợp, tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Chuyên đề