Nếu làm PPP theo đúng nghĩa thì nhà đầu tư lời ăn lỗ chịu. Ảnh: Lê Tiên |
Khung pháp lý về PPP đang tiếp tục được hoàn thiện, với tinh thần xuyên suốt là cởi mở, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, đồng thời vẫn quản lý hiệu quả dự án PPP, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.
Quyết toán dự án có cần thiết?
Tại Hội thảo lấy ý kiến về 2 dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 15/2015/NĐ-CP và Nghị định 30/2015/NĐ-CP diễn ra hôm qua (27/6), một số ý kiến cho rằng việc quy định về quyết toán công trình, dự án PPP là không phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo thông lệ quốc tế, việc quản lý hoạt động đầu tư của các dự án PPP được thực hiện trên nguyên tắc quản lý đầu ra trên cơ sở kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Giá trị công trình dự án hoàn thành sẽ được xác định theo quy định tại hợp đồng PPP. Giá trị ghi trong hợp đồng PPP căn cứ theo kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và kết quả đàm phán giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền (CQNNCTQ) và nhà đầu tư. Nếu làm PPP theo đúng nghĩa thì nhà đầu tư lời ăn lỗ chịu, như vậy mới tạo ra cơ chế cho nhà đầu tư áp dụng các biện pháp công nghệ hoặc giải pháp riêng để thực hiện công trình.
Đặt vấn đề “tại sao cần quyết toán”, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, tư vấn độc lập về tài chính công cho rằng, chỉ vì các dự án thực hiện trước đây phần lớn không đấu thầu rộng rãi, chủ yếu theo hình thức chỉ định thầu, vì thế khi ký kết hợp đồng, tổng mức đầu tư mới là tạm tính, không có giá cụ thể của công trình, về sau quyết toán mới xác định giá trị cuối cùng. Tuy nhiên, cách làm này không phải là thông lệ tốt trên thế giới.
Việc sửa đổi Nghị định PPP cần theo quan điểm nhà nước và nhà đầu tư cùng hợp tác làm ăn, coi doanh nghiệp là đối tác, các quy định sửa đổi cần học tập các kinh nghiệm tốt trên thế giới. Quan trọng nhất với dự án PPP là chuẩn bị dự án tốt, đấu thầu cạnh tranh minh bạch thực sự, giá công trình thế nào được ấn định sau đấu thầu. Nhiệm vụ của CQNNCTQ là giám sát việc tuân thủ các nghĩa vụ của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án theo quy định tại hợp đồng dự án.
Bà Hà lấy ví dụ với dự án BOT xây dựng đường, thời gian vận hành rất dài, nếu nhà đầu tư không đảm bảo chất lượng xây dựng, đường hư hỏng nhà đầu tư phải sửa. Nhiệm vụ của cơ quan nhà nước là giám sát chất lượng dịch vụ, công trình trong quá trình vận hành. Hợp đồng PPP là dài hạn, nhà đầu tư phải có trách nhiệm đối với việc vận hành công trình trong thời gian dài, chứ không phải xây dựng xong vài ba năm là hết trách nhiệm.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng cần phải quyết toán, thanh tra, kiểm toán công trình PPP để tránh thất thoát, nâng tổng mức đầu tư để thu lợi. Đáp lại ý kiến này, đại diện Cienco 4 cho rằng, các cơ quan thanh tra, kiểm toán cũng cần thanh tra chính cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổng mức đầu tư là họ duyệt, đưa ra giá cao cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm, thậm chí phải bị xử tù.
Nhiều quy định theo hướng mở
Về thời gian trong lựa chọn nhà đầu tư, Dự thảo sửa đổi theo hướng chỉ quy định thời gian tối thiểu để nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ (hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu), đối với các khoảng thời gian khác (thời gian lập, thẩm định, phê duyệt các nội dung liên quan đến nhà đầu tư...), CQNNCTQ tự quyết định và phê duyệt khi lập kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo tiến độ triển khai dự án.
Về vấn đề thời gian trong lựa chọn nhà đầu tư, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu – Bộ KH&ĐT cho biết, quy định của pháp luật hiện hành là ngắn so với nhiều nước trên thế giới, phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhưng trong thời gian qua, có một số địa phương cộng cơ học các mốc thời gian tối thiểu và tối đa trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư lại và cho rằng thời gian này là quá dài, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Thực tế, cách cộng đó là không đúng và nhiều đơn vị do không muốn đấu thầu nên viện cớ thời gian dài.
Đại diện Bộ GTVT cũng chia sẻ có những đơn vị chưa làm, chưa bắt tay vào đấu thầu đã kêu dài.
Liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT), Dự thảo Nghị định sửa đổi dự kiến vẫn giữ thủ tục cấp GCNĐKĐT cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng đơn giản nội dung thẩm tra, chỉ cấp để làm cơ sở quản lý dữ liệu các dự án đầu tư theo hình thức PPP. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại hội thảo đề xuất nên bỏ thủ tục này. Ông Nguyễn Đăng Trương cho biết, ban soạn thảo sẽ cân nhắc theo hướng bỏ việc cấp GCNĐKĐT, vì đã có hợp đồng dự án PPP được ký giữa CQNNCTQ và nhà đầu tư có hiệu lực pháp lý cao hơn GCNĐKĐT.
Quy định về sơ tuyển nhà đầu tư cũng theo hướng mở, trong trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định sơ tuyển đồng thời với quá trình lập, thẩm định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.