Đợt bán tháo trong phiên thứ Năm của chứng khoán thế giới lại bắt nguồn từ Trung Quốc (Ảnh: AFP) |
Trong phiên giao dịch thứ Năm, chứng khoán Trung Quốc lại bị bán tháo ồ ạt ngay đầu phiên và buộc phải đóng cửa khi chưa kết thúc phiên sáng với mức giảm hơn 7%.
Sự hoảng loạn từ chứng khoán Trung Quốc, cũng như việc đồng nhân tệ bị giảm giá xuống mức thấp nhất 5 tháng và có khả năng đồng nội tệ của Trung Quốc sẽ tiếp tục bị phá giá nữa làm dấy lên lo ngại về nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, kích hoạt nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ tháo chạy trong phiên thứ Năm.
Sự hoảng loạn của nhà đầu tư hiện nay được tỷ phú George Soros cho là thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và nhà đầu tư cần phải thận trọng.
Yếu tố trên đã đẩy phố Wall có phiên giảm mạnh nhất từ đầu năm 2016, trong khi chỉ số VIX, đo lường sự sợ hãi của nhà đầu tư tăng mạnh 21,4%, lên 24,99 - mức cao nhất kể từ 29/9/2015.
Trong khi đó, với phiên giảm mạnh hôm thứ Năm, chỉ số Dow Jones đã giảm 5,2% trong 4 ngày đầu năm mới, mức giảm kỷ lục kể từ khi chỉ số này ra đời vào năm 1928, trong khi chỉ số S&P 500 cũng mất 4,9%, mức mất mát trong 4 ngày đầu năm mới lớn nhất lịch sử.
Kết thúc phiên 7/1, chỉ số Dow Jones giảm 392,41 điểm (-2,32%), xuống 16.514,1 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 47,17 điểm (-2,37%), xuống 1.943,09 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 146,34 điểm (-3,03%), xuống 4.689,43 điểm.
Cũng giống như phố Wall, việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ xuống mức 6,5646 nhân dân tệ đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ 3/2011 và chứng khoán Trung Quốc sập sàn lần thứ 2 trong năm 2016, kích hoạt lệnh bán tháo trên thị trường chứng khoán châu Âu và khiến chứng khoán khu vực này cũng có phiên chao đảo.
Kết thúc phiên 7/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 119,3 điểm (-1,96%), xuống 5.954,08 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 234,17 điểm (-2,29%), xuống 9.979,85 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 76,89 điểm (-1,72%), xuống 4.403,58 điểm.
Trước đó, trong phiên giao dịch châu Á, tưởng chừng phiên hồi phục hôm thứ Tư sẽ giúp nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục bình tâm trở lại, nhưng điều đó đã không xảy ra. Ngay khi mở cửa phiên 7/1, lệnh bán tháo đã ồ ạt được tung ra, đẩy chỉ số chứng khoán sàn Thượng Hải giảm hơn 7% và buộc nhà quản lý phải dùng biện pháp ngắt mạch thị trường lần thứ 2 trong tuần khi phiên giao dịch sáng chưa kết thúc.
Diễn biến của chứng khoán Trung Quốc đã lây lan sang các thị trường khác, khiến chứng khoán Hồng Kông cũng giảm hơn 3%, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm hơn 2,3% và xuống mức thấp nhất 3 tháng.
Kết thúc phiên 7/1, chỉ số Nikke 225 tại Nhật Bản giảm 423,98 điểm (-2,33%), xuống 17.767,34 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 647,47 điểm (-3,09%), xuống 20.333,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 236,84 điểm (-7,04%), xuống 3.125,00 điểm.
Trong khi đó, sự hoảng loạn của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán lại là thông tin hỗ trợ cho giá vàng. Dòng tiền rời bỏ chứng khoán lũ lượt chảy sang thị trường vàng, đẩy giá kim loại quý này lên mức cao nhất hơn 2 tháng, vượt qua ngưỡng 1.100 USD/ounce.
Với sự hoảng loạn và những biến động khó lường như hiện nay, nhiều khả năng đà tăng của giá vàng chưa thể dừng lại và các đỉnh đang chờ đợi kim loại quý này chinh phục.
Kết thúc phiên 7/1, giá vàng giao ngay tăng 15,4 USD (+1,41%), lên 1.109,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2016 tăng 15,9 USD (+1,46%), lên 1.107,8 USD/ounce.
Sức khỏe nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và cũng là thị trường tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc suy yếu khiến giá dầu thô tiếp tục giảm giá với giá dầu thô Brent giảm xuống mức thấp nhất 12 năm, bất chấp đồng USD giảm xuống mức thấp nhất 1 tuần.
Kết thúc phiên 7/1, giá dầu thô Mỹ giảm 0,7 USD/thùng (-2,1%), xuống 33,27 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,48 USD (-1,42%), xuống 33,75 USD/thùng.