Năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam ước đạt gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm 2020, trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 19%. Ảnh: Lê Tiên |
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương đánh giá 2021 là một năm đầy biến động đối với mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế. Hoạt động sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19. Nhiều nhà máy phải tạm đóng cửa, sản xuất bị đình trệ trong thời gian dài. Tuy nhiên, với sự sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, sự nỗ lực chủ động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp (DN) cùng các tổ chức xúc tiến thương mại, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng cao, là điểm sáng của nền kinh tế.
Một trong những ngành hàng có đóng góp lớn, tô điểm đậm nét cho bức tranh XK năm qua là ngành công nghiệp với những nỗ lực vượt bậc. Ngay sau khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý IV/2021 đã khởi sắc. Tính chung cả năm 2021, tỷ trọng hàng chế biến chế tạo trong tổng giá trị XK vẫn duy trì mức đóng góp trên 85%, chủ yếu là các mặt hàng công nghệ cao có mức tăng trưởng tốt như: điện thoại và linh kiện, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị… Nhiều ngành hàng XK tưởng chừng “gần như tuyệt vọng” lại thắng lớn như: dệt may, da giầy...
Tiếp đó là điểm sáng trong XK của ngành nông nghiệp. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt cao kỷ lục, với 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020. Một số mặt hàng có kim ngạch cao ấn tượng như: gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo; cao su…
Đạt được kết quả XK tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, trước hết, theo ông Nguyễn Hồng Diên, là do chúng ta đã khai thác tốt các thị trường nước ngoài thông qua việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Tính đến tháng 11/2021, Việt Nam đã ký kết 15 FTA với các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu. Theo đó, cùng với việc giữ được các thị trường XK truyền thống, DN Việt Nam đã tận dụng khá tốt cơ hội từ các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA…
Nhìn lại hơn 1 năm đầu tiên thực thi EVFTA, Bộ Công Thương nhấn mạnh, Hiệp định không chỉ là đòn bẩy thúc đẩy thương mại hai chiều mà còn là lợi thế ưu việt cho cộng đồng DN hai bên trong bối cảnh kinh tế, giao thương toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra. Trong năm đầu thực thi Hiệp định, trao đổi thương mại hai chiều đạt 54,6 tỷ USD, tăng trưởng 11,9%, trong đó Việt Nam XK sang EU đạt 38,5 tỷ USD, tăng 11,3% còn EU xuất khẩu sang Việt Nam đạt 16,2 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm trước. Kim ngạch XK của Việt Nam sử dụng C/O mẫu EUR.1 đạt khoảng 7,71 tỷ USD, cho thấy nhiều DN Việt Nam đã chú ý tận dụng cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của EU theo EVFTA.
Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã được thực thi kể từ đầu năm 2021, giúp cho quan hệ thương mại song phương không bị đứt gãy trong bối cảnh Anh rời khỏi EU. Trải qua gần 1 năm thực thi UKVFTA, XK hàng hóa của Việt Nam sang Anh tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu của Bộ Công Thương cũng ghi nhận, trong năm 2021, XK của Việt Nam sang các thị trường CPTPP chưa có FTA trước đây tăng trưởng cao, đáng kể như: XK sang Canada tăng 18,2%, Mexico 44,6%, Peru 79,2%...
Cùng với việc tận dụng các FTA, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương chia sẻ, Bộ đã có sự đổi mới mạnh mẽ về phương thức xúc tiến thương mại góp phần nâng cao hiệu quả XK hàng hóa. Khi di chuyển quốc tế bị gián đoạn bởi các biện pháp giãn cách xã hội, phương thức xúc tiến thương mại mới dựa trên nền tảng số đã được nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng. Điển hình là kết nối khách hàng trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến và tham gia các triển lãm trên môi trường số... Điều này giúp DN XK Việt Nam tiết kiệm chi phí, tăng tốc độ, rút ngắn khoảng cách và thời gian, đồng thời tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng.
Bên cạnh đó, phải khẳng định rằng, đến nay, chất lượng hàng hóa của Việt Nam cũng ngày càng được nâng lên. Nhiều mặt hàng như gạo, cà phê… đang có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, trong đó có nhiều thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản… với những tiêu chuẩn, quy chuẩn khắt khe. Ở trong nước, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, thủ tục hành chính thuận lợi hơn… Và những yếu tố này đang tạo thêm trợ lực lớn cho hàng hóa của Việt Nam tăng sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Dù vậy, bên cạnh những thành quả đạt được, nhiều chuyên gia thương mại cho rằng, XK Việt Nam vẫn còn một số tồn tại như: Giá trị XK các mặt hàng chủ lực hầu như vẫn phụ thuộc vào DN FDI; khả năng cung ứng từ DN tư nhân trong nước vẫn còn khiêm tốn; việc quản lý rủi ro và phòng ngừa rủi ro dù biết nhưng chưa thực sự được DN coi trọng...
Bước sang năm mới, hy vọng những rào cản này được tháo gỡ, hàng hóa XK của Việt Nam sẽ thiết lập các kỷ lục mới với chất lượng cao hơn, bền vững hơn.