Luật chồng chéo, cần tiếng nói chung

(BĐT) - Hiện nay, hệ thống chính sách của một số ngành, lĩnh vực còn có quy định chồng chéo, chưa thống nhất với pháp luật về đấu thầu, gây khó khăn trong quá trình thực thi. Vì thế, cần có tiếng nói chung giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong việc ban hành các quy định hài hòa, thống nhất với các quy định của pháp luật về đấu thầu.
Bộ Xây dựng hướng dẫn thủ tục giao thầu với các công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp, có tính cấp bách, nhưng quy trình thực hiện chưa quy định rõ. Ảnh: Tường Lâm
Bộ Xây dựng hướng dẫn thủ tục giao thầu với các công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp, có tính cấp bách, nhưng quy trình thực hiện chưa quy định rõ. Ảnh: Tường Lâm

Quy định cách chọn nhà thầu không có trong Luật Đấu thầu

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ vẫn còn quy định về việc giao thầu, trong khi Luật Đấu thầu đã quy định chỉ có 8 hình thức lựa chọn nhà thầu, trong đó không có hình thức lựa chọn nhà thầu này. Qua tìm hiểu thực tế, phóng viên Báo Đấu thầu đã thấy rất nhiều gói thầu “giao thầu”, nhưng sau đó lại vận dụng quy trình chỉ định thầu theo pháp luật về đấu thầu để hoàn thiện thủ tục. Gần đây là hàng loạt gói thầu thuộc các dự án xử lý cấp bách công trình đê điều bị sự cố do ảnh hưởng của bão, lũ năm 2017.

Nghị định 59 cho phép “giao thầu” đối với các công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp, có tính cấp bách. Tuy nhiên, quy trình thực hiện chưa quy định rõ. Khi hướng dẫn Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội về thủ tục giao thầu theo cơ chế đặc thù khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng cũng cho biết cách làm: “Trong quá trình lựa chọn trực tiếp nhà thầu, chủ đầu tư có thể vận dụng một số quy định của pháp luật về đấu thầu về chỉ định thầu để áp dụng”.

Trong khi đó, pháp luật về đấu thầu đã có quy định về hình thức lựa chọn nhà thầu trong những trường hợp khẩn cấp, cấp bách. Hình thức chỉ định thầu được áp dụng khi gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề… Điều 26 Luật Đấu thầu quy định về việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

Ngoài ra, còn có một số quy định khác biệt như: Luật Quy hoạch đô thị và Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010 quy định việc lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch đô thị thông qua hình thức chỉ định thầu hoặc Quyết định số 73/2010/QĐ-TTg ngày 16/11/2010 có quy định về một số công trình, hạng mục công trình lâm sinh được áp dụng hình thức chỉ định thầu là chưa phù hợp với trường hợp được chỉ định thầu quy định tại Luật Đấu thầu và Nghị định 63/2014/NĐ-CP. 

Chồng chéo dẫn đến lúng túng trong thực hiện

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, sự chồng chéo của pháp luật có thể nói là rào cản lớn nhất trong việc cải thiện các thủ tục của công tác đầu tư xây dựng. Liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng, đang có cả chục luật tác động, như: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường… Một số trường hợp cùng một vấn đề nhưng giữa luật này và luật kia còn có sự khác biệt, nên khó khăn trong việc vận dụng xử lý.

Đối với hoạt động đấu thầu, những vướng mắc giữa pháp luật về đấu thầu và pháp luật về xây dựng cũng dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác thực hiện. Đơn cử, về hợp đồng, các gói thầu xây lắp và tư vấn khi lập hồ sơ mời thầu đều theo mẫu quy định tại các thông tư của Bộ KH&ĐT. Trong khi đó, khi ký hợp đồng, nhà thầu phải tuân thủ theo mẫu hợp đồng quy định tại thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Sự chưa thống nhất về mẫu hợp đồng này đang gây khó khăn cho cả bên mời thầu và nhà thầu khi áp dụng.

Đối với lựa chọn nhà đầu tư, theo phản ánh từ một số địa phương, một số nội dung quy định tại Nghị định số 30/2015/NĐ-CP chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, nên trong quá trình triển khai thực hiện còn những khó khăn, bất cập, cần có biện pháp tháo gỡ. Đối với dự án đầu tư có sử dụng đất, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn chưa phân định rõ trường hợp giao đất, cho thuê đất theo một trong ba hình thức: đấu thầu, quyết định chủ trương đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất. Từ đó dẫn đến lúng túng, e ngại trong việc thực hiện.

Bộ KH&ĐT cho biết, tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 30/2015/NĐ-CP, Bộ KH&ĐT đã đề xuất quy định phân định rõ trường hợp giao đất, cho thuê đất theo một trong các hình thức trên. Đồng thời, hoàn thiện quy trình thủ tục lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở thống nhất với quy trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án PPP tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP. Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 30/2015/NĐ-CP để khắc phục những hạn chế, bất cập và khoảng trống pháp lý hiện nay.

Chuyên đề