Petrovietnam vượt khó với triết lý quản trị hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với các giải pháp quản trị điều hành hiệu quả, linh hoạt, đặc biệt là quản trị biến động, phát huy hiệu quả chuỗi giá trị toàn ngành dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) không những trụ vững trong gian khó mà còn vươn lên đầy ngoạn mục. Phóng viên Báo Đấu thầu đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Petrovietnam.
Ông Lê Mạnh Hùng

Ông Lê Mạnh Hùng

Ông có thể chia sẻ vì sao quản trị biến động là trọng tâm trong phương châm hành động của Petrovietnam 3 năm qua?

Petrovietnam là một bộ máy rất lớn, vận hành liên tục, đồng bộ, chịu tác động mạnh mẽ bởi cả môi trường bên ngoài (môi trường kinh doanh, pháp lý, khoa học công nghệ, môi trường tự nhiên) lẫn các yếu tố bên trong (thay đổi cấu trúc tổ chức, mô hình hoạt động, nguồn nhân lực). Các tác động này có thể giúp bộ máy hoạt động mạnh mẽ hơn nếu quản trị tốt, cũng có thể khiến bộ máy suy yếu nếu không hạn chế được tiêu cực.

Thực tế đó chính là những yếu tố biện chứng để ban lãnh đạo Petrovietnam xây dựng triết lý quản trị hiệu quả trong thời kỳ biến động. Ban lãnh đạo Petrovietnam đã ban hành Quyết định số 110 về “Bộ giải pháp ứng phó” cho 5 nhóm quản trị, thị trường, tài chính, đầu tư và cơ chế chính sách vào đầu năm 2020. Trước mỗi kỳ điều hành, lãnh đạo các đơn vị đều phải chủ động thực hiện các dự báo, xây dựng kịch bản và điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp thực tế. Petrovietnam phân cấp đồng bộ, giao quyền cho người hiểu rõ nhất về công việc ra quyết định và chịu trách nhiệm, để có những quyết định nhanh chóng, chính xác và ứng biến kịp thời.

7 tháng năm 2022, sản lượng khai thác dầu thô, cung ứng khí - điện cùng các sản phẩm năng lượng khác của Petrovietnam đều vượt kế hoạch, các chỉ tiêu tài chính rất khả quan. Quản trị biến động đã đóng góp như thế nào vào kết quả đó, thưa ông?

Năm 2022 dự báo sẽ đánh dấu thêm một cột mốc mới của Petrovietnam cả về doanh thu lẫn lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước. Có thể khẳng định, kết quả có được chính là dựa trên nền tảng quản trị và thành quả mà Petrovietnam đã gặt hái từ những năm 2020, 2021. Trong đó, quản trị biến động đóng vai trò quyết định. Đơn cử, đầu năm 2022, Petrovietnam đã kịp thời dự báo được các hệ lụy từ cuộc chiến Nga - Ukraine, các xung đột tác động đến kinh tế vĩ mô sẽ khiến giá dầu thô tăng mạnh. Thị trường biến động sẽ dẫn đến khan hiếm nguồn cung xăng dầu trong nước, đứt gãy các chuỗi cung ứng. Nhờ quản trị biến động, Petrovietnam có thể tận dụng cơ hội đẩy mạnh sản lượng lọc dầu, tận dụng được thời kỳ biên lợi nhuận của ngành lọc dầu rất cao.

Ông có thể chia sẻ thêm về định hướng, mục tiêu của Petrovietnam trong năm 2022? Phương châm hành động của Petrovietnam trong năm 2023 là gì?

Petrovietnam đã đạt được những thành quả rất tích cực trong 7 tháng năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm là phải giữ vững được thành quả đó, dù dự báo trong những tháng cuối năm 2022 sẽ có nhiều bất lợi như giá dầu giảm, nhu cầu thị trường thấp, suy thoái kinh tế toàn cầu...; tiếp tục quản trị tốt hệ thống sản xuất, tài chính, không chủ quan; triển khai mạnh mẽ các dự án đầu tư lớn, trọng điểm, đầu tư nội bộ để tận dụng cơ hội đầu tư; xử lý rốt ráo, quyết liệt các dự án trọng điểm; xử lý triệt để các dự án khó khăn, tìm phương án thoát lỗ cho các công ty đang gặp khó.

Năm 2023, phương châm hành động của Petrovietnam là tiếp tục củng cố và đổi mới công tác quản trị mà quản trị biến động là trọng tâm; tiếp tục quản trị dựa trên nền tảng số đã hình thành trong những năm qua; thúc đẩy kết nối nguồn lực để đầu tư mạnh mẽ các dự án lớn; mở rộng hợp tác đầu tư phát triển và kinh doanh quốc tế dựa trên lợi thế về quan hệ của Việt Nam với các nước và thị trường, tập trung tại Đông Nam Á, Nga, Trung Đông, Bắc Mỹ...

Tôi cho rằng, trong năm 2023, Petrovietnam cần phải nỗ lực quản trị theo hướng “tương lai sẽ là lực kéo, hiện tại và quá khứ chính là lực đẩy” để tiếp tục phát triển bền vững và vươn ra biển lớn.

Chuyên đề