Năm 2016, Hanoimilk mới chỉ thực hiện 64,6% kế hoạch doanh thu và 51,4% kế hoạch lợi nhuận. Ảnh: Ngân An |
Thương hiệu tương đối nổi tiếng, Hanoimilk lại là 1 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh èo uột, không thể so sánh với người đồng nghiệp Vinamilk, hiện đang là miếng mồi ngon của các tổ chức nước ngoài.
Thực hiện hơn 50% kế hoạch lợi nhuận
ĐHĐCĐ thường niên 2016 của Hanoimilk đã giao các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh 2016 nhìn chung cao hơn mức thực hiện năm 2015. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Công ty năm 2016 hầu như không khởi sắc, thậm chí sụt giảm.
Trong quý IV/2016, doanh thu bán hàng của Hanoimilk chỉ đạt 56,3 tỷ đồng, giảm 37,3% so với cùng kỳ 2015. Kết quả lợi nhuận sau thuế của Công ty vỏn vẹn 277 triệu đồng, giảm gần 10 triệu đồng so với cùng kỳ 2015. Lũy kế cả năm, lợi nhuận của Hanoimilk đạt 1,7 tỷ đồng, giảm hơn 200 triệu đồng so với năm 2015.
Với 1 doanh nghiệp quy mô vốn điều lệ 200 tỷ đồng, doanh thu và lợi nhuận của Hanoimilk là quá khiêm tốn. Thu nhập bình quân trên mỗi cổ phần (EPS) của Công ty chỉ đạt con số 86 đồng. Điều này phần nào giải thích cho mức giá èo uột (xung quanh mức 5.700 đồng/CP) của HNM trên sàn chứng khoán.
Năm 2016, Công ty mới chỉ thực hiện 64,6% kế hoạch doanh thu và 51,4% kế hoạch lợi nhuận.
Hanoimilk tham vọng trở thành 1 trong 3 công ty hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sữa và các sản phẩm từ sữa, và là công ty số 1 về các sản phẩm sữa dành cho trẻ em. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Công ty năm 2016 và những năm trở lại đây vẫn chưa có sự bứt phá rõ rệt. Lợi nhuận từ năm 2010 đến nay của Công ty thường chưa đến 2 tỷ đồng mỗi năm (riêng năm 2013 đạt 3 tỷ đồng). Doanh thu chưa đến 300 tỷ đồng mỗi năm. 3 năm trở lại đây, Công ty nói không với cổ tức, trừ khoản cổ tức năm 2013 với tỷ lệ 2% bằng tiền mặt, đến tháng 6/2015 mới có thể thanh toán.
Cạnh tranh khốc liệt
Về mức chi phí bán hàng cao, giải trình với cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2015, ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cho biết, Công ty đang gặp sự cạnh tranh khốc liệt nên khó có thể giảm nhiều. Hanoimilk đã miễn nhiệm Phó Tổng giám đốc kiêm phụ trách bán hàng Phan Mạnh Hòa do quản lý chưa tốt, người đứng đầu Hanoimilk thừa nhận.
Phụ trách bán hàng của Hanoimilk là một vị trí đầy thách thức. Ông Đặng Trung Hưng giữ ghế này từ 24/11/2016, tuy nhiên đã bị miễn nhiệm sau đó 2 tháng, vào ngày 1/2/2017. Thông báo miễn nhiệm của Hanoimilk cho biết, ngoài đơn từ nhiệm của cá nhân ông Hưng, Chủ tịch HĐQT và HĐQT Công ty xem xét kết quả công việc sau 2 tháng và nhất trí bãi nhiệm.
Sẽ là khập khiễng nếu so sánh Hanoimilk với Vinamilk. Tuy nhiên, có thể nhìn chi phí quảng cáo (một thành phần trong chi phí bán hàng) của Vinamilk để thấy mức độ khốc liệt trong cạnh tranh của thị trường sữa. Riêng năm 2016, Vinamilk chi 2.074 tỷ đồng cho việc quảng cáo, nghiên cứu thị trường. Tính bình quân mỗi ngày “vua sữa” bỏ ra 5,6 tỷ đồng để tiếp cận với khách hàng qua nhiều kênh khác nhau. Con số này gần gấp 3 lợi nhuận mỗi năm của Hanoimilk!
Hanoimilk đang theo đuổi thị trường ngách là các sản phẩm dành cho trẻ em. Tuy nhiên, đó cũng là miếng bánh ngon mà Vinamilk hay TH True Milk đang nhắm tới, đặc biệt khi vấn đề dinh dưỡng học đường, cải thiện chiều cao cho người Việt… được quan tâm đặc biệt.
Để vươn tới đỉnh cao và ghi dấu ấn đối với người tiêu dùng, Hanoimilk cần nhiều hơn là những lời hứa từ Ban lãnh đạo.