Nỗ lực tiếp cận nhiều nguồn vắc xin COVID-19 để tăng miễn dịch cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Khả năng trong năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 110 triệu liều vắc xin COVID-19 từ nhiều nguồn khác nhau. Trong khi đó, theo kế hoạch được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021, nhu cầu của năm 2021 là 150 triệu liều cho người từ 18 tuổi thuộc các đối tượng ưu tiên (chưa kể nhu cầu vắc xin của các đối tượng khác và các đối tượng dưới 18 tuổi).
Việt Nam sẽ có khoảng 110 triệu liều vắc xin COVID-19 từ nhiều nguồn khác nhau
Việt Nam sẽ có khoảng 110 triệu liều vắc xin COVID-19 từ nhiều nguồn khác nhau

Trong số các nguồn vắc xin mà Việt Nam tiếp cận được cho đến thời điểm này, có 38,9 triệu liều vắc xin được Chương trình COVAX Facility cam kết tài trợ miễn phí. Hiện Bộ Y tế tiếp tục đăng ký mua thêm khoảng 10 triệu liều vắc xin của Chương trình này.

Công ty CP Vắc xin Việt Nam (VNDC) đã ký hợp đồng mua 30 triệu liều vắc xin của AstraZeneca và đồng ý chuyển giao toàn bộ hoặc một phần số lượng theo nguyên tắc phi lợi nhuận cho Chính phủ (Bộ Y tế) nêu có nhu cầu.

Gần đây nhất, Bộ Y tế và Pfizer đang đàm phán và bước đầu Pfizer đã đồng ý cung cấp cho Việt Nam khoảng 31 triệu liều vắc xin trong năm 2021 nếu đáp ứng điều kiện của nhà cung cấp này. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhận được viện trợ của một số nước với số lượng khoảng 2 triệu liều.

Trong khi đó, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Theo số liệu của Bộ Y tế Việt Nam, tính đến ngày 11/5/2021, tổng số người mắc là hơn 159 triệu người, hơn 3,29 triệu người tử vong và con số vẫn tiếp tục tăng nhanh chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong nước, dịch cơ bản vẫn được kiểm soát, tuy nhiên, trong những ngày qua, xuất hiện nhiều ca mắc tại cộng đồng và cơ sở cách ly, có nguy cơ bùng phát cao. Dự báo, dịch còn tiếp tục kéo dài, chưa thể xác định được thời điểm kết thúc đại dịch. Mặc dù, đã có nhiều nghiên cứu về phương pháp chẩn đoán, điều trị COVID-19, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có phương pháp đặc hiệu. Cho nên, vắc xin vẫn được xem là một giải pháp hữu hiệu nhất, “tấm lá chắn” để thực hiện mục tiêu kép, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Do nhu cầu về vắc xin trên toàn cầu và trong khu vực Đông Nam Á đang ngày càng tăng cao, năng lực sản xuất thiếu hụt so với nhu cầu đặt mua của các nước nên việc tiếp cận các nguồn vắc xin gặp rất nhiều khó khăn, chưa kể các điều khoản ràng buộc ngặt nghèo mà nhà cung cấp đưa ra.

Theo thông tin của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), tính đến ngày 11/5/2021, thế giới có 14 loại vắc xin đã được cấp phép hoặc phê duyệt sử dụng khẩn cấp/có điều kiện; 12,1 tỷ liều vắc xin đã được đặt mua; hơn 1,28 tỷ liều vắc xin đã được tiêm tại hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, có 6 vắc xin trogn danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO, gồm: AZD1222 của SK Bioscience – AstraZeneca/University of Oxford; BNT162b2/Comirnaty/Tozinameran của Pfizer/BioNTech, Covishield của Serum Institute of India (AZ nhượng quyền); Ad26.COV2.S của Janssen SARS-CoV-2 Vaccine (Vero Cell), Inactivated (InCoV) của Sinopharm (CNBG) Beijing. Có 3 vắc xin đang chờ WHO cấp phép là SARS-CoV-2 Vaccine (Vero Cell), Inactivated của Sinovac, Sputnik V của Gamalaya Research Institute, mRNA-1273 của Moderna.

UNICEF cho biết, tính đến nay, Chương trình COVAX Facility đã vận chuyển vắc xin tới hơn 100 nền kinh tế kể từ lô đầu tiên được vận chuyển tới Ghana vào ngày 24/2/2020. Hơn 38 triệu liều vắc-xin từ ba nhà sản xuất AstraZeneca, Pfizer-BioNTech và Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) đã được vận chuyển tới nhiều quốc gia, bao gồm 61 nền kinh tế được nhận vắc xin miễn phí thông qua Cơ chế Tiếp cận toàn cầu (COVAX Advance Market Commitment) của Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (Gavi).

Trong tháng 3 và tháng 4/2021, theo UNICEF, nguồn cung vắc xin bị suy giảm, do các nhà sản xuất vắc xin điều chỉnh quy mô và tối ưu hóa quy trình sản xuất trong giai đoạn triển khai ban đầu, cũng như nhu cầu vắc-xin COVID-19 gia tăng ở Ấn Độ. Mặc dù vậy, UNICEF cho biết sẽ vận chuyển được vắc xin tới tất cả các nền kinh tế tham gia đã yêu cầu vắc xin trong nửa đầu năm nay.

Theo dự báo mới nhất về nguồn cung vắc-xin, COVAX Facility kỳ vọng sẽ giao ít nhất 2 tỷ liều vắc-xin trong năm 2021. Để đạt được mục tiêu này, COVAX Facility sẽ tiếp tục đa dạng hóa danh mục mua sắm vắc xin và công bố thỏa thuận mới với các nhà sản xuất vắc xin ở thời điểm thích hợp.

Ngoài ra, trong tháng 3/2021, chính phủ Hoa Kỳ đã có thông báo về việc về việc sẽ tổ chức sự kiện công bố cơ hội đầu tư vào COVAX AMC của Gavi năm 2021 để thúc đẩy hơn nữa cam kết và hỗ trợ cho việc đẩy mạnh tiếp cận vắc xin cho các nền kinh tế được COVAX AMC hỗ trợ. Năm 2021, COVAX AMC sẽ cần huy động thêm 2 tỷ USD để mua sắm tổng cộng 1,8 tỷ liều vắc xin để phân phối miễn phí. COVAX cũng đang nỗ lực tìm thêm nguồn vắc xin dưới hình thức chia sẻ vắc xin từ các quốc gia có thu nhập cao hơn.

“Mặc dù COVAX Facility có thể đang đi đúng tiến độ để kịp vận chuyển vắc xin tới tất cả các nền kinh tế tham gia trong nửa đầu năm nay, song chúng ta vẫn phải đối mặt với thách thức lớn trong việc dập dịch. Chúng ta sẽ chỉ an toàn khi tất cả mọi người đều an toàn. Và để có thể đẩy mạnh quy mô và tiến độ sản xuất vắc-xin, chúng ta cần tiếp tục có được sự ủng hộ từ các chính phủ và nhà sản xuất vắc xin. Đây không phải là lúc tự mãn, bởi bài toán triển khai vắc xin với số lượng lớn nhất và tốc độ nhanh nhất trong lịch sử vẫn đang còn ở phía trước”, TS. Seth Berkley, Giám đốc điều hành GAVI chia sẻ.

Trước sự xuất hiện của các biến chủng trên khắp thế giới, bà Henrietta Fore - Giám đốc điều hành UNICEF kêu gọi, các nước cần đẩy nhanh tốc độ triển khai vắc xin trên toàn cầu. Để làm được điều này, các chính phủ cùng những đối tác khác cần có những động thái cần thiết để tăng nguồn cung, bao gồm việc đơn giản hóa các rào cản về quyền sở hữu trí tuệ, loại bỏ các biện pháp trực tiếp và gián tiếp hạn chế xuất khẩu vắc xin COVID-19 và quyên tặng vắc xin dư thừa càng nhanh càng tốt.

Trong một diễn biến mới nhất, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang bày tỏ quan điểm ủng hộ tạm thời bỏ bản quyền, chia sẻ công thức bào chế vắc xin COVID-19 và đang đàm phán với WHO. Trong khi đó, Liên minh châu Âu cho rằng các nước cần gỡ bỏ quy định hạn chế xuất khẩu vắc xin để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh trên toàn cầu. Nếu xu hướng này thành hiện thực, thì đây là cơ hội cho Chính phủ cũng như doanh nghiệp có thể để tiếp cận các nguồn vắc xin, cũng như công nghệ sản xuất vắc xin COVID-19. Đón bắt được thời cơ này, Bộ Y tế của Việt Nam đã có văn bản gửi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, đặt trung tâm chuyển giao công nghệ tại Việt Nam. Mặt khác, Bộ Y tế cũng khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào việc tìm kiếm các nguồn vắc xin cũng như chung tay cùng với hệ thống y tế nhà nước trong việc phân phối và tiêm chủng vắc xin.

Còn về năng lực sản xuất vắc xin ở trong nước, Việt Nam hiện có 4 đơn vị đang nỗ lực nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước. Nếu nghiên cứu thành công thì dự kiến sang năm 2022 mới có thể sản xuất, cung ứng. Trong đó, COVIVAC của IVAC đang thử nghiệm giai đoạn I, vắc xin Nanocovax của Công ty Nanogen đang thử nghiệm giai đoạn 2 và vắc xin của VABIOTECH dự kiến thử nghiệm giai đoạn I vào tháng 7/2021.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề