Bản tin thời sự sáng 23/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là khánh thành khu tái định cư Làng Nủ; Hà Nội thu ngân sách từ đấu giá đất tăng gấp đôi; Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đón 55.000 hành khách trong 6 giờ đầu vận hành chính thức...

Khánh thành khu tái định cư Làng Nủ

Sáng 22/12, tỉnh Lào Cai khánh thành 3 khu tái định cư Làng Nủ, huyện Bảo Yên và Nậm Tông, Kho Vàng ở huyện Bắc Hà, những nơi chịu nhiều mất mát trong bão Yagi.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi người dân thôn Làng Nủ trong lễ khánh thành khu tái định cư, sáng 22/12

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi người dân thôn Làng Nủ trong lễ khánh thành khu tái định cư, sáng 22/12

Khu tái định cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nằm trên đồi cao rộng 10 ha, gồm 40 nhà sàn dân sinh, nhà sinh hoạt cộng đồng rộng 300 m2; một điểm trường rộng 200 m2 gồm 2 lớp tiểu học và 2 lớp mẫu giáo, đầy đủ hệ thống viễn thông, điện nước. Đường dẫn vào làng được đổ bêtông. Mỗi căn nhà sàn kiên cố rộng 96 m2 theo kiến trúc người Tày, công trình phụ trợ, vườn trồng rau bên hông hoặc phía sau, khuôn viên trồng hoa trước lối vào.

Khu tái định cư Nậm Tông và Kho Vàng được khởi công xây dựng cuối tháng 9. Nâm Tông có 15 ngôi nhà mới được dựng, diện tích mỗi căn khoảng 110 m2 cùng một số công trình phụ trợ như nhà văn hóa, điểm trường, hệ thống điện nước. Kho Vàng có 35 căn nhà mới, mỗi nhà rộng 60 m2, ngoài ra còn công trình phụ trợ, thiết chế văn hóa phục vụ đời sống người dân.

Làng Nủ nằm dưới chân núi Voi - đỉnh cao nhất 1.033 m thuộc hệ thống núi chạy dài từ Lào Cai sang Yên Bái. Ngôi làng người Tày 167 hộ dân với 760 nhân khẩu định cư lâu đời trong thung lũng, canh tác một năm hai vụ lúa, trồng ngô, sắn. Thảm họa lũ quét rạng sáng 10/9 khiến 33 hộ dân bị vùi lấp, 40 gia đình bị ảnh hưởng, 60 người chết, 7 người hiện mất tích.

Hà Nội thu ngân sách từ đấu giá đất tăng gấp đôi

11 tháng đầu năm, Hà Nội thu được gần 18.600 tỷ đồng từ đấu giá đất, tăng gấp đôi so với các năm trước.

Hiện trạng khu đất được trả đấu giá 30 tỷ đồng một m2 ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội

Hiện trạng khu đất được trả đấu giá 30 tỷ đồng một m2 ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, chỉ tiêu thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất của Thành phố là hơn 25.100 tỷ đồng trong năm nay.

Hết tháng 11, Thành phố đã thu gần 18.600 tỷ đồng, đạt khoảng 74% kế hoạch và ước hoàn thành chỉ tiêu tính đến hết năm. Con số này đã tăng gần gấp đôi so với các năm trước (trung bình gần 10.000 tỷ đồng mỗi năm).

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, việc tổ chức tốt công tác đấu giá đất giúp đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đảm bảo hiệu quả cho tiếp cận và sử dụng đất đai.

Tuy nhiên, Hà Nội thừa nhận việc đấu giá đất trên địa bàn vẫn còn một số hạn chế. Điển hình là tình trạng giá khởi điểm thấp do được tính theo bảng giá đất tại Điều 159 Luật Đất đai 2024. Nhiều nơi có bảng giá đất thấp hơn giá thị trường, không có khả năng bù đắp được chi phí giải phóng mặt bằng hay đầu tư hạ tầng.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND các quận, huyện đã quy định đấu giá nhiều vòng bắt buộc với bước giá cụ thể nhằm đảm bảo mức giá sau các vòng sát với thị trường. Tuy nhiên, Luật chỉ cấm hành vi dìm giá, chưa có chế tài với hành vi thông đồng "thổi giá". Do đó, có tình trạng người tham gia trả giá cao để trúng lô đất nhưng sau đó bỏ cọc hoặc trả mức cao bất thường rồi bỏ ngang khiến phiên đấu thất bại. Mục tiêu của nhóm này để "làm giá", gây nhiễu loạn thị trường.

Ngoài ra, hiện chưa có quy định cá nhân trúng đấu giá phải hoàn thành xây dựng nhà ở trong thời gian nhất định, dẫn đến tình trạng bỏ hoang đất, lãng phí nguồn lực đất đai. Trong khi đó, nhiều quận, huyện áp lực thu ngân sách nên vẫn tổ chức đấu giá đất…

Công an Thành phố được đề nghị sử dụng biện pháp nghiệp vụ để phát hiện vi phạm trong công tác đấu giá đất, điển hình như vụ 5 người trả giá đến 30 tỷ đồng một m2 ở huyện Sóc Sơn để "không cho lô đất được trúng đấu giá thành công".

"Đến nay Thành phố cơ bản kiểm soát chặt chẽ công tác đấu giá đất, đảm bảo công bằng và hiệu quả", Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết.

Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thêm 5 năm, đến hết năm 2030.

Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Ảnh minh họa

Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Ảnh minh họa

Sau 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế đất nông nghiệp, đời sống người nông dân được nâng cao. Họ yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp, việc làm khu vực nông thôn cũng được cải thiện.

Tại công văn lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết kéo dài thời gian miễn thuế này đến hết năm 2030. Nếu được thông qua, Nghị quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.

Theo Bộ Tài chính, số tiền giảm, miễn thuế đất này bình quân trên 3.268 tỷ đồng một năm, trong giai đoạn 2003 - 2010. Khoản này tăng gần gấp đôi, lên 6.308 tỷ đồng mỗi năm vào 6 năm sau đó. 3 năm qua, tiền miễn thuế đất nông nghiệp mỗi năm khoảng 7.500 tỷ đồng.

Việc miễn thuế làm giảm thu ngân sách nhà nước. Song theo Bộ Tài chính, giải pháp này khuyến khích đầu tư, phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế. Việc này giúp nâng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Cũng theo cơ quan này, việc quy định miễn thuế này không gây xung đột trong quan hệ thương mại với các nước, vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam khi gia nhập WTO. Thực tế, việc miễn thuế thời gian qua chưa phát sinh vướng mắc. Các địa phương đều cho rằng, việc tiếp tục chính sách này cho giai đoạn tiếp theo là cần thiết.

"Đây là hình thức hỗ trợ nguồn đầu tư tài chính trực tiếp cho khu vực tam nông nhằm nâng năng suất, chất lượng sản phẩm", Bộ Tài chính nhận xét và cho biết thêm rằng, việc kéo dài thời gian miễn thuế phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp.

Đấu giá 400 xe máy vi phạm, giá từ 580.000 đồng/chiếc

Lô tài sản gồm 400 mô tô hai bánh là phương tiện vi phạm hành chính đã xác lập quyền sở hữu toàn dân được đấu giá khởi điểm hơn 235 triệu đồng.

Trong danh sách 374 xe vi phạm bán phế liệu, đa số vẫn còn biển số nhưng nhiều số khung, số máy đã bị oxy hóa. Ảnh minh họa

Trong danh sách 374 xe vi phạm bán phế liệu, đa số vẫn còn biển số nhưng nhiều số khung, số máy đã bị oxy hóa. Ảnh minh họa

Một công ty đấu giá đang thông báo đấu giá lô tài sản gồm 400 chiếc mô tô 2 bánh, trong đó 374 chiếc bán phế liệu không được đăng ký lưu hành. Số xe này là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị Công an huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) tịch thu.

Cụ thể, lô tài sản có 26 chiếc mô tô 2 bánh đủ điều kiện đăng ký lưu hành, hơn 370 xe còn lại bán phế liệu không được đăng ký lưu hành. Giá khởi điểm hơn 235 triệu đồng, chưa bao gồm thuế, phí khác (nếu có), giá trung bình hơn 580.000 đồng/xe.

Số tiền đặt trước cho lô hàng là 20% giá khởi điểm. Thời gian công bố giá dự kiến vào chiều ngày 6/1/2025 theo hình thức bỏ phiếu gián tiếp với phương thức trả giá lên.

Theo danh sách lô hàng gồm 26 xe đủ điều kiện đăng ký lưu hành đều còn biển số và số khung, máy và là các loại xe thương hiệu Honda, Yamaha với những dòng như Air Blade, Wave, Novo, Sirius... Trong khi đó, với 374 xe bán phế liệu, nhiều xe vẫn còn biển số nhưng không còn xác định được số khung, số máy vì bị oxy hóa.

Công ty đấu giá xe máy cũng lưu ý khách hàng phải nộp tiền đặt trước, cung cấp giấy nộp tiền trước khi nộp phiếu trả giá cho công ty đấu giá, nếu không cung cấp thì không đủ điều kiện nộp phiếu trả giá.

Đối với phương tiện không đủ điều kiện đăng ký lưu hành, người trúng đấu giá chịu toàn bộ chi phí cắt rời khung xe và đục hủy số khung, số máy của xe và chịu mọi chi phí liên quan... đảm bảo an toàn về cháy nổ và môi trường trong quá trình xử lý.

Ngoài ra, người tham gia đấu giá cần tìm hiểu rõ những vấn đề liên quan đến tài sản đấu giá, tìm hiểu kỹ về hiện trạng tài sản và các tài liệu có liên quan đến tài sản, hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và rủi ro phát sinh của việc mua tài sản đấu giá, đồng thời cam kết không khiếu nại, tranh chấp, khởi kiện sau khi trúng đấu giá.

Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đón 55.000 hành khách trong 6 giờ đầu vận hành chính thức

6 giờ của ngày đầu vận hành chính thức (22/12), tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã khai thác 78 đoàn tàu an toàn, phục vụ gần 55.000 hành khách đến trải nghiệm.

Các chuyến tàu metro số 1 đều chật cứng hành khách trong ngày đầu vận hành

Các chuyến tàu metro số 1 đều chật cứng hành khách trong ngày đầu vận hành

Chiều 22/12, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1) Văn Thị Hữu Tâm cho biết, từ 10 - 16h đã có 78 đoàn tàu lăn bánh phục vụ gần 55.000 người đến trải nghiệm.

Metro số 1 sẽ tiếp tục chạy đến 22h nên con số này còn tiếp tục tăng lên trong ngày đầu tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM vận hành.

Theo đại diện HURC1, trong 30 ngày đầu, hành khách được trải nghiệm miễn phí mà không cần dùng thẻ, tải app hay dùng CCCD. Người dân chỉ cần đến ga thì có thể dễ dàng tiếp cận tàu metro.

Do số lượng người dân đến trải nghiệm metro tại nhà ga Bến Thành quá đông gây quá tải, HURC1 khuyến nghị hành khách sắp xếp qua các nhà ga khác, hoặc lựa chọn trải nghiệm vào những ngày sắp tới để chuyến đi được tốt hơn và tránh phải xếp hàng chờ đợi lâu.

Theo lịch chạy tàu, 6 tháng đầu vận hành, tàu metro số 1 sẽ đón khách từ 5 - 22h. Giãn cách chạy tàu đều đặn từ 8 - 12 phút/chuyến.

Sau 6 tháng, giờ mở tuyến từ 5 - 23h30. Giãn cách chạy tàu đều đặn từ 5 - 10 - 15 phút/chuyến (tương ứng với các khung giờ: cao điểm/bình thường/thấp điểm).

Để giúp hành khách dễ dàng tiếp cận các nhà ga metro, TP.HCM triển khai loạt phương án tăng cường kết nối như cung cấp dịch vụ trung chuyển hành khách bằng 17 tuyến buýt điện để gom khách. Trong 30 ngày đầu tuyến đi vào khai thác thương mại, hành khách cũng đi miễn phí xe buýt điện.

Ngoài ra, tại các nhà ga như Công viên Văn Thánh, Thảo Điền, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Bến xe Suối Tiên… được bố trí các bãi trông giữ xe nhằm tạo thuận lợi cho hành khách đi metro.

Quảng Nam lập kỷ lục đón 8 triệu lượt khách, tổng thu du lịch hơn 30.000 tỷ đồng

Quảng Nam đón hơn 8 triệu lượt khách trong năm 2024, vượt qua kỷ lục 7,8 triệu lượt của năm 2019. Tổng doanh thu du lịch mang lại cho địa phương này khoảng 30.820 tỷ đồng.

Hội An được công nhận là "Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á năm 2024".

Hội An được công nhận là "Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á năm 2024".

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Quảng Nam vừa công bố những thành tựu nổi bật của ngành du lịch Tỉnh trong năm 2024.

Theo đó, năm 2024, tổng lượt khách tham quan, lưu trú tại Quảng Nam ước đạt hơn 8 triệu lượt, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023 và vượt 6% so với kế hoạch. Trong đó, khách quốc tế là 5,5 triệu lượt, còn khách nội địa đạt hơn 2,5 triệu lượt.

Đây là năm đầu tiên du lịch Quảng Nam vượt mốc 8 triệu lượt khách, vượt qua kỷ lục 7,8 triệu lượt của năm 2019.

Tổng doanh thu du lịch mang lại cho địa phương này khoảng 30.820 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ tham quan, lưu trú là 9.200 tỷ đồng (tăng 19% so với cùng kỳ) và thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 21.620 tỷ đồng.

Top 10 thị trường khách quốc tế lưu trú cao nhất ở Quảng Nam, gồm: Hàn Quốc, Úc, Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Malaysia, Trung Quốc...

Năm 2024, Quảng Nam nhận được nhiều danh hiệu và giải thưởng quốc tế. Sở VH-TT&DL được vinh danh là "Cơ quan quản lý du lịch địa phương hàng đầu châu Á" tại giải thưởng World Travel Awards. Quảng Nam được tôn vinh là "Điểm đến trong nước thu hút và ấn tượng nhất năm 2024" do tạp chí Travellive đề cử.

Hội An có 5 năm liên tiếp đạt danh hiệu "Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á"; được nền tảng du lịch lớn nhất thế giới Tripadvisor bình chọn top 7 điểm đến thịnh hành nhất thế giới năm 2024...

Mới đây, làng rau Trà Quế (Hội An) được Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc công nhận là "Làng du lịch tốt nhất" năm 2024. Đây là điểm đến duy nhất của Việt Nam được UN Tourism vinh danh trong năm nay.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp du lịch tại Quảng Nam cũng đã vinh dự nhận được các giải thưởng quốc tế.

Từ 2025, phân cấp quản lý, vận hành hệ thống giám sát giao thông

Từ 1/1/2025, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) sẽ quản lý hệ thống giám sát giao thông trên các tuyến đường cao tốc, trừ các tuyến do Bộ trưởng Bộ Công an phân công cho công an các tỉnh tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.

Cục CSGT sẽ quản lý, vận hành hệ thống giám sát trên các tuyến cao tốc

Cục CSGT sẽ quản lý, vận hành hệ thống giám sát trên các tuyến cao tốc

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 83/2024 về xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, có điều khoản về phân cấp quản lý, vận hành hệ thống giám sát giao thông.

Cụ thể, Điều 6 của Thông tư quy định, Cục CSGT quản lý, vận hành hệ thống giám sát giao thông trên các tuyến đường cao tốc, trừ các tuyến đường cao tốc do Bộ trưởng Bộ Công an phân công, phân cấp cho công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.

Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý, vận hành hệ thống giám sát giao thông trên các tuyến đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trên các tuyến đường cao tốc được phân công, phân cấp tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.

Đơn vị quản lý, vận hành hệ thống giám sát giao thông thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá hoạt động của thiết bị giám sát giao thông, thiết bị hỗ trợ hệ thống giám sát giao thông, thiết bị đặt tại trung tâm giám sát giao thông, đường truyền và phần mềm hệ thống giám sát giao thông bảo đảm hệ thống hoạt động ổn định; thường xuyên kiểm tra tình trạng, khả năng lưu trữ dữ liệu của hệ thống giám sát giao thông; đánh giá việc ghi nhận hình ảnh của thiết bị giám sát giao thông.

Thông tin, dữ liệu trong hệ thống giám sát giao thông được quản lý, phân loại, chia sẻ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu camera giám sát trong Công an nhân dân.

Đơn vị quản lý, vận hành hệ thống giám sát giao thông xây dựng quy chế quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống giám sát giao thông; xây dựng phương án xử lý, phục hồi hệ thống, dữ liệu khi xảy ra sự cố. Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trước khi ban hành quy chế quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống giám sát giao thông phải có văn bản xin ý kiến Cục CSGT.

Cả nước hiện có 300/705 huyện đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất

Theo Cục Đăng ký dữ liệu và Thông tin đất đai, hiện 63/63 tỉnh, thành phố đang xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai, trong đó có 300/705 huyện đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất.

Cả nước hiện có 300/705 huyện đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất. Ảnh minh họa

Cả nước hiện có 300/705 huyện đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất. Ảnh minh họa

Theo Cục Đăng ký dữ liệu và Thông tin đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến nay, có 455/705 huyện tại các tỉnh, thành phố trên cả nước đã hoàn thành cơ sở dữ liệu địa chính với 46 triệu thửa đất; 300/705 huyện đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất.

Ngoài ra, có 705/705 huyện đã hoàn thành cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai (từ kỳ kiểm kê 2019) và đưa vào vận hành thống nhất từ Trung ương đến địa phương; 325 huyện đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Về liên thông điện tử với các bộ, ngành, hiện có 46/63 tỉnh, thành phố đã kết nối, liên thông giữa cơ quan đăng ký đất đai với cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với hộ gia đình, cá nhân; 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (trong đó đã kết nối được dữ liệu của 461/705 đơn vị cấp huyện); 34/63 tỉnh, thành phố đã kết nối, liên thông giữa cơ sở dữ liệu đất đai của địa phương với hệ thống một cửa điện tử của địa phương.

Hiện nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai để vận hành, khai thác thống nhất trên quốc gia.

Loạt doanh nghiệp bị phạt liên quan đến quy định công bố thông tin trên thị trường chứng khoán

Quỹ Việt Cát, Đường Man và Promexco bị phạt liên quan đến quy định công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Nhiều doanh nghiệp bị phạt vì vi phạm công bố thông tin. Ảnh minh họa

Nhiều doanh nghiệp bị phạt vì vi phạm công bố thông tin. Ảnh minh họa

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành loạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với nhiều doanh nghiệp. Các lỗi thường gặp như không công bố thông tin, công bố thông tin không đúng hạn...

Công ty CP Quản lý Quỹ Việt Cát bị phạt tổng cộng 312,5 triệu đồng. Doanh nghiệp có trụ sở tại tòa nhà DOJI Tower. Ngân hàng TPBank là công ty mẹ của quỹ này, sở hữu 99,9% vốn, tại ngày 30/9.

Trong đó, Công ty bị phạt 60 triệu đồng do không tuân thủ điều lệ quỹ đầu tư chứng khoán. UBCKNN phạt 175 triệu đồng vì công ty vi phạm quy định về việc cho vay hoặc giao vốn của công ty cho tổ chức, cá nhân. Công ty cũng bị phạt 77,5 triệu đồng do không tách biệt về nhân sự giữa hoạt động đầu tư tài chính với hoạt động quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.

Công ty CP Đường Man cũng bị phạt 65 triệu đồng vì công bố thông tin không đúng thời hạn quy định.

Cụ thể, Công ty đã công bố thông tin không đúng thời hạn với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) các tài liệu liên quan đến tình hình sử dụng tiền từ phát hành trái phiếu; tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu; báo cáo tài chính bán niên 2021 - 2022 - 2023... Đường Man còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm hành chính nhiều lần.

Đường Man là doanh nghiệp thuộc Hòa Bình Group do ông Nguyễn Hữu Đường làm Chủ tịch HĐQT. Đường Man sản xuất malt - nguyên liệu chính để sản xuất bia và là một trong những nhà cung cấp Malt chính thức cho Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Cũng liên quan tới việc không công bố đối với thông tin phải công bố, Công ty CP Sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu (Promexco) bị phạt với tổng cộng 462,5 triệu đồng, do loạt vi phạm.

Cụ thể, Promexco không công bố nhiều tài liệu trên hệ thống của UBCKNN, bao gồm: báo cáo tình hình quản trị công ty nửa đầu năm và cả năm 2022 và 2023, nửa đầu năm 2024; báo cáo tài chính kiểm toán và báo cáo thường niên 2022, 2023; nghị quyết và biên bản họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, 2024.

Công ty còn chưa lập trang thông tin điện tử theo quy định. Promexco đã nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng vào năm 2011, nhưng sau hơn chục năm vẫn không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán.

Ngoài phạt tiền, doanh nghiệp này còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp hồ sơ đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán cho Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và công ty con trong thời hạn tối đa 60 ngày.

Chuyên đề