Tăng trưởng 2025 có dư địa đạt 8%

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5 - 7%, phấn đấu đạt 7 - 7,5%. Để tạo đà, tạo lực phát triển, hướng đến những mục tiêu trung và dài hạn, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn, đặt mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025. Theo nhiều ý kiến, có cơ sở, dư địa để bứt phá, đạt mức tăng trưởng kỳ vọng này.
Việc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 8% trong năm 2025 sẽ là cơ sở thuận lợi để hoàn thành kế hoạch cả giai đoạn 2021 – 2030. Ảnh: Lê Tiên
Việc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 8% trong năm 2025 sẽ là cơ sở thuận lợi để hoàn thành kế hoạch cả giai đoạn 2021 – 2030. Ảnh: Lê Tiên

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và một số nội dung quan trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Trung ương xác định mục tiêu tổng quát năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức; lấy ổn định làm tiền đề thúc đẩy phát triển và phát triển để làm cơ sở cho ổn định; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Thủ tướng nhấn mạnh, phải ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt khoảng 8% để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế thực hiện kế hoạch cả giai đoạn 2021 - 2030…

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho biết, có nhiều cơ sở để nói đến mục tiêu này, như sự tiếp nối đà tăng trưởng từ năm 2024 sang năm 2025, đồng thời có nhiều nhân tố mới với các thay đổi mang tính căn cơ, đặc biệt là thay đổi về thể chế với nhiều luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Sự thay đổi lớn trong các luật này là tư duy đột phá, phân cấp, phân quyền, tháo gỡ những điểm nghẽn, những vướng mắc, kiến tạo, thúc đẩy phát triển. Nhiều luật mới có hiệu lực ngay từ đầu năm 2025, có thể kích thích tăng trưởng thông qua giải phóng nguồn lực lâu nay bị ách tắc…

Tại một số hội thảo, diễn đàn kinh tế gần đây, nhiều chuyên gia nhận định, có nhiều dư địa, cơ hội nếu tận dụng, khai thác được thì mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 8% là khả thi.

Theo TS. Trần Du Lịch, từ năm 2025 trở đi, với hạ tầng được cải thiện, chi phí logistics có thể giảm đáng kể, cùng với sự đầu tư của Chính phủ vào năng lượng và hạ tầng số, nền kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ. Ông Trần Du Lịch cũng nhấn mạnh động lực quan trọng cho tăng trưởng GDP trong thời gian tới sẽ đến từ tiêu dùng nội địa.

Ông Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra nhiều động lực cho tăng trưởng năm 2025, trong đó mức sống dân cư có sự chuyển biến và lượng khách du lịch quốc tế dự kiến tiếp tục tăng sẽ thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng trong nước. Hệ thống hạ tầng ngày một hoàn thiện, nhất là đường bộ cao tốc được kéo dài và mở rộng ra nhiều địa phương giúp tăng kết nối liên vùng, đường điện cao thế 500 kV mạch 3 được đưa vào khai thác giúp bảo đảm ổn định năng lượng. Thu ngân sách nhà nước năm 2024 tăng mạnh là cơ sở để Nhà nước tiếp tục tăng chi đầu tư công và chi thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển. Ngoài ra, một số chính sách mới được ban hành sẽ giúp hình thành khung thể chế tốt hơn cho phát triển kinh tế…

Cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025 để tạo đột phá cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Nhã Chi
Cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025 để tạo đột phá cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Nhã Chi

Nhận định về tương lai Việt Nam, đại diện Citibank cho rằng, còn nhiều dư địa cho tăng trưởng đến từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), tiêu dùng nội địa, hạ tầng được cải thiện, xu hướng dịch chuyển sản xuất…

Trong Dự thảo Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% như Chính phủ đặt quyết tâm, tất cả các động lực phát triển, nhất là Hà Nội và TP.HCM phải đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên; tập trung cao độ để khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm đổi mới, đột phá, sáng tạo, sự chủ động, dám nghĩ, dám làm… theo chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tạo đà bứt phá”.

Trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Dự thảo xác định đột phá về thể chế là “đột phá của đột phá”, phải đi sớm, đi trước mở đường cho đột phá phát triển. Theo đó, phải đẩy mạnh hơn nữa việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật, tháo gỡ các điểm nghẽn; tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và chương trình mục tiêu quốc gia…; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu…

Nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị, song song với nỗ lực từ phía Chính phủ, khối doanh nghiệp cần tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất… để cơ cấu lại hoạt động, kiểm soát rủi ro tài chính, dòng tiền. Đồng thời, nắm bắt các xu hướng lớn như xu hướng phát triển kép "xanh hóa và số hóa", tích hợp các yếu tố ESG, phát triển bền vững; đón đầu xu hướng công nghệ, đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, sản phẩm, dịch vụ, nguồn vốn khả thi cho chuyển đổi xanh, kinh doanh tuần hoàn, tham gia thị trường tín chỉ carbon… Đồng thời, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý, tài chính, an ninh mạng, thông tin, dữ liệu, xuất xứ hàng hóa, yêu cầu xanh hóa, bảo hộ thương mại; tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới và từ việc nâng cấp quan hệ Việt Nam với các đối tác lớn trên toàn cầu.

Chuyên đề