Thông xe trở lại tuyến Quốc lộ 27C qua đèo Khánh Lê từ 7 giờ ngày 22/12
Tối 21/12, lãnh đạo Khu Quản lý đường bộ III (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, các vị trí sạt lở nghiêm trọng trên đoạn đèo Khánh Lê, Quốc lộ 27C thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa đã đủ điều kiện thông xe kể từ sáng 22/12.
Khu vực Km43 đèo Khánh Lê, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa được công nhân nỗ lực khắc phục sạt lở |
Theo đó, để tạo điều kiện cho phương tiện lưu thông, người dân đi lại, bắt đầu từ 7 giờ ngày 22/12, tuyến Quốc lộ 27C qua đèo Khánh Lê chính thức thông xe trở lại; riêng đoạn sạt lở tại Km43+300 với chiều dài 300m thông xe 1 làn (có lắp đặt hệ thống cảnh báo, rào chắn, cử người trực gác để điều tiết xe qua từng chiếc một).
Do thời tiết khu vực hiện vẫn đang diễn biến thất thường, sương mù dày đặc hạn chế tầm nhìn, khu vực đèo vẫn còn mưa nên để đề phòng nguy cơ tiếp tục sạt lở gây mất an toàn cho người tham gia giao thông, các phương tiện chỉ được lưu thông từ 7 giờ sáng đến 17 giờ qua đèo Khánh Lê.
Trước đó, do ảnh hưởng thiên tai, từ 7 giờ ngày 15/12, đèo Khánh Lê, Quốc lộ 27C đoạn qua huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa bị sạt lở taluy dương tại nhiều vị trí với khối lượng rất lớn, ách tắc giao thông hoàn toàn.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, các cơ quan, đơn vị chức năng đã khẩn trương triển khai đồng loạt nhiều mũi thi công (theo 2 hướng từ Khánh Hòa lên và từ Lâm Đồng xuống với hơn 30 đầu thiết bị gồm máy đào, máy xúc lật, máy ủi, ô tô vận chuyển, máy khoan đá) xúc dọn đất đá sạt lở.
Đến 2 giờ 30 ngày 19/12 đã đủ điều kiện để thông xe 1 làn theo quy định. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến bất lợi, các khối đất đá sạt lở nên tiếp tục gây gián đoạn giao thông.
Metro Bến Thành - Suối Tiên bắt đầu vận hành thương mại
Sau 17 năm được duyệt, 12 năm thi công, tuyến tàu điện đầu tiên của TP.HCM dài gần 20 km, vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng bắt đầu vận hành, sáng 22/12.
Các đoàn tàu thuộc Metro Bến Thành - Suối Tiên tập kết ở Depot Long Bình trước ngày đón khách |
10h ngày 22/12, 14 ga Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ đồng loạt mở cửa đón khách. Trong tháng đầu, khách được miễn vé đi metro cùng với 17 tuyến buýt điện kết nối. Sau thời gian này, khách có thể chọn các loại vé lượt, 1 ngày, 3 ngày và theo tháng.
Metro Bến Thành - Suối Tiên có 17 đoàn tàu, mỗi tàu 3 toa, sức chứa 930 khách (147 khách ngồi và 783 khách đứng). Giai đoạn đầu, bình quân mỗi ngày có 9 tàu vận hành, chạy từ 5h đến 22h với khoảng 200 chuyến. Tần suất giãn cách mỗi chuyến 8 - 12 phút; hành trình từ ga cuối Suối Tiên (gần bến xe Miền Đông mới, Thủ Đức) đến Bến Thành, Quận 1, khoảng 30 phút. Thời gian tàu dừng ở mỗi ga trên tuyến chừng 30 giây.
Được phê duyệt từ năm 2007, Metro Bến Thành - Suối Tiên mất 17 năm mới có thể đưa vào khai thác vì quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc. Toàn tuyến dài 19,7 km, gồm 14 nhà ga, trong đó 3 ga ngầm ở khu trung tâm lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.
Với tổng mức đầu tư ban đầu gần 17.400 tỷ đồng, Dự án không phải trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, liên danh tư vấn sau đó tính toán lại, nâng tổng mức đầu tư lên hơn 47.300 tỷ đồng. Thủ tướng cho phép UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh Dự án theo mức vốn, khởi công gói thầu chính đầu tiên đoạn trên cao vào tháng 8/2012. Nhưng lúc này, Dự án thuộc tiêu chí quan trọng quốc gia - phải trình Quốc hội duyệt chủ trương.
Quá trình làm thủ tục điều chỉnh kéo dài khiến Dự án gặp nhiều khó khăn, liên tục trong cảnh thiếu vốn, chậm tiến độ. Tháng 11/2019, việc điều chỉnh mới được chấp thuận, tổng vốn đầu tư chốt lại là hơn 43.700 tỷ đồng. Việc duyệt điều chỉnh giúp tuyến tàu điện được gỡ nút thắt kéo dài, bởi đây là cơ sở để Trung ương bố trí vốn ODA mà Thành phố vay lại…
Khởi công xây dựng cầu Phong Châu mới
Chiều 21/12, Bộ Giao thông vận tải khởi công xây dựng cầu Phong Châu mới dài 652 m trên Quốc lộ 32C, thay thế cầu Phong Châu cũ bị hư hỏng trong bão Yagi.
Cầu Phong Châu cũ |
Điểm đầu Dự án tại xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao; điểm cuối tại xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông. Cầu chính dài 383 m, đoạn đường dẫn cầu vuốt nối về phía Lâm Thao dài 113 m, phía Tam Nông dài 155 m.
Cầu mới rộng 20,5 m phù hợp với bề rộng nền đường đầu cầu, sử dụng dầm bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Phần cầu chính có 3 nhịp dầm liên tục, thi công bằng phương pháp đúc hẫng cân bằng; phần cầu dẫn phía Lâm Thao gồm 3 nhịp dẫn, 2 nhịp dầm bản. Các mố, trụ bằng bê tông cốt thép, móng cọc khoan nhồi.
Đoạn đường nối hai đầu cầu đảm bảo quy mô đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h, quy mô 4 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 20,5 m.
Dự án có tổng mức đầu tư 635 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư.
Trong cơn bão Yagi ngày 9/9, cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng bị sập 2 nhịp, khiến 8 người mất tích. Đến nay, các lực lượng đã tìm thấy thi thể của 4 nạn nhân.
Sự cố này khiến việc đi lại của người dân hai bên bờ sông Hồng gặp nhiều khó khăn khi phải đi đường vòng xa hơn 40 - 50 km. Để khắc phục tình trạng này, Lữ đoàn 249 đã nhanh chóng lắp đặt cầu phao tạm thời, tuy nhiên, do mực nước sông Hồng lên xuống thất thường, cầu phao thường xuyên phải ngừng hoạt động, công binh phải dùng phà để đưa người dân qua sông.
Hơn 1.000 dự án ở Hà Nội vướng phương án bồi thường
Chênh lệch giá đất đền bù theo Luật Đất đai 2024 và luật năm 2013 dẫn tới phát sinh vướng mắc tại hơn 1.000 dự án trên địa bàn Hà Nội.
Tuyến đường 500 tỷ đồng nối đường Cienco 5 với Quốc lộ 21B ở huyện Thanh Oai, Hà Nội |
Tại Hội nghị Tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 sáng 21/12, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, trên địa bàn hiện có hơn 1.000 dự án dở dang đã thực hiện thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư một phần theo Luật Đất đai 2013, phần diện tích còn lại sẽ thực hiện theo Luật Đất đai 2024.
Theo cơ quan quản lý, thực tế này dẫn đến một số vướng mắc như chính sách giải phóng mặt bằng trong cùng một dự án không đồng nhất, người được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Luật Đất đai 2024 cơ bản có lợi hơn.
Cùng với đó, nhiều dự án thông báo thu hồi đất đã quá 12 tháng theo quy định của Luật Đất đai 2024, không thuộc trường hợp chuyển tiếp cũng phát sinh vướng mắc.
Nhiều dự án đã được UBND quận, huyện, thị xã thực hiện các bước như điều tra kiểm đếm tài sản trên đất; xác nhận nguồn gốc sử dụng đất lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức niêm yết công khai phương án theo quy định của Luật Đất đai 2013 nhưng chưa quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
"Nếu thực hiện theo quy định của Luật Đất đai 2024 sẽ phát sinh rất nhiều khó khăn về thời gian, tiến độ, chi phí", Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết.
Để tháo gỡ, TP. Hà Nội đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến với Chính phủ và các cơ quan trung ương cho phép Thành phố sử dụng tài liệu đã thực hiện như kết quả đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất để triển khai các bước tiếp theo với các dự án đã thực hiện đầy đủ các quy trình bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Luật Đất đai 2013.
Đối với các trường hợp áp dụng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành mà các chính sách cơ bản không thay đổi và được sự đồng tình của hộ dân thì thực hiện ngay các bước theo quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư...
Đồng Nai xây 1.400 nhà ở xã hội cho người dân bị ảnh hưởng dự án cao tốc
Chung cư nhà ở xã hội 2 sẽ bố trí chỗ ở cho người dân bị thu hồi đất cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu không đủ điều kiện cấp suất đất nền tái định cư.
Vị trí xây dựng 1.400 căn nhà ở xã hội |
Ngày 21/12, UBND tỉnh Đồng Nai khởi công Dự án Nhà ở xã hội 2 tại xã Phước Tân, TP. Biên Hòa với quy mô 1.400 căn hộ trên diện tích 4 ha. Đây cũng là dự án nhà ở xã hội đầu tiên để bố trí chỗ ở cho các hộ dân bị thu hồi đất thuộc Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Giai đoạn 1, Dự án sẽ bố trí khoảng 500 căn cho những người dân phải di dời để xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu song không đủ điều kiện bố trí suất đất nền tái định cư. Dự án do Công ty CP Phát triển hạ tầng An Hưng Phát làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành năm 2026.
Theo ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, hiện Tỉnh có hơn 3,5 triệu người, trong đó có khoảng 1,2 triệu lao động từ xa đến sống, lập nghiệp nên nhu cầu nhà ở xã hội rất cao. Theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, đến năm 2025 toàn Tỉnh sẽ xây dựng 10.000 căn nhà ở xã hội, đến nay đã xây dựng được 5.000 căn.
Để xây dựng hai đoạn cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua địa bàn, Đồng Nai phải thu hồi đất của hơn 2.000 hộ ở TP. Biên Hòa và huyện Long Thành. Tỉnh đang xây dựng 4 khu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên đến nay, chỉ có khu tái định cư Long Đức (huyện Long Thành) đã bàn giao cho người dân xây nhà, các khu khác chưa xây dựng xong hạ tầng hoặc chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư. Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc giải phóng mặt bằng cho Dự án bị chậm. Dự kiến đến đầu năm 2025, công tác giải phóng mặt bằng qua Đồng Nai mới hoàn thành, bàn giao cho các chủ đầu tư.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được khởi công tháng 6/2023, dài gần 54 km, quy mô 4 - 6 làn xe, tùy đoạn tuyến, tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng. Trong đó, đoạn 1 dài 16 km do tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư; đoạn 2 dài 18,2 km do Bộ Giao thông vận tải phụ trách và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng đoạn 3 dài 19,5 km.
Nhiều vi phạm ở Dự án Làng Việt kiều quốc tế tại Hải Phòng
Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra hàng loạt vi phạm của Dự án Đầu tư xây dựng Làng Việt kiều quốc tế tại phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân, TP. Hải Phòng).
Phối cảnh Dự án Làng Việt kiều quốc tế tại quận Lê Chân, TP. Hải Phòng |
Thanh tra Chính phủ vừa có Kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 23/9/2019 và Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 6/12/2019 của Chính phủ; công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng của UBND TP. Hải Phòng.
Trong Kết luận này, Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm tại Dự án Đầu tư xây dựng Làng Việt kiều quốc tế tại phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân, Hải Phòng) do Công ty CP Đầu tư và Phát triển Việt Anh làm chủ đầu tư.
Tổng diện tích khu đất thực hiện Dự án là 92.233 m2, bao gồm các hạng mục: đất thương mại dịch vụ, đất ở, đất xây dựng biệt thự, đất xây dựng nhà vườn, đất cây xanh, đất giao thông.
Tổng mức đầu tư là 403.966 triệu đồng. Tiến độ thực hiện: khởi công vào tháng 1/2016, hoàn thành Dự án vào tháng 3/2022.
Đến thời điểm thanh tra, diện tích đã giao đất cho Dự án là 82.582,4 m2, trong đó diện tích xây nhà thương mại để bán là 44.656,5 m2; đất thương mại trả tiền hàng năm là 8.005,6 m2.
Dự án đã triển khai xây dựng khoảng 70% tổng khối lượng; đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 121 thửa đất cho hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng tại Dự án, với diện tích 31.062,1 m2.
Qua kiểm tra, Thanh tra Chính phủ chỉ ra, Dự án không thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là vi phạm quy định. Đồng thời còn nhiều vấn đề hạn chế, thiếu sót trong việc xác định tiền sử dụng đất của Dự án.
Dự án chậm tiến độ đầu tư theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mã số 4385697667 chứng nhận thay đổi lần thứ tư ngày 25/12/2017. Có nguyên nhân do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến Dự án bị chậm tiến độ. Tuy nhiên, Chủ đầu tư chưa chủ động đề nghị gia hạn, Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa thường xuyên giám sát, đôn đốc Chủ đầu tư thực hiện thủ tục gia hạn đầu tư.
Dự án chưa được cấp giấy phép xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật nhưng Chủ đầu tư đã triển khai thi công xây dựng, đến nay đạt khoảng 70% khối lượng là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Xây dựng 2003, khoản 1 Điều 89 Luật Xây dựng 2014.
Qua kiểm tra, rà soát và thực hiện Kết luận thanh tra, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật về hình sự thì chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định.
Bắn 36 pháo hỏa thuật mừng hoàn thành trùng tu Hải Vân Quan
36 phát pháo hoa đặt trong mô hình súng thần công, được bắn từ thành Hải Vân Quan về phía biển để mừng công trình hoàn tất trùng tu.
Bắn hỏa thuật trên Hải Vân Quan |
Sáng 21/12, UBND TP. Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ công bố hoàn thành Dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia Hải Vân Quan.
36 quả pháo hoa (hỏa thuật) đã được bắn lên từ 4 khẩu thần công, mỗi khẩu bắn 9 phát, đặt ở tường thành hai bên cổng chính Hải Vân Quan.
Các ống phóng chứa pháo được đặt trong nòng súng thần công sơn màu đồng, chất liệu bằng sợi thủy tinh. Mỗi súng thần công có hai người đóng binh lính thời nhà Nguyễn túc trực.
Khi nghe hiệu lệnh từ người chỉ huy, một binh lính dùng tay ghì chặt súng thần công, người còn lại dùng gậy gỗ đặt vào lỗ điểm hỏa để kích nổ, tái hiện lại cảnh khai hỏa ở đồn lũy quân sự trấn thủ trên đỉnh đèo Hải Vân hàng trăm năm trước.
Hải Vân Quan được phục hồi theo nguyên trạng dưới thời nhà Nguyễn, hoàn thành sau 3 năm thi công, tổng vốn đầu tư hơn 42 tỷ đồng. Từ đầu tháng 8 đến nay, di tích Hải Vân quan đã mở cửa cho khách tham quan miễn phí.
Trong đợt trùng tu này, Dự án tập trung phục hồi toàn diện các công trình kiến trúc, nhằm tái hiện vẻ đẹp và giá trị lịch sử của di tích. Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế là đơn vị quản lý, khai thác di tích Hải Vân Quan.
Phía tỉnh Thừa Thiên Huế đã thí điểm nền tảng check in và ghi nhận sự hiện diện của khách du lịch tại di tích quốc gia Hải Vân Quan, triển khai ứng dụng công nghệ (3D), phủ sóng wifi miễn phí.
Hải Vân Quan được xây dựng ở độ cao 490 m so với mực nước biển, vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), được ca ngợi là "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" nhờ vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và là cửa ngõ trên con đường thiên lý Bắc Nam để kiểm soát tàu bè ra vào vịnh Đà Nẵng.
Đây cũng là cụm phòng thủ quân sự quan trọng với hệ thống thành lũy, pháo đài thần công, được mệnh danh là "yết hầu" của kinh đô Huế. Giữa cổng chính, dòng chữ Hải Vân Quan khắc bằng Hán tự trên đá. Tường bao quanh được xây bằng đá.
Công an Hà Nội tìm người bị TikToker Mr Pips lừa đảo
Công an Hà Nội đề nghị ai bị dụ dỗ đầu tư vào 21 trang web trá hình sàn giao dịch ngoại hối của Phó Đức Nam (tức TikToker Mr Pips) nên trình báo để đảm bảo quyền lợi.
125 bất động sản liên quan nhóm Nam bị phong tỏa giao dịch |
Vụ án đang bị điều tra về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền, Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có, Không tố giác tội phạm. Chủ mưu là Nam và Lê Khắc Ngọ (tức Mr Hunter) - nghi can đang bị truy nã quốc tế.
Ngày 21/12, Công an Hà Nội thông báo Nam, Ngọ và 29 bị can đồng phạm trong thời gian dài đã điều hành 21 trang web: GKFX.com, Londonex.com, ZenoMarkets.com, CHMarkets.com, Jass.com, LPLtrade.com, TradeTime.com, GTMX.com, AlphaTradinghub.com, IQXtrade.com, Ibmex.com, TrustMarkets.com, JasFX.com, Dktrade.com, Acuex.com, Fxmills.com, Honor.com, Bostonmex.com, Jpexchance.com, TM.com, EnzoFX.com.
Đường dây phạm tội tại Việt Nam của Nam và Ngọ bắt đầu hoạt động từ năm 2021 khi mở nhiều trang web có giao diện tiếng Anh để người tham gia hiểu lầm đây là sàn giao dịch ngoại hối quốc tế, có uy tín. Về bản chất, các trang mạng này đều được lập trình, liên kết với tài khoản ngân hàng do nhóm Nam quản lý.
Theo nhà chức trách, dù không có kiến thức về đầu tư ngoại hối, chứng khoán nhưng nhân viên của Nam vẫn tư vấn rất nhiệt tình cho khách hàng về thị trường tài chính vĩ mô và các cơ hội đầu tư ngoại hối, chứng khoán.
Ban đầu các nghi can dụ khách hàng giao dịch nhiều lần với số lượng tiền thấp và để "có lãi". Sau đó, nhóm dùng nhiều thủ đoạn để hướng dẫn, thúc đẩy khách nâng vốn giao dịch rồi chiếm đoạt hết.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đề nghị ai bị dụ dỗ nạp tiền vào tài khoản qua các trang web nêu trên thì liên hệ với Phòng Cảnh sát hình sự để phối hợp giải quyết.
Theo Công an Hà Nội, đây là đường dây lừa đảo lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực ngoại hối, chứng khoán. Đa số nạn nhân sập bẫy vì tin vào sự hào nhoáng, giàu có của Nam và Ngọ. Cùng với việc ham làm giàu, mong sớm thành đại gia, các nhà đầu tư càng dễ bị dẫn dụ.
Cảnh sát ban đầu xác định có hơn 2.660 bị hại trên toàn quốc, song chưa kết luận được số tiền cụ thể bị chiếm đoạt. Việc tìm ra các bị hại này dựa trên 280 máy tính bị thu giữ của đường dây. Ước tính các bị hại đã nạp khoảng 50 triệu USD (hơn 1.268 tỷ đồng) và bị chiếm đoạt.
Cảnh sát đã thu giữ, phong tỏa nhiều tài sản ước tính hơn 5.200 tỷ đồng. Trong đó có 316 tỷ đồng trong tài khoản, các sổ tiết kiệm trị giá hơn 200 tỷ đồng, 69 tỷ đồng tiền mặt, 2,3 triệu USD, 890 miếng vàng SJC, 246 kg vàng nguyên khối, 31 siêu xe, 59 đồng hồ nhãn hiệu nổi tiếng trị giá khoảng 300 tỷ đồng... 125 bất động sản cũng bị phong tỏa giao dịch.