Nợ hơn 170 nghìn tỷ đồng, các Genco kinh doanh ra sao?

(BĐT) - Là “đầu tàu” của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong việc đầu tư và quản lý các nhà máy điện có công suất lớn, tình hình hoạt động của 3 tổng công ty phát điện (Genco) luôn thu hút sự quan tâm của dư luận. 
Tính đến cuối năm 2018, tổng nợ vay dài hạn và ngắn hạn của Genco 1 là 79.326 tỷ đồng, gấp 3,4 lần vốn chủ sở hữu. Ảnh: Tiên Giang
Tính đến cuối năm 2018, tổng nợ vay dài hạn và ngắn hạn của Genco 1 là 79.326 tỷ đồng, gấp 3,4 lần vốn chủ sở hữu. Ảnh: Tiên Giang

Nửa đầu năm 2019, Genco 2 và Genco 3 đều đã công bố báo cáo tài chính với kết quả lợi nhuận sụt giảm. Riêng Genco 1 - đơn vị có công suất phát điện lớn nhất và gánh nhiều khoản nợ “khủng” - vẫn chưa công bố báo cáo tài chính.

Ẩn số Genco 1

Tính đến cuối năm 2018, tổng công suất phát điện của các Genco đạt 17.629 MW, chiếm 63% quy mô của EVN và 36,3% quy mô phát điện trên phạm vi cả nước. Trong đó, Genco 1 có công suất lớn nhất (6.938 MW), tiếp theo là Genco 3 (6.195 MW) và Genco 2 (4.496 MW).

Với đặc thù cần rất nhiều vốn xây dựng cơ bản trong khi nguồn nội lực còn chưa mạnh, không khó hiểu khi các Genco phải phụ thuộc rất lớn vào đòn bẩy tài chính. Với các khoản vay nhiều chục nghìn tỷ đồng, tình hình kinh doanh của các Genco cần phải được minh bạch để giám sát chặt chẽ.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đấu thầu, tính đến hết ngày 14/8, mới chỉ có Genco 2 và Genco 3 công bố báo cáo tài chính. Theo đó, lãi ròng 6 tháng đầu năm 2019 của Genco 2 sụt giảm mạnh, từ 2.196 tỷ đồng nửa đầu năm 2018 xuống còn 463 tỷ đồng. Các khoản chi phí đều tăng vọt là nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh thiếu tích cực của Genco 2 .

Cụ thể, trong khi doanh thu bán điện đạt 12.479 tỷ đồng, gần như không đổi so với cùng kỳ năm 2018 thì giá vốn lại tăng 14% (từ 9.563 tỷ đồng lên 10.920 tỷ đồng). Mức tăng giá vốn hơn 1.350 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp của Genco 2 giảm tới 48%, từ 3.004 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2018 xuống còn 1.558 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chi phí tài chính cũng tăng từ 543,8 tỷ đồng lên 832 tỷ đồng (tương ứng tăng 53%), chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 193 tỷ đồng lên 240 tỷ đồng (tương ứng tăng 24%).

Còn đối với Genco 3, doanh thu 6 tháng đầu năm ghi nhận 22.380 tỷ đồng, tăng trưởng 10%. Nhưng lợi nhuận ròng lại giảm 15%, từ 442 tỷ đồng xuống 376 tỷ đồng.

Hiện Genco 1 chưa công bố báo cáo tài chính bán niên 2019.

Gánh nặng các khoản nợ

Ngoài tình hình kinh doanh, tình hình vay nợ của các Genco cũng đặc biệt được chú ý. Bởi lẽ, chỉ tính riêng các khoản nợ vay của 3 Genco tính đến thời điểm 31/12/2018 đã lên đến 172.148 tỷ đồng, chiếm 42% tổng nợ vay của EVN và bằng quy mô tổng tài sản của một ngân hàng cỡ vừa ở Việt Nam.

Theo báo cáo của Genco 2, tính đến cuối quý II/2019, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của tổng công ty này là 30.387 tỷ đồng, gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu. Còn đối với Genco 3, con số này đã gấp 5,4 lần vốn chủ sở hữu, đạt 58.669 tỷ đồng. Chi phí lãi vay cũng là một nguyên nhân khiến lợi nhuận của các Genco chưa tương xứng với quy mô hoạt động.

Riêng số liệu cập nhật về nợ vay của Genco 1 vẫn chưa được công khai. Theo Nghị định số 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước, Genco 1 buộc phải công khai báo cáo tài chính trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của doanh nghiệp và cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư không muộn hơn ngày 15/8.

Tính đến cuối năm 2018, tổng nợ vay dài hạn và ngắn hạn của Genco 1 lên tới 79.326 tỷ đồng, gấp 3,4 lần vốn chủ sở hữu. Còn lợi nhuận ròng năm 2018 chỉ ở mức 321 tỷ đồng.

Chuyên đề