Doanh nghiệp bất động sản “mắc kẹt” ở hàng tồn kho

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại thời điểm cuối quý III/2024, tổng giá trị tồn kho của 15 doanh nghiệp bất động sản (BĐS) niêm yết là 301.799 tỷ đồng, tăng 2,09% so với cuối quý II/2024 và tăng 5,2% so với đầu năm 2024. Trong khi đó, dù ghi nhận có lợi nhuận nhưng dòng tiền kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lại âm.
Diễn biến tồn kho bất động sản của 15 doanh nghiệp niêm yết. Nguồn: Báo cáo tài chính doanh nghiệp - Đơn vị tính: tỷ đồng
Diễn biến tồn kho bất động sản của 15 doanh nghiệp niêm yết. Nguồn: Báo cáo tài chính doanh nghiệp - Đơn vị tính: tỷ đồng

Tồn kho tiếp tục gia tăng

Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) hiện là doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho cao nhất, với trên 145.000 tỷ đồng, chiếm 62,5% tổng tài sản. Tồn kho của Novaland chủ yếu ở các đại dự án như NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram và Aqua City. Đáng chú ý, tồn kho của Novaland tăng theo từng quý.

Lượng hàng tồn kho của các chủ đầu tư phía Nam cũng liên tục tăng cao theo từng quý. Đơn cử tại Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền, tồn kho cuối quý III/2024 tăng thêm 4,6% so với cuối quý trước và tăng 19,5% so với đầu năm nay, lên 22.450 tỷ đồng. Trong đó, các dự án đang xây dựng chiếm giá trị tồn kho lớn gồm: Khang Phúc - Khu dân cư Tân Tạo (6.650 tỷ đồng), Bình Trưng - Bình Trưng Đông (4.329 tỷ đồng), Đoàn Nguyên - Bình Trưng Đông (3.543 tỷ đồng)… Giá trị tồn kho của doanh nghiệp này chiếm tới 71% tổng tài sản.

Các doanh nghiệp khác có thể kể đến như Công ty CP Đầu tư Nam Long còn 20.303 tỷ đồng tồn kho, tăng 17% so với thời điểm đầu năm và chiếm 68% tổng tài sản; Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín tồn kho 4.016 tỷ đồng (tăng 9,6%); Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng tồn kho 7.865 tỷ đồng (tăng 20%)…

Số liệu thống kê về nhà ở và thị trường bất động sản quý III/2024 của Bộ Xây dựng cho thấy, lượng hàng tồn kho chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền có 25.937 sản phẩm, tăng 52% so với quý II/2024. Trong đó, lượng hàng tồn kho chung cư 4.688 căn, nhà ở riêng lẻ 12.250 căn, đất nền 8.999 nền.

Bộ Xây dựng cho biết, lượng hàng tồn kho trên là của dự án đủ điều kiện đưa vào giao dịch theo quy định của pháp luật nhưng chưa giao dịch trong kỳ báo cáo. Điều đáng chú ý, mặc dù tồn kho tăng mạnh, nhưng giá bán BĐS tại một số địa phương vẫn có xu hướng tăng, đặc biệt tại Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn.

Dòng tiền kinh doanh âm

Dù ghi nhận có lợi nhuận, nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp BĐS lại âm. Sau 9 tháng đầu năm 2024, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền âm 4.889 tỷ đồng, Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt âm 1.189 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư Nam Long âm 1.718 tỷ đồng, Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh âm 731 tỷ đồng, Công ty CP Tập đoàn C.E.O âm 137 tỷ đồng… Thực tế này phản ánh tình hình kinh doanh không tạo ra tiền của các doanh nghiệp BĐS.

Tình trạng trên có thể khiến các doanh nghiệp rơi vào rủi ro không đáp ứng được các nghĩa vụ đến hạn, đặc biệt khi đang phải gánh nhiều khoản nợ lớn. Thống kê của phóng viên Báo Đấu thầu cho thấy, tổng nợ vay của 15 doanh nghiệp BĐS niêm yết tại thời điểm cuối quý III/2024 ở mức 173.548 tỷ đồng, tăng 13,25% so với đầu năm 2024.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, dòng tiền của nhà đầu tư khoảng 140.000 tỷ đồng đang bị kẹt ở trái phiếu BĐS. Bên cạnh đó, nhiều dự án chưa được tháo gỡ pháp lý để người dân mua được. Cần phải giải quyết xong bài toán cung - cầu này, thị trường mới có thể bước sang các giai đoạn khởi sắc, ổn định.

Chuyên đề