Nợ công bao nhiêu không quan trọng bằng vay để làm gì, sử dụng ra sao. Ảnh: Lê Tiên |
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân gốc rễ của vấn đề nợ công là sử dụng nguồn vốn vay chưa hiệu quả, vay bao nhiêu không quan trọng bằng vay để làm gì, sử dụng ra sao.
Nợ công: Không kiểm soát quyền lực sẽ có vấn đề
Tại phiên thảo luận về Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) sáng qua, Bộ Tài chính cho rằng đang có sự chồng chéo trong việc quản lý nhà nước về vốn ODA và vốn vay ưu đãi giữa Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Một số ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (UBTCNS) cho rằng, đây là nguyên nhân dẫn đến quản lý nợ công không hiệu quả, đề nghị sửa đổi theo hướng giao Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối thực hiện chức năng quản lý nợ công, đại diện đàm phán, ký kết các hiệp ước vay nợ và quản lý tập trung các nguồn lực nợ công.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, các đầu mối quản lý vốn ODA như hiện nay không hề có mâu thuẫn, không chồng chéo, phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam. Hơn nữa, chức năng, nhiệm vụ quản lý ODA của các bộ không phải là nguyên nhân dẫn đến quản lý, sử dụng nợ công không hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng, bàn về nâng cao hiệu quả sử dụng, quản lý nợ công phải xem sai chỗ nào sửa chỗ đó, bàn từ gốc của vấn đề.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho rằng, NHNN đang làm rất tốt chức năng nhiệm vụ được giao liên quan đến đàm phán, ký kết vốn ODA với các tổ chức tài chính quốc tế (WB, ADB), được các tổ chức này đánh giá cao. Đại diện NHNN kiến nghị Thường vụ Quốc hội cân nhắc, xem xét sự thay đổi có cần thiết hay không, vì sao phải thay đổi?
Ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng, nếu làm mới, thống nhất đầu mối lại thì phải có tổng kết, đánh giá tác động một cách thận trọng, còn nếu không, tốt nhất là giữ nguyên.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu, Chính phủ đã thảo luận rất kỹ, chức năng quản lý như hiện nay là hợp lý. Mỗi cơ quan có chức năng nhiệm vụ khác nhau. Bộ Tài chính đang có chức năng rất lớn, quản lý chiến lược nợ công, xác định trần nợ công, giới hạn vay nợ quốc gia, nợ trong nước, nợ nước ngoài, bảo lãnh chính phủ… Còn sử dụng như thế nào, cho mục tiêu gì, dự án hạ tầng nào thì phải gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng của đất nước. Ngoài ra, phân chia nhiệm vụ, chức năng như hiện nay cũng tạo ra cơ chế kiểm soát quyền lực lẫn nhau. Bộ KH&ĐT và NHNN phối hợp giám sát công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính và ngược lại.
Giải quyết vấn đề từ gốc
Cũng đồng tình nợ công tăng nhanh thời gian qua là do điều hành, nhưng Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu đưa ra nguyên nhân gốc rễ là do việc sử dụng nợ công liên quan đến đầu tư kém hiệu quả. Giải quyết vấn đề này không phải do Luật Quản lý nợ công, mà chủ yếu là Luật Đầu tư công và một phần ở Luật Xây dựng.
Theo Thứ trưởng Đào Quang Thu, lúc trước đầu tư vượt quá khả năng của nền kinh tế, bây giờ 5 năm tới chỉ được 2 triệu tỷ đồng, trước kia vay nợ thoải mái, 5 năm tới Trung ương chỉ được vay nợ 300 ngàn tỷ đồng, kế hoạch đầu tư công trung hạn đã kiểm soát hết, không thể làm tăng nợ công nữa. Ngoài ra, theo quy định hiện hành, các bước làm tăng hiệu quả đầu tư dự án đã đầy đủ hơn, ví dụ như trước kia phê duyệt rất thoải mái, giờ phải có nguồn vốn mới được phê duyệt… Nếu thực hiện tốt Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng, bảo đảm hiệu quả từng dự án sử dụng nguồn vốn vay, sẽ giải quyết được vấn đề nợ công tăng nhanh, sử dụng vốn vay không hiệu quả.
Làm rõ hơn áp lực trả nợ đang đến từ khoản nợ nào, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện số liệu nợ của tổ chức tài chính quốc tế đa phương (WB, ADB) chỉ chiếm 8% tổng nợ công, trong khi nợ trong nước đang chiếm tỷ lệ lớn, ví dụ nợ trái phiếu chính phủ (TPCP) trong nước (36%), nợ các khoản Chính phủ bảo lãnh (20%). Các khoản vay ODA của WB và ADB đều là khoản vay dài hạn, sử dụng khá hiệu quả, không chịu áp lực ngắn hạn. Nợ ngắn hạn đa phần là nợ trong nước, chủ yếu là TPCP, thường xuyên phải phát hành để đảo nợ.
Trên những diễn đàn về vấn đề nợ công, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã chỉ ra vốn ODA, cũng như việc đi vay bao nhiêu không phải là nguyên nhân lớn gây áp lực nợ công. Chuyên gia của WB từng dẫn ví dụ về Nhật Bản, một nước nợ công tương đương đến 200% GDP, nhưng hiệu quả sử dụng vốn cao, kiểm soát tham nhũng tốt thì cũng không gây ra áp lực lớn, nhưng ngược lại có nước nợ công chỉ 30%, 50% GDP cũng có thể gây ra nguy cơ vỡ nợ.
TS. Bạch Ngọc Thắng, chuyên gia kinh tế trong nước, thì cho rằng, cơ cấu chi ngân sách nhà nước chưa hợp lý, chi thường xuyên chiếm tỷ lệ quá lớn cũng là nguyên nhân dẫn đến nợ công tăng. Kiểm soát và giảm được chi thường xuyên sẽ là một giải pháp quan trọng giúp kiểm soát thâm hụt NSNN và nợ công trong thời gian tới.