Niềm tin chiến thắng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những ngày cuối tháng 8, khi diễn biến dịch Covid-19 vẫn rất phức tạp, tin vui về quá trình thử nghiệm lâm sàng 3 loại vắc xin của Việt Nam càng thắp lên hy vọng về khả năng tự chủ vắc xin - một vũ khí quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay.
Người dân và Chính phủ đều chung một niềm tin chúng ta sẽ sớm có vắc xin Việt Nam và chiến thắng dịch bệnh trong một ngày không xa. Ảnh: VGP
Người dân và Chính phủ đều chung một niềm tin chúng ta sẽ sớm có vắc xin Việt Nam và chiến thắng dịch bệnh trong một ngày không xa. Ảnh: VGP

Dẫu thành quả thực tế còn ở phía trước, song đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu và sản xuất vaccine, người dân và Chính phủ đều chung một niềm tin chúng ta có thể sớm có được vắc xin Việt Nam và chiến thắng dịch bệnh trong một ngày không xa.

Những kết quả đáng khích lệ

Các kết quả nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 do Việt Nam sản xuất liên tục được công bố gần đây mở ra hy vọng lớn về khả năng tự chủ vắc xin của Việt Nam cũng như triển vọng tích cực về việc khống chế dịch bệnh dựa vào tiềm lực ngành y dược nước nhà.

Ngày 22/8 vừa qua, Hội đồng Đạo đức, Bộ Y tế tiếp tục thẩm định kết quả lâm sàng giữa kỳ giai đoạn 3a đối với vắc xin Nanocovax của Công ty Nanogen. Nhóm nghiên cứu kết luận vắc xin Nanocovax đạt yêu cầu về tính sinh miễn dịch, từ đó, kiến nghị tiếp tục thực hiện nghiên cứu pha 3b trên 12.000 tình nguyện viên đảm bảo an toàn, đúng tiến độ và đề xuất các cơ quan chuyên môn xem xét cấp phép khẩn cấp có điều kiện cho vắc xin Nanocovax.

Trung tướng, GS. TS. Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, đại diện đơn vị tham gia nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin Nanocovax chia sẻ: Quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã “truyền lửa”, nhiệt huyết cho các cơ quan, các nhà khoa học, đơn vị sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, quy định về mặt chuyên môn và khoa học, bảo đảm khách quan, trung thực trong nghiên cứu, đánh giá thử nghiệm.

Trước đó, ngày 19/8, vắc xin dự tuyển phòng bệnh Covid-19 bất hoạt mới (Covivac) được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Dự án Nghiên cứu thử nghiệm vắc xin Covivac của Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) trực thuộc Bộ Y tế được triển khai nghiên cứu từ tháng 5/2020, trên cơ sở hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế sản xuất vắc xin.

Từ phía đơn vị nghiên cứu, TS. Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC), đơn vị nghiên cứu, phát triển vắc xin Covivac cho biết, đến giai đoạn này, những kết quả trải qua và đạt được là sự khích lệ và tạo niềm tin để đi tiếp trong giai đoạn tới. Theo kế hoạch, trong tháng 9/2021, IVAC sẽ có đề cương chương trình thử nghiệm giai đoạn 3, trong đó cập nhật tình hình dịch bệnh và khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, sau đó xin ý kiến các nhà khoa học để hoàn thiện, trình Bộ Y tế xem xét, phê duyệt.

Cũng trong tháng 8, Trường Đại học Y Hà Nội đã khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin ARCT-154 phòng Covid-19 giai đoạn 1 cho 100 tình nguyện viên đến từ Hà Nội. Công nghệ của vắc xin thử nghiệm lâm sàng ARCT-154 là công nghệ mRNA của Arcturus, tương tự như công nghệ sản xuất vắc xin Pfizer, vắc xin Moderna đã được phê duyệt.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phát triển vắc xin phòng Covid-19 cho biết đây là vắc xin thứ 3 tiếp theo vắc xin Nanocovax, Covivac trong chuỗi kết quả của chủ trương nghiên cứu, nhận chuyển giao công nghệ vắc xin phòng ngừa Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ.

“Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, việc nghiên cứu và sản xuất thành công vắc xin phòng Covid-19 "made in Vietnam" an toàn, hiệu quả được xác định là một nhiệm vụ khoa học quan trọng giúp Việt Nam sớm tự chủ nguồn vắc xin và được quốc tế công nhận, sử dụng", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.

Về chủ trương nghiên cứu và sản xuất vắc xin trong nước, ông Dương Hữu Thái cho rằng, việc nghiên cứu phát triển một vắc xin phòng Covid-19 trong nước là cực kỳ cần thiết để có thể tự chủ, đảm bảo an ninh quốc gia về vắc xin. “Gần đây, các nhà khoa học trên thế giới còn xem xét về sự cần thiết tiêm thêm mũi 3, thậm chí là hàng năm. Do đó, làm sao để có thể chủ động và có đủ nguồn vắc xin tiêm phòng cho người dân, từ đó tăng miễn dịch cộng đồng là rất cấp bách, đòi hòi phải có sự nghiên cứu, sản xuất, phát triển vắc xin này”, ông Thái chia sẻ.

Trí tuệ, bản lĩnh, đồng lòng

Về quá trình nghiên cứu và sản xuất vắc xin phòng Covid-19, GS.TS Trần Văn Thuấn cho rằng, với sự tham gia, hướng dẫn của các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế, ngành y tế Việt Nam sẽ đạt được kết quả tốt trong nghiên cứu vắc xin phòng ngừa Covid-19, tiến tới sản xuất được các loại vắc xin với giá cả phải chăng, an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, việc thử nghiệm và đưa vào sản xuất vắc xin là không dễ dàng, đòi hỏi cả trí tuệ và bản lĩnh từ chủ trương đến thực hiện của cả đội ngũ khoa học, sự hợp tác tích cực từ các đối tác.

Theo ông Dương Hữu Thái, đây là một loại bệnh mới, virus mới nên việc phát triển vắc xin mới là không hề đơn giản. “Trên thế giới, hiện có hơn 200 vắc xin đang được nghiên cứu, phát triển, một số đang trong giai đoạn thí nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, giai đoạn 3; có khoảng 6 vắc xin được cấp phép khẩn cấp. Trong bối cảnh đó, cơ hội nghiên cứu, sản xuất, phát triển vắc xin là hoàn toàn có thể. Việt Nam là quốc gia đã tự chủ nhiều loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng từ nhiều năm nay, và là một trong những nước có hệ thống quản lý vắc xin (NRA) được Tổ chức Y tế thế giới công nhận ở cấp độ 2. Tại Việt Nam, hiện có nhiều tổ chức tham gia sản xuất vắc xin sử dụng công nghệ khác nhau và mức độ thành công cũng khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một quyết tâm, mong muốn phát triển vắc xin để sớm đẩy lùi dịch bệnh”, ông Thái chia sẻ.

Với vắc xin Covivac, ông Thái cho biết, IVAC đang nghiên cứu, sản xuất với mục tiêu là phát triển sản xuất vắc xin có chất lượng, đạt tính an toàn, tính sinh miễn dịch, có khả năng và hiệu quả bảo vệ với mức giá phù hợp phục vụ cho người dân.

“Chúng tôi có cơ sở về khoa học và thực tiễn để thực hiện điều này. Về cơ sở khoa học, vắc xin Covivac được phát triển dựa trên nền tảng công nghệ mà chúng tôi đã phát triển thành công vắc xin phòng cúm đại dịch, dựa trên sự hỗ trợ, đầu tư của Chính phủ, Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế trong thời gian qua. Hiện IVAC cung cấp 4 - 5 loại vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng. Chúng tôi có niềm tin và hy vọng việc phát triển sản phẩm này sẽ thành công trong tương lai gần”, ông Thái nói.

PGS. TS. Vũ Đình Thiểm, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng thuộc Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, các bên tham gia nghiên cứu và sản xuất vắc xin đang cố gắng hết sức mình để triển khai đúng quy trình nghiên cứu với tiến độ gấp gáp, khối lượng công việc cực kỳ lớn, đó là áp lực vô cùng lớn với đội ngũ, song cũng là nhiệm vụ và trách nhiệm với nhân dân.

“Điều khích lệ nhất là sự ủng hộ và nhiệt tình hết lòng của người dân, rất nhiều người sẵn lòng làm tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng. Chúng ta đều chung một mong muốn sớm có vắc xin Việt Nam để góp phần chống dịch hiệu quả. Với tất cả điều đó, cùng trí tuệ và năng lực của đội ngũ nghiên cứu, hoàn toàn tin tưởng Việt Nam có thể tự chủ được vắc xin Covid-19 trong thời gian tới. Ở khía cạnh khác, tất cả chúng ta cũng đều hiểu rằng, vắc xin phải đảm bảo an toàn, có hiệu quả bảo vệ dựa trên căn cứ khoa học cụ thể thì mới có thể đưa vào sử dụng”, ông Thiểm chia sẻ.

Chuyên đề