Năm 2025, Chính phủ đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7%, phấn đấu khoảng 8%. Ảnh: Lê Tiên |
Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển KTXH năm 2025 cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2024, dự kiến 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, tăng trưởng cả năm ước đạt trên 7%, việc tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược (về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực) đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, trong đó, thể chế pháp luật vẫn là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", nhất là quan điểm, quy trình, phương thức, phương pháp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đầu tư nguồn lực tài chính, con người cho công tác xây dựng pháp luật chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn...
Theo Thủ tướng, năm 2025, chúng ta phải "tăng tốc, bứt phá", tập trung phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KTXH của cả nhiệm kỳ 2021 - 2025; trong đó, năm 2025 đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7%, phấn đấu khoảng 8% để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế thực hiện kế hoạch năm 2026 và cả giai đoạn 2021 - 2030.
Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng nêu rõ nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2025. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế là "đột phá của đột phá"; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả… Đồng thời, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy, tạo đột phá cho những động lực tăng trưởng mới; huy động tối đa các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, điểm đáng chú ý của kinh tế Việt Nam từ năm 2025 là nền tảng về hội nhập quốc tế, nỗ lực thúc đẩy đầu tư công vào các hạ tầng chiến lược, sự quyết liệt trong thực thi các giải pháp hoàn thiện thể chế theo định hướng tạo nên “đột phá của đột phá”; cải cách tinh gọn bộ máy thực chất là thoái lui sự lấn sân, can thiệp thái quá của công quyền vào nền kinh tế và xã hội. Đây là tiền đề và động lực mạnh mẽ có thể tạo nên những đột phá về tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 và tạo đà tăng tốc mạnh mẽ trong những năm tới.
Trong đó, điều mà doanh nghiệp cần nhất là cải cách để ổn định thể chế, chính sách, tạo môi trường kinh doanh hiệu quả, phát huy tốt nhất năng lực của doanh nghiệp. Chẳng hạn, cách dùng một luật sửa nhiều luật như tại kỳ họp Quốc hội vừa qua chỉ nên là giải pháp tình thế để tháo gỡ nhanh những bất cập của pháp lý. Về lâu dài, cần hướng đến mục tiêu các đạo luật phải phù hợp với thực tiễn cuộc sống, hạn chế việc luật ra đời khó đi vào cuộc sống hoặc mới có hiệu lực đã phải sửa đổi. Mặt khác, theo ông Nguyễn Quốc Việt, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói chung cần được đánh giá toàn diện và đầy đủ, cũng như cần có sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là các bên tham gia bị ảnh hưởng bởi tác động của văn bản luật.
Về triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2025, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, nằm trong khu vực phát triển năng động và có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, Việt Nam đã và đang thích ứng, bắt nhịp nhanh với các xu thế phát triển mới của thế giới, lường đón và vượt qua thách thức. Dự báo kinh tế Việt Nam trong thời gian tới có nhiều cơ hội xen lẫn thách thức, rủi ro.
Năm 2024, dự kiến 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, tăng trưởng cả năm ước đạt trên 7%. Ảnh: Nhã Chi |
Ở góc nhìn tích cực, nhiều ý kiến nhận định, xu hướng số hóa, xanh hóa mang lại nhiều cơ hội đổi mới mô hình tăng trưởng, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới. Thị trường quốc tế và trong nước đang ngày càng rộng mở, mang lại cơ hội lớn cho sản xuất, tiêu dùng nhờ sự đa dạng hóa phương thức hợp tác trong chuỗi cung ứng, sự gia tăng tầng lớp trung lưu mang lại cơ hội lớn cho sản xuất, tiêu dùng trong nước, sự thay đổi hành vi, phương thức tiêu dùng theo hướng số hóa, xanh hóa…
Về thách thức, những điểm nghẽn chưa được giải quyết như: mô hình tăng trưởng kinh tế vẫn theo chiều rộng; cơ cấu nền kinh tế còn chưa hợp lý, dàn trải; khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn yếu; thách thức từ việc thực thi các hiệp định thương mại mới, nhất là sức ép cạnh tranh xuất nhập khẩu, thu hút vốn FDI trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được triển khai từ năm 2024 và xu hướng dịch chuyển vốn về các thị trường nội địa, các nước phát triển.
Theo TS. Cấn Văn Lực, nhằm khắc phục tồn tại hạn chế, đẩy mạnh tăng trưởng bền vững trong thời gian tới, cần có những bước tiến mạnh mẽ về hoàn thiện thể chế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực (đất đai, tài chính, công nghệ, nhân lực, hạ tầng, thị trường, các cơ chế ưu đãi, thông tin, dữ liệu, tiêu chuẩn, chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp, phát triển bền vững, thực hành ESG...).
Từ góc độ khác, tại Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa công bố, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán VNDirect giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 là 6,9% đồng thời cho rằng tăng trưởng GDP năm 2025 có thể chỉ đạt 6,6%. Lý do là thách thức có thể sẽ gia tăng trong năm tới, đặc biệt là nửa cuối năm 2025 nếu ông Donald Trump thúc đẩy thực thi chính sách bảo hộ thương mại.
Theo VNDirect, trước những áp lực từ bên ngoài, Việt Nam cần chuyển hướng, tập trung hơn vào các động lực tăng trưởng nội địa, bao gồm thúc đẩy tiêu dùng trong nước và đầu tư tư nhân, thông qua chính sách tài khóa mở rộng, đẩy mạnh đầu tư công và đẩy nhanh cải cách thể chế. Ngoài ra, dư địa chính sách tài khóa vẫn còn dồi dào do nguồn thu ngân sách nhà nước được cải thiện đáng kể trong năm 2024, cho phép Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa mở rộng như giảm thuế phí để hỗ trợ tiêu dùng nội địa. Trong đó, việc gia hạn chính sách giảm thuế VAT 2% trong nửa đầu năm 2025 là kịp thời và cần thiết.