Ảnh minh họa |
Thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh là hai lĩnh vực nhận được nhiều để cử tồi nhất. Cụ thể, có tới 41 đề cử quy định tồi liên quan đến thủ tục hành chính, chiếm 34%, và có 24 điều kiện kinh doanh bị các DN đề cử vào quy định tồi, chiếm 20%.
Các đề cử quy định tồi được DN nêu ra chủ yếu liên quan đến tính hợp lý, tính khả thi, chi phí tuân thủ, tính minh bạch, nguy cơ nhũng nhiễu… Danh sách đề cử nêu trên sẽ được gửi trước đến các bộ ngành liên quan để thu nhận những ý kiến phản hồi, giải trình sau đó sẽ được công bố để cộng đồng bình chọn lựa ra 10 quy định tốt và 10 quy định tồi được bình chọn nhiều nhất để được công bố cùng với báo cáo tổng thể về chất lượng các quy định pháp luật của Việt Nam.
Những quy định tồi nêu trên vẫn còn phải chờ đợi sự phán xét, tuy nhiên hàng ngày cộng đồng DN đang phải va chạm với muôn vàn những quy định làm khó DN cũng như cộng đồng doanh nhân.
Tại hội thảo rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết EVFTA về hải quan do Trung tâm WTO thuộc VCCI tổ chức ngày 10.3, PGS-TS Nguyễn Hoàng Ánh (ĐH Ngoại thương) đã cho rằng: Hiện có những cách hiểu sai lầm về môi trường pháp luật, và không có văn bản nào đánh giá công chức thực hiện tốt hay không tốt các văn bản quy định. Hậu quả là chính người dân, DN phải gánh chịu do cách hiểu sai lầm, do công chức thực hiện không tốt các văn bản quy định.
Chứng minh cho điều nêu trên bà Ánh dẫn chứng rằng Hải quan khi đặt nghi vấn, khi chưa có bằng chứng vi phạm đã cho rằng DN sai, và bắt DN phải có bằng chứng trong khi họ không phải chuyên gia văn bản. Ngược lại, “có cán bộ hải quan gây khó khăn làm thiệt hại hàng tỉ đồng, nhưng không ai chịu trách nhiệm. Công chức làm sai nhưng DN chịu mất mát. Do đó bên cạnh việc rà soát pháp luật cần có khoá đào tạo để công chức hiểu như thế nào là làm việc chuyên nghiệp, cần có văn bản quy trách nhiệm cán bộ, công chức hải quan”.
Mới đây, tại buổi họp của Tổ công tác thi hành Luật DN, các chuyên gia đã “mổ xẻ” Nghị định số 73/2012/NĐ-CP ngày 26.9.2012 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Tại khoản 1 điều 24 đã quy định: “Các trường quốc tế chỉ được tuyển tối đa 20% học sinh Việt Nam (trường trung học phổ thông không quá 20%, trường tiểu học và trung học cơ sở không quá 10%) là điều “quá phi thực tế”, dẫn tới việc sẽ không một trường danh tiếng nào trên thế giới muốn đến mở lớp học ở Việt Nam, bởi lấy đâu ra học sinh nước ngoài học ở Việt Nam nhiều đến như thế. Còn học sinh người Việt thì không được vào học.
Đã vậy, quy trình thủ tục mở trường theo nghị định này là… “cực kỳ sách nhiễu”. Cụ thể, dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo muốn mở được ở VN phải có 3 loại giấy phép: Giấy phép đầu tư, Giấy phép thành lập, và Giấy phép hoạt động. Quy định này cũng được áp dụng cho cả trường hợp thành lập chi nhánh của một tổ chức đã được cấp phép. Theo đó có rất nhiều thủ tục giấy tờ lặp đi lặp lại trong các quá trình và yêu cầu đánh giá của nhiều cục, vụ liên quan. Điều này dẫn đến việc lãng phí thời gian cho các nhà đầu tư cũng như các tổ chức và các cơ quan cấp giấy phép.
Cụ thể, Giấy chứng nhận đầu tư đòi hỏi phải có sự tham gia của 7 phòng ban - cơ quan chính phủ; Giấy phép thành lập đòi hỏi sự tham gia của 3 cơ quan chính quyền; còn Giấy phép hoạt động đòi hỏi sự chấp thuận của Sở GDĐT...
Vậy thì tiêu chí về 10 quy định tồi nhất xem chừng là còn quá ít so với những điều bất cập hiện đang hàng ngày làm khó DN.