Những câu chuyện đấu thầu ấn tượng năm 2020

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2020 ghi nhận một số điểm nhấn trong hoạt động đấu thầu trên cả nước. Trong đó, bên cạnh những dấu ấn để lại nhiều cảm xúc tốt đẹp, cũng có nhiều tiếc nuối tại những dự án lớn.
Gói thầu số 1XL-HB Thi công xây lắp công trình thủy điện Hòa Bình mở rộng thuộc Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng được đấu thầu qua mạng với giá lên tới hơn 3.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Gói thầu số 1XL-HB Thi công xây lắp công trình thủy điện Hòa Bình mở rộng thuộc Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng được đấu thầu qua mạng với giá lên tới hơn 3.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

1. Gói thầu quy mô lớn có thời gian lựa chọn nhà thầu nhanh

Một trong những ấn tượng đẹp của công tác đấu thầu năm 2020 là việc lựa chọn nhà thầu cho 13 gói thầu xây lắp nghìn tỷ của Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông đã diễn ra một cách nhanh chóng, đồng bộ và bài bản. Ngày 27/7/2020, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP triển khai Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung điều chỉnh các dự án, xây dựng hồ sơ mời thầu. Trong tháng 8/2020, hồ sơ mời thầu 13 gói thầu xây lắp thuộc 3 dự án thành phần được chuyển đổi phương thức đầu tư từ đối tác công tư sang đầu tư công (đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Dầu Giây và Mai Sơn - Quốc lộ 45) đã được phát hành rộng rãi tới cộng đồng nhà thầu trong nước. Ngày 4/9/2020, nhiều gói thầu đã được đóng/mở thầu. Ngày 30/9/2020 (sau 26 ngày), cả 3 dự án thành phần này đã khởi công những gói thầu đầu tiên.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, trung bình thời gian lựa chọn nhà thầu cho mỗi gói thầu xây lắp chỉ từ 20 - 25 ngày, trong khi đây là những gói thầu có quy mô hàng nghìn tỷ đồng, cấu trúc phức tạp (tổng giá 13 gói thầu xây lắp lên tới 20.860 tỷ đồng).

Cùng với đó, 13 gói thầu tư vấn giám sát và 13 gói thầu bảo hiểm liên quan cũng được đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu để đảm bảo triển khai đồng bộ với các gói thầu xây lắp, cán đích thời hạn khởi công vào ngày 31/12/2020 và triển khai thực hiện toàn bộ các gói thầu xây lắp của 3 dự án thành phần được chuyển đổi sang đầu tư công.

2. Gói thầu xây lắp hơn 3.000 tỷ đồng được tổ chức đấu thầu qua mạng

Ghi nhận trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, gói thầu xây lắp có giá dự toán 3.108,5 tỷ đồng đã được tổ chức đấu thầu qua mạng thành công. Đó là Gói thầu số 1XL-HB Thi công xây lắp công trình thủy điện Hòa Bình mở rộng thuộc Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, phát hành hồ sơ mời thầu qua mạng từ ngày 8/10 - 16/11/2020. Gói thầu được tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ. Bên mời thầu là Ban Quản lý dự án điện 1, Chi nhánh Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Thời gian thực hiện hợp đồng là 45 tháng.

Gói thầu được mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật qua mạng với sự tham dự của 3 nhà thầu gồm: Liên danh Tổng công ty Sông Đà - Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Tổng công ty Lắp máy Việt Nam; Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Lilama 10 - Công ty CP Xây dựng 47; Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 18 - Công ty CP Licogi 10 - Công ty CP Lilama 45.1 - Công ty CP Licogi 13.

Kết quả, Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Lilama 10 - Công ty CP Xây dựng 47 trúng thầu với giá 2.923,4 tỷ đồng, tỷ lệ giảm giá đạt 1,25% - một con số tiết kiệm không nhỏ so với một gói thầu xây lắp có giá trị lớn.

Ngày 10/1/2021, Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng đã được khởi công dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Tiến độ thi công được Liên danh nhà thầu trúng thầu đề xuất là 44 tháng kể từ ngày khởi công, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2024.

3. Gói thầu thu hút 26 nhà thầu tham dự

Khảo sát 71.249 thông báo mời thầu đã được mở thầu qua mạng năm 2020 cho thấy, có rất nhiều gói thầu đã thu hút hàng chục nhà thầu tham dự.

Cụ thể, tại Gói thầu số 22DH Cung cấp lọc tách dầu máy nén khí Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 (gói thầu hàng hóa) do Công ty Nhiệt điện Duyên Hải - Chi nhánh Tổng công ty Phát điện 1 mời thầu, có 26 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT). Nhà thầu có giá dự thầu thấp nhất chỉ bằng 32,3% giá gói thầu.

Trong lĩnh vực xây lắp, Gói thầu Sửa chữa nhà thực hành thuộc Kế hoạch sửa chữa tài sản năm 2020 do Trường Đại học Tài chính - Kế toán mời thầu, đã có 22 nhà thầu nộp HSDT, trong đó 13 nhà thầu có thư giảm giá đính kèm HSDT, giá trị giảm giá so với giá dự thầu từ 2 - 30%. Nhà thầu trúng thầu có tỷ lệ giảm giá là 23% so với giá gói thầu.

Gói thầu 8a Đấu thầu tập trung tư vấn kiểm toán do Công ty Điện lực Thái Nguyên - Chi nhánh Tổng công ty Điện lực miền Bắc mời thầu thu hút sự tham dự của 14 nhà thầu. Kết quả, giá trúng thầu giảm 78,4% so với giá dự toán.

Gói thầu In ấn sách Hướng dẫn điều trị sản phụ khoa tập 1 và tập 2 do Bệnh viện Hùng Vương làm bên mời thầu đã có 17 nhà thầu tham dự. Nhà thầu trúng thầu có tỷ lệ giảm giá là 48,3% so với giá gói thầu.

Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 đạt 93% khối lượng nhưng đang phải tạm ngưng thi công do nhiều vướng mắc

Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 đạt 93% khối lượng nhưng đang phải tạm ngưng thi công do nhiều vướng mắc

4. Nhiều gói thầu có tỷ lệ giảm giá sau đấu thầu cao

Năm 2020, trên cả 4 lĩnh vực xây lắp, hàng hóa, tư vấn, dịch vụ phi tư vấn đều xuất hiện những gói thầu thu hút số lượng lớn nhà thầu tham gia cạnh tranh với tỷ lệ giảm giá cực kỳ ấn tượng.

Trong lĩnh vực xây lắp, Gói thầu XL02-TDA10 Thi công nạo vét 6 kênh chính và 11 kênh nhánh thuộc Tiểu dự án 10 Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng sinh thái, nâng cao sinh kế, thích ứng biến đổi khí hậu ở huyện Hòa Bình, Đông Hải và TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu (giá gói thầu 206,791 tỷ đồng) thu hút 8 nhà thầu nộp HSDT. Kết quả đánh giá tài chính cho thấy, 8 nhà thầu chào giá vô cùng cạnh tranh với tỷ lệ giảm giá sát nhau, tương ứng 35,2%, 34%, 27,6%, 26,2%... Với tỷ lệ giảm giá cao nhất 39%, Liên danh Công ty CP Kỹ thuật xây dựng biển - Công ty CP Xây dựng và Thương mại dịch vụ 555 trúng thầu với giá 126,128 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực mua sắm hàng hóa, nhắc đến cạnh tranh cao, giảm giá tốt, không thể không nhắc tới những gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị ngành điện. Đơn cử, tháng 2/2020, Tổng công ty Điện lực miền Trung công bố kết quả lựa chọn nhà thầu 5 gói thầu mua sắm máy biến áp phụ tải trong cùng một dự toán. Theo đó, mỗi gói thầu thu hút 5 nhà thầu tham dự, với tỷ lệ giảm giá đạt trên 50% tại cả 5 gói thầu.

Dịch vụ phi tư vấn là lĩnh vực có số gói thầu đạt tỷ lệ giảm giá ấn tượng nhất. Đó là Gói thầu 01.CCBH-2020 Cung cấp bảo hiểm 7 công trình đầu tư xây dựng năm 2020 của Công ty Điện lực Thanh Trì. Gói thầu có giá 238,249 triệu đồng, thu hút sự tham dự của 7 nhà thầu. Kết quả, Tổng công ty CP Bảo hiểm Bưu điện trúng thầu với giá 17,9 triệu đồng, giảm đến 92% so với giá gói thầu. 6 nhà thầu còn lại đồng loạt dự thầu với những mức giá không kém phần cạnh tranh, dao động từ 23 triệu đồng đến 64 triệu đồng.

Đối với lĩnh vực tư vấn, thống kê cho thấy, gói thầu đạt tỷ lệ giảm giá cao nhất lên đến 85%. Đó là Gói thầu 8b Đấu thầu tập trung tư vấn kiểm toán (giá gói thầu 1,013 tỷ đồng) do Công ty Điện lực Thái Nguyên làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu. Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn tài chính Châu Á với giá dự thầu 156 triệu đồng, tương đương với tỷ lệ giảm giá 85% đã vượt 11 đối thủ còn lại để trúng thầu.

5. Nhiều dự án “khủng” dính tai tiếng, lận đận

Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên): Từ chậm tiến độ vì Covid-19 đến sự cố rớt gối cầu

Dự án Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), với tổng mức đầu tư hơn 43.757 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác cuối năm 2021. Tuy nhiên, cuối tháng 10/2020, sự cố rơi gối cao su dầm cầu cạn tại Gói thầu CP2 được Chủ đầu tư đánh giá là nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ, chất lượng của Dự án. Sau hơn 3 tháng, kết luận cuối cùng về sự cố này vẫn chưa được công bố chính thức.

Trước đó, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm gián đoạn việc nhập cảnh của các chuyên gia và nguồn cung vật liệu cho công trình. Đây có thể nói là dự án điển hình chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch năm 2020.

Dự án ngăn triều TP.HCM: Ngổn ngang trăm mối

Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1, quy mô 10.000 tỷ đồng do Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công vào tháng 6/2016, với 8 hạng mục chính, trong đó có 6 cống ngăn triều: Bến Nghé, Cây Khô, Mương Chuối, Phú Định, Phú Xuân, Tân Thuận, cùng các tuyến đê kè và hệ thống SCADA.

Do chưa được ký kết phụ lục hợp đồng BT gia hạn thời gian hoàn thành Dự án (đã hết hạn từ ngày 26/6/2020), nên nguồn vốn của Dự án (do Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn) sẽ không thể gia hạn thời gian giải ngân (đã hết hạn từ ngày 31/8/2020). Dự án có nguy cơ tạm ngừng thi công. Theo đại diện Trung Nam Group, đến nay Dự án đã đạt 93% khối lượng nhưng đang phải tạm ngưng thi công do nhiều vướng mắc.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Gần 40 cán bộ vướng lao lý

Dự án cao tốc đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 139,2 km vừa hoàn thành đã xuất hiện tới 291 vị trí hư hỏng, ổ gà, ổ voi phải sửa chữa, khắc phục trong thời gian qua, diện tích mặt đường cao tốc hư hỏng khoảng 1.663 m2.

Theo Bộ Công an, Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan đã không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng công trình, không bảo đảm tiêu chuẩn, yêu cầu thiết kế dự án được duyệt, dẫn đến công trình hư hỏng khi vận hành khai thác.

Kết quả điều tra xác định, chất lượng công trình xây dựng 7/7 gói thầu thuộc giai đoạn 1 của Dự án từ nền, móng, mặt đường đều không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật là nguyên nhân gây hư hỏng công trình. Đến nay, Bộ Công an đã khởi tố gần 40 lãnh đạo, cán bộ, kỹ sư liên quan.

Kết luận của Bộ Công an cho thấy, lỗ hổng lớn nhất trong thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là vốn dĩ các gói thầu được giao cho các nhà thầu nước ngoài có năng lực như: Công ty OHL (Tây Ban Nha) thi công Gói thầu số 7; Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) thi công các gói thầu A1 và A4; Liên danh Tập đoàn Sơn Đông - Giang Tô (Trung Quốc) thi công các gói thầu A2, A3; Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) thi công Gói thầu A5. Tuy nhiên, sau khi trúng thầu, các đơn vị này không trực tiếp thi công mà thuê rất nhiều thầu phụ Việt Nam làm các hạng mục chính, quan trọng của Dự án.

Chuyên đề