Nhiều trở lực tăng trưởng kinh tế cần hóa giải

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm đã đạt kết quả khả quan song vẫn còn một số điểm hạn chế từ nội tại của nền kinh tế cũng như rủi ro từ bên ngoài. Do đó, cần có các kịch bản ứng phó phù hợp trong ngắn hạn cùng với các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng bền vững.
Cần có giải pháp hiệu quả để tăng cường nội lực cho doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: Nhã Chi
Cần có giải pháp hiệu quả để tăng cường nội lực cho doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: Nhã Chi

Tiếp tục chương trình Phiên họp 16, ngày 11/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ: “Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm cao, song không nên chủ quan vì còn một số điểm cần lưu ý. Đó là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội thấp hơn so với mục tiêu; triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế; các gói hỗ trợ thực hiện còn chậm, gói hỗ trợ lãi suất qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân rất thấp; xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại…”.

Phát biểu tại cuộc họp, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH Nguyễn Thị Thanh cho rằng, mặc dù được quốc tế đánh giá rất ấn tượng, song rủi ro suy giảm kinh tế và bất ổn tài chính thế giới vẫn đang hiện hữu có thể ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.

“Thời gian tới, cần tiếp tục kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững làm căn cứ đưa ra định hướng chính sách. Cần tính toán, đo lường kịch bản lạm phát để có các giải pháp phù hợp, ổn định giá trị đồng nội tệ và thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu để bảo đảm duy trì cán cân thương mại”, bà Thanh khuyến nghị.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, năm 2023 tình hình quốc tế và trong nước còn nhiều khó khăn, không thể chủ quan lơ là, phải kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tận dụng các dư địa chính sách để nhanh chóng phục hồi và phát triển, các giải pháp phải tập trung cả vấn đề ngắn hạn lồng ghép với mục tiêu dài hạn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, những tháng cuối năm 2022 và sang năm 2023 tình hình giải ngân vốn đầu tư công sẽ được cải thiện mạnh mẽ hơn với sự ủng hộ của Quốc hội, sự quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương… Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặc biệt quan tâm triển khai thực sự hiệu quả để phục hồi nhanh tăng trưởng kinh tế.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Có thể lạc quan về con số tăng trưởng của cả năm nay song không nên chủ quan và chạy theo thành tích về con số. Chính phủ cần kiên định các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, khoan thư sức dân và doanh nghiệp, đồng thời chú trọng các giải pháp tăng trưởng bền vững”.

Trước hết, Chính phủ cần tiếp tục có giải pháp hiệu quả để Việt Nam nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, phải đánh giá lại chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài về cả lượng và chất để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đồng hành với doanh nghiệp trong nước, kết nối và nâng cao hơn nữa phần giá trị tham gia của Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần thấu suốt, khu vực tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, tạo sự bình đẳng, công khai, minh bạch chính sách và tiếp cận nguồn lực dành cho khu vực kinh tế tư nhân và hộ kinh doanh, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mặt khác, việc đầu tư nâng cao chất lượng nguồn lao động rất quan trọng, bao gồm việc đầu tư cho dạy nghề và giáo dục đại học.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng gây ảnh hưởng tới những nước chú trọng sản xuất, trong đó có Việt Nam. Đáng chú ý, gần 55% nguyên liệu thô và phụ kiện của Việt Nam dùng trong dệt may và da giày được nhập khẩu từ Trung Quốc. Do đó, chừng nào Trung Quốc còn theo đuổi chiến lược “zero COVID”, kéo theo tình trạng tắc nghẽn nguồn cung ứng và logistics thì Việt Nam còn gặp khó khăn.

Theo ông Alain, Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng cao trong thời gian tới với động lực chính là lực lượng 56 triệu lao động trẻ, năng động và ngày càng am hiểu công nghệ. Ông Alain cũng khuyến nghị, Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh nhằm thu hút đầu tư, chia sẻ kiến thức và chuyển giao công nghệ. Để làm được điều đó, cần hết sức ưu tiên cải thiện khuôn khổ pháp lý, giảm thủ tục hành chính và tăng ưu đãi cho doanh nghiệp.

Chuyên đề