Ảnh Internet |
Lãi suất huy động rục rịch tăng
Mặt bằng lãi suất huy động nhích nhẹ tại khá nhiều ngân hàng thương mại, chủ yếu vẫn tập trung ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) có quy mô vừa và nhỏ. Maritime Bank tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn 1 và 2 tháng, từ mức 5,05% lên 5,2%/năm; Oceanbank tăng lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 11 tháng, 12 tháng lên mức 7,3%/năm; OCB tăng lãi suất huy động lên cao nhất ở mức 7,8%...
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định, nguyên nhân lãi suất huy động tăng là do một số thay đổi về cho vay tại Thông tư số 06/2016/TT-NHNN có hiệu lực từ 1/1/2017. Quy định giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống 50% từ 1/1/2017 và từ 1/1/2018 xuống 40% khiến các ngân hàng phải cân đối, sắp xếp lại cơ cấu nguồn vốn, đẩy lãi suất huy động vốn trung, dài hạn lên cao hơn để đáp ứng nhu cầu vốn cho vay trung, dài hạn.
Ngoài ra, nguyên nhân lãi suất huy động tăng, theo ông Nguyễn Xuân Bình, Trưởng Bộ phận nghiên cứu vĩ mô của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), do thanh khoản hệ thống ngân hàng không quá dư thừa. Áp lực lạm phát tăng ngay trong 2 tháng đầu năm (tổng mức tăng là 0,7%) cũng là nhân tố buộc các ngân hàng phải xem xét điều chỉnh biểu lãi suất khi kỳ vọng của người gửi tiền thay đổi. Nhân tố tiếp theo chính là áp lực bên ngoài đến từ lộ trình tăng lãi suất của FED. Dự kiến sau quyết định tăng ngày 15/3 vừa qua, FED sẽ có thêm 2 lần tăng lãi suất trong năm nay và 3 lần nữa trong năm 2018. Nếu trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ trong nước vẫn duy trì ở mức 0%, rất có thể dòng kiều hối và đầu tư gián tiếp sẽ có sự đảo chiều ở mức nhất định. Hệ quả là tỷ giá sẽ lại biến động và nếu muốn ngăn điều này xảy ra, lãi suất tiền đồng phải ở mức đủ hấp dẫn để người gửi tiền vẫn nắm giữ VND bất chấp biến động tỷ giá.
Bên cạnh những nguyên nhân nêu trên, TS. Cấn Văn Lực chỉ ra thêm các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để chuẩn bị nguồn vốn tiếp tục cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 18%.
Bài toán ổn định lãi suất cho vay
Còn theo ông Nguyễn Trí Hiếu, lãi suất cho vay trong thời gian tới chịu nhiều áp lực tăng với mức tăng khoảng 1%. Cơ sở cho dự báo này, theo ông Hiếu, là việc tăng lãi suất huy động cho vay trung, dài hạn có thể diễn ra ở nhiều ngân hàng hơn, đẩy mặt bằng lãi suất huy động lên cao, dẫn đến gây sức ép đến lãi suất cho vay. Ngoài ra, việc điều chỉnh hệ số rủi ro các khoản cho vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200% làm cho quy mô về cho vay bất động sản bị thu hẹp. Để tiếp tục cho vay bất động sản, ngân hàng có 2 cách, hoặc là tăng vốn chủ sở hữu, hoặc là thu hẹp quy mô hoạt động tín dụng lại để đáp ứng được điều kiện an toàn vốn 9%. Trong cả 2 trường hợp trên đều giới hạn tín dụng lại, các ngân hàng phải đẩy lãi suất cho vay lên để họ có lời.
Muốn giảm lãi suất, theo ông Hiếu, chỉ dựa vào chính sách tiền tệ là không đủ, mà phải cả phụ thuộc vào chính sách tài khóa. Để bù đắp thiếu hụt về chi NSNN, Chính phủ phát hành lượng lớn trái phiếu chính phủ với hệ số rủi ro gần như bằng không, tính thanh khoản và lãi suất cao. Chính phủ cần điều chỉnh giảm lãi suất trái phiếu thấp hơn. Đồng thời điều chỉnh chi tiêu ngân sách, thắt chặt kỷ luật tài khóa.
Ở chiều tác động khác, dù lãi suất huy động tăng nhưng theo TS. Cấn Văn Lực, lãi suất cho vay khó tăng, bởi vì các ngân hàng thương mại phải thực hiện theo chỉ đạo chung của Chính phủ là ổn định mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất trung, dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp và Ngân hàng Nhà nước cũng đang có nhiều giải pháp điều hành để thực hiện chỉ đạo này. “Ngân hàng thương mại có muốn tăng cũng không được. Điều này sẽ ảnh hưởng một phần đến lợi nhuận tín dụng của ngân hàng trong năm nay”, ông Lực nhận định.