Ảnh minh họa. |
Nhìn về hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong công tác đấu thầu, đầu tư hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, đang tồn tại nhiều hạn chế, bất cập.
Những bất cập, hạn chế
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong đấu thầu, đầu tư của Việt Nam còn thấp, nếu không được cải thiện sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế thời gian tới. Kết quả kiểm toán năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, vẫn còn không ít dự án sử dụng vốn nhà nước lập quy hoạch không phù hợp dẫn đến phải điều chỉnh; công tác khảo sát, lập và phê duyệt dự án đầu tư không tuân thủ quy định, không hợp lý dẫn đến phải điều chỉnh quy mô, tăng tổng mức đầu tư. Đơn cử như: Dự án Xây dựng Nhà máy Xi măng Sông Thao phải điều chỉnh 4 lần, từ 1.036,4 tỷ đồng lên 1.797,2 tỷ đồng (tăng 73,4%). Dự án Xây dựng đường nối từ Sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân điều chỉnh từ 4.956,2 tỷ đồng lên 6.742,3 tỷ đồng (tăng 36%). Dự án Trung tâm hành chính TP. Đà Nẵng điều chỉnh từ 880 tỷ đồng lên 2.131,3 tỷ đồng (tăng 142%). Dự án Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật Trung tâm hành chính - chính trị tỉnh Hòa Bình tăng 173,2%...
Ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, việc để xảy ra tình trạng không ít gói thầu/dự án chậm tiến độ có lỗi rất lớn của chủ đầu tư. Theo ông Cận, trên thực tế, bên cạnh nhiều chủ đầu tư/bên mời thầu nghiêm túc thực hiện pháp luật về đấu thầu, vẫn còn không ít chủ đầu tư không thực hiện nghiêm túc. Hiện tượng chủ đầu tư/bên mời thầu, tư vấn không làm hết trách nhiệm, “đồng lõa” vẫn đang làm giảm hiệu quả công tác đấu thầu. Ông Cận viện dẫn, những phản ánh trên Báo Đấu thầu thời gian qua về những hiện tượng như cướp hồ sơ dự thầu, hồ sơ mời thầu không được bán rộng rãi, chỉ bán cho nhà thầu “ruột”… cho thấy ý thức trách nhiệm kém của chủ đầu tư. “Nếu chủ đầu tư nghiêm túc, sẽ không thể có chuyện đó”, ông Cận khẳng định.
Không chỉ chậm tiến độ, đội vốn đầu tư, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải xem lại năng suất lao động trong công tác đấu thầu. “Có 3-4 cán bộ cùng tham gia soạn một văn bản trong thời gian 4-5 ngày, nhưng cuối cùng lãnh đạo vẫn không hài lòng. Trong khi đó, để viết lại văn bản, lãnh đạo ấy chỉ cần có 5 phút” - một chuyên gia nhận xét.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2015 cũng chỉ ra, hiện năng lực của nhiều chủ đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều chủ đầu tư tuy có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu, nhưng việc đào tạo chỉ là hình thức, dẫn đến chưa nắm vững quy trình, thủ tục trong công tác đấu thầu, nên khi có tình huống xảy ra thì lúng túng, không biết cách xử lý, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
Khắc phục bằng cách nào?
Bên cạnh đó, ông Cận cho rằng, trong đấu thầu, đầu tư, cần ưu tiên áp dụng hợp đồng trọn gói. Trên thực tế,vẫn thường áp dụng hợp đồng theo đơn giá cố định hoặc hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh ở những công trình có tính phức tạp không cao, thời gian thực hiện ngắn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới đội giá công trình như vừa qua. “Để khắc phục tình trạng này, cần tăng cường áp dụng hợp đồng trọn gói”, ông Cận đề nghị.
Đại diện một cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu cũng kiến nghị, cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đấu thầu, bởi đây là một trong những nhân tố đảm bảo hiệu quả của công tác này.