Nhiều dự cảm sáng cho nền kinh tế 2018

(BĐT) - 2018 – năm bản lề của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, đã bắt đầu trong không phí đầy hứng khởi từ kỳ tích của nền kinh tế năm 2017. Đang có nhiều tín hiệu, nhiều cơ sở để kinh tế 2018 tiếp tục có một năm tươi sáng, đạt được những kỳ vọng đặt ra.
Động lực cho tăng trưởng năm 2018 sẽ tiếp tục đồng đều ở cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Ảnh: Lê Tiên
Động lực cho tăng trưởng năm 2018 sẽ tiếp tục đồng đều ở cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Ảnh: Lê Tiên

Dự báo tích cực

Ngay ngày đầu tiên của năm mới 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Nhiều giải pháp được Chính phủ đưa ra để đạt mục tiêu kép tăng trưởng nhanh và bền vững. Trong đó, phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,7%, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

Trước đó, trong tháng cuối cùng của năm 2017, liên tiếp những dự báo về tăng trưởng kinh tế năm 2018 của Việt Nam được các tổ chức trong và ngoài nước công bố với nhận định khá tích cực.

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trong Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính năm 2017 dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 sẽ tiếp tục duy trì tốc độ 6,5% - 6,8% nhờ khu vực tư nhân khởi sắc mạnh và là động lực quan trọng. Nếu các chính sách từ phía cung phát huy hiệu quả tích cực thì tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt mức 6,8%. Trong khi đó, nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô sẽ được tạo điều kiện thuận lợi do yếu tố giá hàng hóa thế giới ít biến động, tỷ giá ổn định. Lạm phát có thể tiếp tục được kiểm soát ở mức dưới 5%.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương còn khẳng định, tiềm lực của Việt Nam có thể tăng trưởng đạt 8 - 9% thay vì “loay hoay” với mức 6 - 7% như hiện nay. Còn nhiều dư địa cho tăng trưởng như cải thiện khu vực kinh tế nhà nước, giải ngân đầu tư công, phát triển kinh tế tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI),... đều có thể phát huy, chỉ cần chính sách đúng là có thể đạt tăng trưởng cao hơn.

Những dự báo này cũng phù hợp với nhiều nhận định của các tổ chức quốc tế. Ngân hàng ANZ dự báo, năm 2018, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 6,8%. Lạm phát, lãi suất được giữ ổn định ngang bằng như năm 2017. Tỷ giá VND/USD sẽ khá ổn định và mất giá ở mức độ thấp nhờ được hỗ trợ bởi cán cân thương mại thặng dư, chính sách tăng dự trữ ngoại hối.

Trong một báo cáo công bố ngày 13/12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam cao hơn so với dự báo trước đó. ADB dự báo tăng trưởng năm 2018 của Việt Nam đạt 6,7%, thay vì mức 6,5% như dự báo trước. Theo ADB, mức tăng trưởng được nâng cao do xuất phát từ sự phục hồi của nông nghiệp, lĩnh vực chế biến và đặc biệt là sự đóng góp của ngành du lịch.

Các nhà kinh tế học tại Bloomberg cũng đánh giá Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm sáng tăng trưởng trong số các nền kinh tế Đông Nam Á, trong khi khu vực này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.               

Cơ sở cho kỳ vọng

Trong Nghị quyết 01/NQ-CP năm nay, Chính phủ đã xác định phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Theo nhiều chuyên gia, các giải pháp chính sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2018 đã có, quan trọng nhất là ở thực thi chính sách. Với phương châm này, Chính phủ xác định nâng cao hiệu lực thực thi chính sách, để không còn chuyện trên “nóng” dưới thờ ơ, và nếu việc thực thi chính sách hiệu quả hơn, chắc chắn sẽ tạo thêm sức bật cho tăng trưởng.

Nghị quyết 01/NQ-CP đề ra 4 trọng tâm trong chỉ đạo điều hành và 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, hướng đến giải bài toán kép tăng trưởng nhanh và bền vững; tăng trưởng cao đi đôi với nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh, dành nguồn lực cho tái cơ cấu nền kinh tế, cải thiện thực hiện ba đột phá chiến lược,...

Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP.HCM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đánh giá, động lực cho tăng trưởng năm 2018 sẽ tiếp tục đồng đều ở cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, chính sách mới sẽ tạo ra những động lực tăng trưởng mới. Đó là việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM sẽ tạo ra sức bật mới cho đầu tàu kinh tế của cả nước, từ đó đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng chung của cả nước. Nếu kỳ họp tới, Quốc hội thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thì bên cạnh hai đầu tàu kinh tế TP.HCM và Hà Nội, sẽ có thêm các cực tăng trưởng mới, tạo thêm động lực cho tăng trưởng.

Bên cạnh đó, làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được kỳ vọng tiếp tục duy trì trong năm 2018. ANZ đánh giá Việt Nam đang là thỏi nam châm hút dòng vốn FDI nhờ sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh trong năm 2017 và dự báo tiếp tục tăng trưởng cao trong thời gian tới. Điểm nhấn của Việt Nam trong hút vốn FDI không chỉ là chính sách ưu đãi, mà Chính phủ ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do và đầu tư cho giáo dục. GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài dự báo, làn sóng FDI sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa nếu Chính phủ tiếp tục duy trì, thực hiện mạnh mẽ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. 

Các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thể chế tiếp tục được đẩy mạnh, các luật có hiệu lực trong năm 2018 sẽ tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được kỳ vọng sẽ tạo bệ phóng cho khu vực kinh tế tư nhân – một động lực tăng trưởng quan trọng.

Chuyên đề