Nhiều dự án BOT giao thông đứng trước nguy cơ “vỡ trận”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đại diện doanh nghiệp Dự án BOT cầu Văn Lang đã thốt lên rằng Dự án chạy 100 năm cũng không đủ hoàn vốn. Đó không chỉ là chuyện riêng của nhà đầu tư Dự án BOT cầu Văn Lang, bởi rất nhiều nhà đầu tư BOT trong mấy năm qua cũng đã lên tiếng khi dự án bị giảm mạnh doanh thu do nhiều nguyên nhân khách quan, dẫn đến nguy cơ vỡ phương án tài chính...
Nhiều nhà đầu tư phản ánh dự án BOT đạt doanh thu thấp so với phương án tài chính do lưu lượng xe giảm mạnh so với tính toán ban đầu. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều nhà đầu tư phản ánh dự án BOT đạt doanh thu thấp so với phương án tài chính do lưu lượng xe giảm mạnh so với tính toán ban đầu. Ảnh: Lê Tiên

Theo ông Lưu Phú Khánh, Phó Giám đốc Công ty TNHH BOT Phú Hà, doanh thu của cầu Văn Lang nối Việt Trì (Phú Thọ) và Ba Vì (Hà Nội) mới đạt 20 - 30% phương án tài chính. Một trong các nguyên nhân khiến lưu lượng xe thấp là phân lưu phương tiện sang cầu Hạc Trì (Việt Trì) - cầu này đang miễn phí cho xe dưới 9 chỗ. Trước đây, khi lập Dự án BOT cầu Văn Lang không tính tới phương án phân lưu như vậy. Ngoài ra, các tỉnh có thêm nhiều đường song hành khiến Dự án phải chia sẻ lưu lượng xe. "Chúng tôi kiến nghị Nhà nước mua lại một phần Dự án hoặc hỗ trợ giảm bớt khó khăn của nhà đầu tư", ông Lưu Phú Khánh phản ánh.

Ông Đinh Văn Tiếp, Tổng giám đốc Công ty CP Phương Nam - đại diện BOT Quốc lộ 1 qua Bình Thuận, thì chia sẻ, Dự án đáng lẽ đã tăng phí 2 lần song đến nay chưa được tăng. Nếu không tăng phí, Dự án sẽ kéo dài thời gian thu phí đến 40 năm, ảnh hưởng lớn đến phương án tài chính.

Gặp khó khăn khác, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 501 - nhà đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng mới đoạn qua thị xã Ninh Hòa, cải tạo nâng cấp và thảm bê tông nhựa một số đoạn tuyến Quốc lộ 26 cũ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Đắk Lắk, cũng đang thất thu lớn. Theo đại diện Công ty, Dự án được triển khai thu phí hoàn vốn từ ngày 16/12/2019, nhưng đến thời điểm hiện tại Nhà đầu tư chỉ thu phí hoàn vốn cho Dự án được 1 trong số 2 trạm thu phí. Cụ thể, Dự án có 2 trạm thu phí là Trạm Ninh Xuân Km8+800, Quốc lộ 26 tỉnh Khánh Hòa và Trạm Ea Đar Km93+677, Quốc lộ 26 tỉnh Đắk Lắk, nhưng hiện mới thu được tại Trạm Ea Đar còn Trạm Ninh Xuân vẫn chưa thể hoạt động bình thường để thu phí hoàn vốn cho Dự án. Nguyên nhân là do sự gây rối, chống phá vi phạm pháp luật của một số đối tượng tại địa phương. Đến nay, Công ty đã bị tổn thất ước tính khoảng 25 tỷ đồng do phải xả trạm liên tục để đảm bảo tình hình an ninh trật tự và an toàn giao thông tại khu vực Trạm thu phí Ninh Xuân. Điều này gây áp lực rất lớn cho Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (DNDA) trong việc trả nợ cho ngân hàng tài trợ vốn cho Dự án. Thực tế, hiện tại Nhà đầu tư đã hết nguồn tiền để huy động trả nợ cho Ngân hàng, rất nhiều khả năng bị vỡ nợ và bị đưa vào nhóm nợ xấu.

Dự án Cầu Bạch Đằng (Quảng Ninh) - dự án BOT hơn 7.000 tỷ đồng từng được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh rốt ráo thúc đẩy tiến độ thực hiện và đánh giá là một trong những công trình có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, đến nay cũng đang đối diện nguy cơ vỡ phương án tài chính. Ông Văn Thành Tâm, Phó Tổng giám đốc Công ty BOT cầu Bạch Đằng cho biết Dự án chỉ đạt doanh thu bằng 30% phương án tài chính do lưu lượng xe giảm khoảng 40% so với tính toán ban đầu. Nguyên nhân chủ yếu là do lưu lượng, thành phần dòng xe qua trạm không đạt dự báo, đặc biệt là từ đầu năm đến nay do tác động của dịch Covid-19 và mức phí đang thấp hơn rất nhiều so với mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định. Đến nay, dường như gánh nặng đã quá sức chịu đựng, Công ty đang không trả được lãi vay, nhưng mọi kiến nghị tháo gỡ khó khăn của Công ty đến nay vẫn chưa được xử lý dù nguy cơ vỡ phương án tài chính là rất lớn.

Tham gia “giải cứu” Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, nhưng có lẽ đến nay Tập đoàn Đèo Cả lại đang cần sự giải cứu ở chính dự án này. Ông Phan Văn Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ, lưu lượng phương tiện thực tế giảm gần 50% so với dự báo ban đầu tại phương án tài chính được duyệt. Bên cạnh đó, việc UBND tỉnh Lạng Sơn bỏ 1 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 để giảm gánh nặng cho người dân khi tham gia giao thông lại càng làm tăng gánh nặng cho Nhà đầu tư do giảm nguồn thu trong suốt thời gian thu phí. Điều này ảnh hưởng đến tỷ lệ phân lưu giữa tuyến Quốc lộ 1 và tuyến cao tốc, làm giảm lưu lượng trên tuyến cao tốc, vì người dân có xu hướng lưu thông trên tuyến Quốc lộ 1, đoạn không phải trả phí, thay vì lưu thông trên đường cao tốc.

Theo quan sát của ông Thắng, trong thời gian vừa qua, các nhà đầu tư BOT đã phải thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo nguồn tài chính nhằm duy trì vận hành các công trình thông suốt, an toàn. Tuy nhiên, các khó khăn vướng mắc kéo dài, chưa được cơ quan chức năng giải quyết triệt để, trong đó có việc không được điều chỉnh mức thu phí như cam kết đã dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn, nguồn thu, phá vỡ phương án tài chính. Quá trình chờ đợi giải quyết kéo dài, do nguồn lực của các nhà đầu tư là có hạn nên không thể duy trì bù đắp thâm hụt, có nguy cơ phải dừng khai thác, dẫn đến nguy cơ nợ xấu ảnh hưởng đến hoạt động của noanh nghiệp và ngân hàng.

Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho biết, Hiệp hội sẽ tập hợp ý kiến của các nhà đầu tư, đề xuất giải pháp tới các bộ ngành nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, tổ chức tín dụng và người dân…

Chuyên đề