Nhà thầu xây dựng xoay xở tồn tại chờ thời

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, bão giá nguyên vật liệu, cùng với thị trường bất động sản ảm đạm khiến các nhà thầu xây dựng gặp rất nhiều khó khăn. Dù vậy, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), thị trường xây dựng trong nước vẫn còn nhiều cơ hội, nhất là với các nhà thầu có năng lực đáp ứng các mảng việc khó.
Việc tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho các dự án bất động sản sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm cho các nhà thầu. Ảnh: Lê Tiên
Việc tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho các dự án bất động sản sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm cho các nhà thầu. Ảnh: Lê Tiên

Những khó khăn hiện hữu

Chia sẻ tại Hội nghị triển khai một số chương trình hoạt động năm 2024 do VACC tổ chức vào ngày 21/3, ông Trần Phước Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng chi nhánh miền Trung cho biết, hiện các nhà thầu xây dựng hết sức khó khăn. Nguyên nhân là đầu tư tư nhân giảm mạnh do thị trường bất động sản ảm đạm, các dự án vướng mắc về pháp lý… Ở khu vực miền Trung, nhà thầu rất khó kiếm việc làm. Trong năm 2023 - 2024, vốn đầu tư công ở miền Trung rất lớn nhưng dành cho giao thông và chủ yếu do các doanh nghiệp lớn đảm nhận. Các dự án, công trình dân dụng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như bỏ ngỏ. Trước kia, các doanh nghiệp này thường thực hiện các khu tái định cư, làm đường, làm cống…, thì đến nay hầu như không có. Một số doanh nghiệp có quy mô, làm ăn uy tín nhưng hoạt động chưa đến 20% công suất.

Trong khi đó, các dự án đầu tư công cũng có nhiều bất cập. Ông Tuấn nêu ví dụ, một công trình đấu thầu xong, nhà thầu trúng thầu được tạm ứng 10% để mua vật tư, chuẩn bị thi công. Tuy nhiên, sau 3 tháng nhà thầu vẫn không được bàn giao mặt bằng, theo quy định thì phải nộp lại tiền cho ngân sách, nếu không nộp là vi phạm pháp luật, dù nguyên nhân không phải do nhà thầu. Ở khu vực miền Trung, rất nhiều trường hợp kiểu này chưa xử lý được, nhiều nhà thầu không thể chịu nổi.

Ngoài ra, việc không được bàn giao mặt bằng, nguyên nhân xuất phát từ chủ đầu tư, nhưng nhà thầu lại phải tiếp tục chịu hệ lụy khác là chủ đầu tư không gia hạn hợp đồng; trong quá trình triển khai mà hợp đồng hết hạn thì khối lượng phát sinh phía sau là Kho bạc Nhà nước không thanh toán. Trong khi đó, theo quy định thì chủ đầu tư không phải là chủ thể được gia hạn hợp đồng, mà Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ là đơn vị trình UBND tỉnh đề xuất gia hạn và thời gian trình rất lâu.

Ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư xây dựng Newtecons chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, áp lực cạnh tranh rất gay gắt nên việc duy trì doanh nghiệp là một bài toán khó. Nhiều doanh nghiệp chỉ lãi 2% ở công trình để duy trì hoạt động, thậm chí có những doanh nghiệp bỏ giá rất thấp để tồn tại. Trong trường hợp này, nếu gặp chủ đầu tư nợ đọng tiền, không thanh toán thì doanh nghiệp càng lao đao.

Các dự án hạ tầng giao thông được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều việc làm cho nhà thầu xây dựng. Ảnh: Lê Tiên

Các dự án hạ tầng giao thông được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều việc làm cho nhà thầu xây dựng. Ảnh: Lê Tiên

Nhà thầu cần tự nâng cao năng lực

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, ông Nguyễn Bá Dương chia sẻ, các nhà thầu phải cân đối nguồn lực nhân sự, làm cách nào để tồn tại và vượt qua giai đoạn này. Theo ông Dương, vấn đề ở đây là cần tháo gỡ từ nguồn công việc, tăng cung đầu tư từ các địa phương, thúc đẩy các địa phương dám nghĩ dám làm hơn; khai thông nguồn công việc từ Nhà nước, khơi thông việc cấp phép các dự án.

Ở góc nhìn của mình, ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Xây dựng và xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex) cho rằng, trong năm 2024 và các năm tiếp theo, sẽ có khoảng 600.000 tỷ đồng cho các công việc thuộc lĩnh vực giao thông, đây là thị trường lớn mà các nhà thầu cần nắm bắt. Trong bối cảnh công việc của mảng bất động sản chưa có, cần tìm kiếm, gia tăng cơ hội hợp tác với các nhà thầu có năng lực về giao thông để triển khai, mở rộng thị trường.

Ông Hải chia sẻ, cách đây khoảng 2 năm, Vinaconex chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đường bay, sân đỗ, nhưng nhà thầu đã tuyển lao động, mua thiết bị, chấp nhận đi làm thuê, thầu phụ từ thời gian đó để bây giờ có đủ năng lực, sẵn sàng tham gia mảng công việc này. “Thị trường mở rộng ở hướng nào thì chúng ta phải chuẩn bị sẵn tâm thế đi theo hướng đó, bởi doanh nghiệp phải luôn phát triển, phải duy trì bộ máy và khi có bộ máy thì chúng ta làm gì cũng được”, ông Hải nói.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC thông tin thêm, thị trường xây dựng, bất động sản đang đối diện với tình trạng thiếu nguồn cung trầm trọng và Chính phủ đã nhận thức rất rõ vấn đề này. Hiện cả Hà Nội và TP.HCM đang có 700 dự án không chuyển đổi được từ đất khác sang đất ở. Chính phủ đang dự thảo Nghị quyết của Quốc hội đề xuất được thí điểm cho chuyển đổi từ đất khác sang đất ở. Nếu nghị quyết này được Quốc hội thông qua năm 2024, tới đầu năm 2025 số dự án bất động sản tăng lên nhiều, cơ hội việc làm cho các nhà thầu sẽ nhiều hơn.

Tuy nhiên, có một vấn đề ngành xây dựng đang gặp phải là tình trạng thiếu lao động có tay nghề. Với các công trình yêu cầu trình độ, công nghệ cao, nhà thầu quốc tế nắm hết những phần việc có chi phí lớn, nhà thầu trong nước chỉ làm việc giản đơn, chi phí thấp. “Do đó, cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực nhà thầu để có thể tham gia sâu hơn, hàm lượng chất xám và công nghệ cao hơn trong các gói thầu đòi hỏi công nghệ cao trong tương lai. Nếu không, có đẩy mạnh đầu tư công, triển khai nhiều dự án lớn thì cũng chủ yếu là tạo công ăn việc làm cho nhà thầu nước ngoài”, ông Hiệp nói.

Chuyên đề