Có những nhà thầu tới mua HSMT, vẫn nộp HSDT nhưng hồ sơ rất sơ sài, cẩu thả để cố tình trượt thầu. Ảnh: Nhã Chi |
Lắm chiêu
Trong thời gian gần đây, chuyên mục “Đường dây nóng” của Báo Đấu thầu liên tục nhận được phản ánh của các chủ đầu tư, bên mời thầu về nhiều nhà thầu đến mua hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu (HSYC) nhưng không nộp bài thầu, trường hợp có làm bài thì cũng làm theo kiểu cố tình trượt hoặc không nộp bảo lãnh…
Theo phản ánh của nhiều chủ đầu tư/bên mời thầu thì đây là những nhà thầu có “tiền sử”, họ không đi đấu thầu vì động cơ lành mạnh, tạo sự cạnh tranh công bằng, minh bạch mà vì những động cơ khác. Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một cán bộ quản lý lâu năm thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội không khỏi bức xúc: “Rất nhiều nhà thầu mua HSMT để phục vụ cho ý đồ khác. Có nhà thầu mang theo hàng chục giấy giới thiệu khác nhau để mua bằng được HSMT, nhưng khi nhân viên bán HSMT viết phiếu thu tiền thì họ lại không chịu nộp tiền để mua hồ sơ”.
Đồng tình với bức xúc trên, đại diện một cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên tổ chức mua sắm phục vụ công tác chuyên môn cho biết: “Có những nhà thầu tới mua HSMT/HSYC nhưng với thái độ không lịch sự, thậm chí khiêu khích. Đáng ngại hơn, xuất hiện tình trạng một nhóm nhà thầu chuyên đi kiện chủ đầu tư, gửi đơn kiến nghị lên Báo Đấu thầu và nhiều cơ quan chức năng khác để làm mất uy tín của chủ đầu tư/bên mời thầu.
Không dừng lại ở chuyện luôn kêu “chủ đầu tư/bên mời thầu cố tình gây khó nhà thầu trong tiếp cận HSMT/HSYC”, một số nhà thầu lại dùng chiêu khác. Họ vẫn tới mua HSMT, vẫn làm bài thầu, nhưng lại làm bài sơ sài, cẩu thả để “cố trượt”. Trong một lần trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một nhà thầu chuyên làm “quân xanh” lỡ miệng: “Trường hợp chủ đầu tư/bên mời thầu nào có ý đồ thông thầu, nếu họ “biết điều” thì chi ra khoảng 20 - 30 triệu để chúng tôi rút hồ sơ dự thầu”.
Theo thống kê sơ bộ của Báo Đấu thầu thông qua chuyên mục Đường dây nóng và nguồn dữ liệu thông tin đấu thầu, có một số nhà thầu thường hay có đơn khiếu kiện các chủ đầu tư/bên mời thầu hoặc thường trượt thầu với lý do “lãng xẹt”.
“Cái kim trong bọc lâu ngày cũng sẽ lòi ra”
Để có giải pháp hiệu quả cho vấn đề này, ông Lê Văn Tăng đề nghị: “Nếu tình trạng trên còn tiếp diễn, các tập đoàn, tổng công ty, bộ, ngành… cần có thống kê cụ thể, có đầy đủ căn cứ nhằm kiến nghị cơ quan thẩm quyền không cho phép những nhà thầu đó tham gia đấu thầu ở những gói thầu/dự án tiếp theo do mình làm chủ đầu tư/bên mời thầu. Đặc biệt, không chỉ định thầu cho các nhà thầu nằm trong danh sách này (nếu có)”. Bên cạnh đó, ông Lê Văn Tăng cũng cho rằng, các cơ quan quản lý, tổ chức kinh tế cần tiếp tục thực hiện đánh giá và công bố năng lực nhà thầu. Theo cách này, những nhà thầu cố tình không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu sẽ “lòi cái đuôi” làm ăn không minh bạch.
Từ thực trạng nêu trên, nhìn rộng ra, ý kiến của nhiều chuyên gia đấu thầu cho rằng, việc nhà thầu cố tình trượt thầu bằng chiêu không nộp bảo lãnh sẽ gây lãng phí nguồn lực của xã hội. “Nhà thầu vừa mất công sức, mất tiền của để làm bài thầu lại vừa mất công, mất sức đi nộp bài… Trường hợp nhà thầu không mất nguồn lực chứng tỏ có một đối tượng nào đó đứng sau giật dây đối tượng này hòng trục lợi. Đây là một hoạt động “ngầm” rất nguy hiểm cho xã hội cần phải lên án” – một chuyên gia đấu thầu quan điểm. Chính vì lý do đó, vị chuyên gia đấu thầu này đề xuất: “Nhằm tăng tính cạnh tranh, công bằng trong hoạt động đấu thầu trong lần sửa Luật Đấu thầu tới đây, pháp luật về đấu thầu cần có quy định chế tài xử phạt nghiêm đối với nhà thầu cứ cố tình trượt có chủ ý như vậy”.