Cơ quan quản lý hiện "bó tay" với khoản lãi nhà buôn xăng dầu được hưởng nhờ lỗ hổng chính sách. |
Số liệu Bộ Tài chính cho biết riêng trong năm 2015, cơ quan này đã thực hiện hoàn thuế cho các doanh nghiệp xăng dầu tổng cộng 3.502 tỷ đồng (trên tổng số tiền các đơn vị này nộp vào ngân sách hơn 35.000 tỷ đồng). Đây thực chất là khoản tiền chênh lệch mà doanh nghiệp nhập khẩu được hưởng khi nhập hàng từ các thị trường có thuế thấp hơn mức thông thường và được hoàn trả do nộp đầy đủ C/O chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Sắp tới, các nhà buôn xăng dầu sẽ tiếp tục nộp bổ sung đầy đủ chứng nhận C/O và số tiền mà doanh nghiệp được hưởng từ tiền nộp "oan" của người tiêu dùng dự kiến còn tăng cao hơn nữa. Dù cuối tuần trước, cơ quan quản lý đã đưa ra phương án "vá" lỗ hổng trong phương pháp tính giá cơ sở xăng dầu (nguyên nhân dẫn đến khoản tiền chênh lệch nêu trên) và được Thủ tướng chấp thuận, song trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo ngành tài chính thừa nhận hiện chưa có phương án nào để truy thu khoản lãi mà doanh nghiệp được hưởng.
Trước mắt, Bộ Tài chính mới nêu phương án để tránh gian lận thương mại trong khâu nhập khẩu với các mức thuế khác nhau bằng cách yêu cầu kiểm tra chặt xuất xứ C/O với các lô hàng nhập từ các nước ASEAN, Hàn Quốc. Tuy nhiên, biện pháp này mang ý nghĩa đảm bảo cạnh tranh và quyền lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu nhiều hơn là khắc phục lỗ hổng gây thiệt hại của người dân.
Đại diện cấp Vụ thuộc Tổng cục Hải quan phụ trách quản lý việc thu nộp thuế của các doanh nghiệp xăng dầu cũng nói thêm, việc truy thu thuế với các đơn vị này phải theo quy định pháp luật chứ không thể "cứ thế là đòi".
Trên thực tế, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trước hết đây là sai sót của cơ quan quản lý Nhà nước khi tạo ra một lỗ hổng lớn về chính sách nên cần sớm có phương án truy thu, xử lý khoản lãi chênh lệch.
Giới chuyên môn cũng cho rằng, một khi xác định được rõ số tiền người dân nộp oan, cơ quan quản lý không thiếu cách để ép các doanh nghiệp xăng dầu trả lại cho người dân. "Có thể tính toán được mức hưởng lợi của từng doanh nghiệp với lỗ hổng chính sách này. Nếu giá hoàn toàn là do thị trường quyết định thì sẽ không đòi được nhưng đây là do Nhà nước quyết định nên doanh nghiệp phải thực thi", một chuyên gia nói.
Ông Ngô Trí Long cũng nhấn mạnh thêm, về mặt đạo đức, các doanh nghiệp xăng dầu cũng nên trả lại khoản chênh đó. "Giống như việc tôi chuyển khoản nhầm vào ngân hàng, nếu ngân hàng phát hiện ra thì đương nhiên sẽ phải trả lại cho đúng chủ của nó", ông Long ví von.
Tuy nhiên, ngay cả khi truy thu được hàng nghìn tỷ đồng này, việc xử lý số tiền này như thế nào cho thỏa đáng cũng được nêu ra. Một số ý kiến cho rằng nên đưa vào ngân sách với khoản tiền chênh lệch ấy. "Nhưng theo tôi nên lấy lại đưa vào quỹ bình ổn, để dự phòng khi có biến động rủi ro về giá, cơ quan quản lý có thể sử dụng để người tiêu dùng đỡ chịu giá cao thay vì đưa vào ngân sách bởi chi phí để trả khoản thiệt hại này đến từng địa chỉ còn lớn hơn", ông Long nói.
Hiện Bộ Tài chính đã "sửa sai" bằng cách nêu phương án tính thuế nhập khẩu theo bình quân gia quyền trong cơ cấu giá cơ sở - căn cứ để điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Với cách tính cũ, thuế nhập khẩu với dầu là 10%, xăng là 20% trong khi đó thuế nhập khẩu thực tế từ một số thị trường thấp hơn rất nhiều, thậm chí là bằng 0%. Cụ thể, theo cam kết hội nhập Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN vào Việt Nam áp dụng từ năm 2015 với dầu diesel và madut là 5% và từ 1/1/2016 là 0%. Ngoài ra, từ đầu năm nay, thuế nhập dầu diesel từ Hàn Quốc về Việt Nam cũng giảm về 5%, thuế xăng về 10%. ASEAN từ trước đến nay vẫn là thị trường nhập khẩu xăng dầu lớn nhất của Việt Nam.
Cách tính như vậy đã tạo ra một khoảng vênh 5-10% tiền thuế với diesel và 10% với xăng giữa đầu vào (doanh nghiệp phải nộp cho ngân sách) và đầu ra (người tiêu dùng phải trả cho doanh nghiệp). Đây là khoản tiền mà các nhà buôn xăng dầu được hưởng suốt từ tháng 5/2015 đối với diesel nhập từ ASEAN và từ đầu năm 2016 đến nay với xăng nhập từ Hàn Quốc, ước tính hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng.