Người bệnh cần oxy, cơ sở sản xuất đáp ứng thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh ca nhiễm mới Covid-19 trên cả nước tăng liên tục, nhu cầu khí oxy y tế và máy oxy dòng cao phục vụ điều trị trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Khả năng đáp ứng các mặt hàng này trong nước như thế nào?
Năng lực sản xuất của các nhà máy oxy trên cả nước đạt hơn 851.000 m3 khí oxy mỗi ngày và có thể tăng thêm từ 50 - 100% công suất. Ảnh: Hoài Thương
Năng lực sản xuất của các nhà máy oxy trên cả nước đạt hơn 851.000 m3 khí oxy mỗi ngày và có thể tăng thêm từ 50 - 100% công suất. Ảnh: Hoài Thương

Đảm bảo nguồn cung oxy y tế

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, hiện có 993 cơ sở y tế đủ đáp ứng yêu cầu điều trị cho 66.000 ca nhiễm cần đến thở oxy. “Hiện năng lực sản xuất của các nhà máy oxy trên cả nước rất lớn, tổng công suất đạt hơn 851.000 m3 khí oxy mỗi ngày (tương đương 1.300 tấn/ngày) và có thể tăng thêm từ 50 - 100% công suất”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long cho biết.

Theo Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế), việc chủ động sản xuất các trang thiết bị y tế trong nước để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 là hết sức quan trọng và cần thiết. Trong ngày 19/7/2021, Bộ Y tế đã làm việc với 17 nhà máy sản xuất oxy lớn trên toàn quốc, yêu cầu các đơn vị tăng công suất sản xuất, tăng dự trữ oxy, tăng khả năng phân phối.

Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), nhu cầu thị trường về các sản phẩm khí công nghiệp ở Việt Nam vào khoảng 320 triệu m3/năm, trong đó, thị trường oxy chiếm khoảng 48%. Trong thời gian tới, dự báo nhu cầu một số loại khí như oxy, nitơ, CO2 sẽ có mức tăng từ 10 - 20%/năm.

Theo Bộ Công Thương, hiện trên cả nước có một số nhà máy khí công nghiệp lớn như: Công ty Sovigas thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Tập đoàn Messer (với dây chuyền công nghệ của Đức) công suất 16.500 m3/h, Tập đoàn Air Liquide (dây chuyền công nghệ của Pháp) công suất 14.000 m3/h, Công ty Gas Việt Nhật (VIJAGAS) công suất 17.500 m3/h…

Tại khu vực phía Nam, Công ty Messer là một trong những nhà sản xuất oxy y tế lớn. Hiện mỗi ngày Công ty sản xuất khoảng 500 bình oxy, cung cấp cho các cơ sở y tế ở Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ... Đại diện doanh nghiệp này cho biết, từ tháng 6/2021, Công ty đã nâng công suất lên gấp hai lần, đạt mức 1.000 bình oxy mỗi ngày, để đảm bảo cung cấp đủ lượng oxy cần thiết cho điều trị tại các cơ sở y tế.

Bộ Y tế khẳng định, nguồn sản xuất, cung cấp oxy y tế đủ để đáp ứng nhu cầu trong cả nước. Tuy nhiên, công tác đảm bảo cung ứng, vận chuyển kịp thời khi nhu cầu điều trị tăng cao và năng lực tiếp nhận đưa vào sử dụng, dự trữ sẵn sàng oxy y tế tại từng bệnh viện, cơ sở y tế cần phải được quan tâm chuẩn bị.

Tiến tới chủ động sản xuất máy oxy dòng cao

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam cho biết, trong đại dịch Covid-19, vấn đề chủ động sản xuất được máy oxy dòng cao là một ưu tiên hàng đầu, bên cạnh chủ động nguồn khí oxy y tế. Thiết bị y tế ứng dụng công nghệ oxy dòng cao với kỹ thuật đơn giản, dễ sử dụng, giá thành hợp lý, có thể ứng dụng được với rất nhiều bệnh nhân. Thực tế điều trị cho thấy, phương tiện này đã giúp giảm đáng kể số lượng bệnh nhân phải đặt nội khí quản, từ đó giảm tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng.

Tại Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, các sản phẩm này mới chỉ dừng ở bước công bố, thử nghiệm. Theo Bộ Y tế, đầu tháng 6/2021, sản phẩm máy oxy dòng cao đầu tiên của Việt Nam (BKVM-HF1 do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và VMED GROUP nghiên cứu, sản xuất) mới được công bố quyết định lưu hành. Hiện nhu cầu về máy oxy dòng cao là rất lớn, đặc biệt phục vụ cho các bệnh viện dã chiến, nhưng khả năng cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam còn rất khiêm tốn.

“Chính phủ cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp chú trọng nghiên cứu, đầu tư sản xuất thiết bị y tế để không chỉ phục vụ nhu cầu cấp bách do đại dịch mà hoàn toàn có thể hướng tới thị trường nước ngoài”, đại diện Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc khuyến nghị.

Bộ Y tế vừa yêu cầu tất cả các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện hạng 2 tối thiểu phải có hệ thống oxy trung tâm, thiết bị và nhân lực để thực hiện được kỹ thuật thở oxy qua mặt nạ, máy thở oxy dòng cao. Đồng thời, Bộ Y tế cũng yêu cầu tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh từ hạng 1 trở lên, khoa hồi sức tích cực có tối thiểu 50 giường và sẵn sàng mở rộng 100 giường, với hệ thống oxy trung tâm, đào tạo nhân lực có trình độ để thực hiện các kỹ thuật hồi sức cấp cứu nâng cao (thở máy xâm nhập, ECMO, lọc máu...) để tiếp nhận, cấp cứu điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch. Điều này đặt ra nhu cầu rất cấp bách đối với việc nhập khẩu thiết bị y tế, đặc biệt là máy oxy dòng cao.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề