“Ngàn lẻ một” lý do cản trở mua hồ sơ mời thầu

(BĐT) - Trong số các hành vi cản trở nhà thầu mua hồ sơ mời thầu (HSMT) diễn ra trong thời gian qua thì việc trốn bán HSMT thông qua các chiêu thức, tiểu xảo khác nhau là hình thức phổ biến nhất.
“Ngàn lẻ một” lý do cản trở mua hồ sơ mời thầu

Cản trở nhà thầu mua HSMT là hành vi bị cấm trong đấu thầu theo quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 89 Luật Đấu thầu 2013. Đối với hành vi này, theo quy định tại Khoản 5 Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP thì hình thức xử phạt là cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 năm đến 5 năm. Thẩm quyền xử lý vi phạm trước tiên thuộc về người có thẩm quyền của dự án theo quy định tại Khoản 3 Điều 90 Luật Đấu thầu 2013.

Tuy nhiên, qua khảo sát của Báo Đấu thầu, xuất hiện không ít bên mời thầu cố tình né tránh bán HSMT cho nhà thầu.

Một là, tình trạng “vườn không nhà trống”, không có ai làm việc tại địa chỉ bán HSMT được nêu trong thông báo mời thầu từng diễn ra tại một số bên mời thầu của các tỉnh phía Nam.

Hai là, cán bộ phụ trách bán HSMT được điều đi họp, đi thực tế tại hiện trường dự án..., số điện thoại luôn trong tình trạng không liên lạc được hoặc không có người nghe máy.

Ba là, có nơi viện lý do hết HSMT, chưa kịp phô tô. Và đôi khi, bên mời thầu còn viện dẫn cán bộ được giao bán HSMT có việc gia đình đột xuất, người thân vào bệnh viện nên nghỉ đột xuất không kịp bàn giao công việc. Thậm chí, có nơi, người của Ban Quản lý dự án không ai biết người chịu trách nhiệm bán HSMT,…

Tình trạng nêu trên dẫn đến nhiều nhà thầu không mua được HSMT trong thời gian qua đã kiến nghị, khiếu nại đến các cơ quan chức năng và phản ánh đến báo chí. Hệ lụy của các hành vi tiêu cực này dẫn đến nhiều cuộc thầu không đảm bảo cạnh tranh, công bằng, hiệu quả. Cụ thể, tính cạnh tranh thấp, giá trúng thầu thường sát nút, thậm chí trùng nguyên giá, không mang lại tiết kiệm thông qua đấu thầu. Mặt khác, chất lượng công trình không đảm bảo khi nhà thầu được lựa chọn đã được ấn định một cách chủ quan, không phải là nhà thầu đáp ứng tốt nhất yêu cầu của gói thầu.

Bình luận về tình trạng nêu trên, một chuyên gia đấu thầu cho rằng, chế tài xử lý hành vi cản trở nhà thầu mua HSMT đã được quy định trong Luật Đấu thầu, tuy nhiên, hiện tượng dùng nhiều “chiêu” trốn bán HSMT vẫn xảy ra phổ biến trong thời gian qua một phần là vì chế tài chưa đủ sức răn đe, đặc biệt là có sự dung túng, bao che của một số cơ quan chức năng.

Hiện Dự thảo Bộ luật Hình sự đã bổ sung chế tài đối với hành vi này, theo hướng tăng nặng hình phạt đối với “Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo vị chuyên gia nêu trên, tăng nặng chế tài là rất cần thiết để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật về đấu thầu.      

Chuyên đề