Nếu hỗ trợ tài khóa yếu, giảm lãi suất sẽ kém hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, các đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã góp phần kéo giảm mặt bằng lãi suất, song lực hấp thụ vốn tín dụng vẫn chưa lớn là do sức cầu của nền kinh tế quá yếu.
Lãi suất đã giảm nhưng doanh nghiệp chưa muốn vay vì không có đơn hàng. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Lãi suất đã giảm nhưng doanh nghiệp chưa muốn vay vì không có đơn hàng. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Nếu tiếp tục giảm lãi suất, có thể sẽ để lại nhiều hệ lụy đáng ngại, thay vào đó, nên kích cầu nền kinh tế từ việc tháo gỡ ách tắc của nguồn vốn đầu tư công và nhanh chóng thực hiện các giải pháp hỗ trợ tài khóa khác.

TS. Nguyễn Hữu Huân

TS. Nguyễn Hữu Huân

Ngân hàng Nhà nước nhiều lần giảm lãi suất điều hành, nhờ đó, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục xu hướng đi xuống. Theo ông, việc điều hành chính sách lãi suất như vậy có kịp thời và phù hợp không?

Từ đầu năm đến nay, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, đây là động thái điều hành chính sách quyết đoán trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nước trên thế giới vẫn trong xu thế giữ lãi suất ở mức khá cao. Cùng với động thái chính sách này, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại tích cực tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay. Kết quả là lãi suất huy động và lãi suất cho vay đã giảm đáng kể và sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian qua là giải pháp cần thiết để góp phần kéo giảm mặt bằng lãi suất, qua đó giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn.

Dòng vốn tín dụng đang được nới lỏng, có điều gì đáng ngại không, theo ông?

Bên cạnh việc nới lỏng tiền tệ, cần hết sức cẩn trọng kiểm soát để dòng vốn vào đi vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh là chủ đạo thay vì vào các lĩnh vực rủi ro cao.

Về lĩnh vực bất động sản, vẫn cần điều tiết nguồn vốn để gỡ khó cho nhóm doanh nghiệp bất động sản bởi lĩnh vực này ảnh hưởng tới 40 ngành, lĩnh vực khác. Tuy nhiên, cần kiểm soát chặt để hạn chế tình trạng đầu cơ. Có thể xem xét việc cấp tín dụng giá rẻ cho người thu nhập thấp để mua nhà, không nhất thiết phải nhà ở xã hội bởi nguồn cung chưa sẵn sàng.

Có ý kiến cho rằng, mặt bằng lãi suất đã giảm nhưng chưa đủ “rẻ” để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng và đề xuất cần tiếp tục giảm lãi suất. Xin chia sẻ quan điểm của ông về điều này?

Thực tế, mặt bằng lãi suất đã giảm về mức thấp hơn thời điểm trước dịch Covid-19. Trong tuần vừa qua, lãi suất huy động trên thị trường tiếp tục hạ nhiệt ở các kỳ hạn, lãi suất kỳ hạn 12 tháng hiện niêm yết ở mức 7,2% đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, 7,4 - 7,8% cho nhóm ngân hàng thương mại cổ phần.

Đối với lãi suất cho vay, tăng trưởng tín dụng chậm lại là nguyên nhân chính khiến các ngân hàng thương mại giảm mặt bằng lãi suất cho vay tương đối nhanh đối với những nhóm ngành ít rủi ro. Số liệu từ NHNN cho thấy, lãi suất cho vay đối với những khoản phát sinh mới đã hạ nhiệt đáng kể, dao động 10 - 11%, trong khi lãi suất ở những khoản vay cũ vẫn ở mức tương đối cao, khoảng 13 - 14%/năm.

Sẽ có “độ trễ” tác động nhất định từ việc giảm lãi suất điều hành đến mặt bằng lãi suất cho vay. Có thể, từ quý III/2023, mặt bằng lãi suất sẽ bắt đầu giảm mạnh hơn.

Về liều lượng, chính sách tiền tệ đã phát huy tối đa nguồn lực nhưng doanh nghiệp chưa muốn vay vì không có đơn hàng, người dân giảm thu nhập nên cắt giảm chi tiêu. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần thúc đẩy việc thực hiện mạnh mẽ chính sách tài khóa. Bộ Tài chính cho biết, do nghẽn giải ngân vốn đầu tư công nên phải gửi tiền hơn 1 triệu tỷ đồng ngân quỹ tại NHNN, với lãi suất 0,8% một năm. Đó là sự lãng phí đáng tiếc bởi số tiền này nếu được đưa vào nền kinh tế thì hiệu quả kích cầu sẽ đáng kể.

Như vậy, nếu chỉ có chính sách tiền tệ hỗ trợ tối đa mà chính sách tài khóa không phát huy tác dụng thì cũng không mang lại hiệu quả như kỳ vọng cho nền kinh tế.

Về điều hành lãi suất, điều quan tâm hiện nay là lãi suất đã giảm mà chưa thấy hiệu quả. Tuy nhiên, nếu tiếp tục giảm thì dòng vốn có thể đảo chiều. Mặt khác, sau một thời gian đổ vốn giá rẻ ra thị trường, nền kinh tế có thể rơi vào tình trạng dư tiền, đến lúc đó, với các lo ngại về lạm phát thì lại quay ngược thắt chặt tiền tệ thái quá sẽ tạo nên sự giật cục trong điều hành, khó khăn chồng lên khó khăn.

Việc nâng - hạ lãi suất cần hết sức thận trọng, không nóng vội, thay đổi đột ngột. Thay vào đó, cần đánh giá kỹ mức độ thẩm thấu chính sách trong một thời gian nhất định và các tác dụng phụ (nếu có) để kịp thời ứng phó.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 3 lần giảm lãi suất điều hành. Trong tháng 3/2023, NHNN 2 lần giảm lãi suất điều hành, theo đó lãi suất tái chiết khấu giảm 1 điểm % xuống 3,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm 0,5 điểm % xuống 5,5%, lãi suất cho vay qua đêm của NHNN đối với các tổ chức tín dụng giảm từ 7% xuống 6%/năm. NHNN cũng hạ trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của các tổ chức tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên thêm 1 điểm % xuống 4,5%/năm và giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi VND kỳ hạn dưới 1 tháng và kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng thêm 0,5 điểm %.

Từ ngày 25/5/2023, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.

Chuyên đề