Nâng tầm hàng Việt từ đầu tư vào khoa học, công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để định danh hàng Việt trong “sân chơi” mua sắm Chính phủ đang mở rộng theo các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, nhiều chuyên gia kinh tế, nhà thầu cho rằng, “chìa khóa” chính là nâng cao chất lượng hàng hóa và giá cạnh tranh.
Đến nay, tỷ lệ nội địa hóa của ngành cơ khí đạt trên 30%. Ảnh: Lê Tiên
Đến nay, tỷ lệ nội địa hóa của ngành cơ khí đạt trên 30%. Ảnh: Lê Tiên

Cơ hội lớn

Đề cập về triển vọng của doanh nghiệp (DN) ngành cơ khí, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Tổng thư ký Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI) nhận định, cơ hội cho các DN trong ngành là rất lớn với quy mô thị trường ngành cơ khí chế tạo có thể đạt tới 310 tỷ USD trong giai đoạn 2019 - 2030. Trong số này, giá trị máy móc, thiết bị cho các công trình công nghiệp như nhiệt điện, thủy điện, hóa chất, khai thác, chế biến khoáng sản khoảng 120 tỷ USD; máy xây dựng, nông nghiệp và chế biến nông lâm sản khoảng 15 tỷ USD; thiết bị và vật tư cho xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc khoảng 20 tỷ USD…

Theo ông Sáng, để tăng cường đưa hàng Việt vào các gói thầu sử dụng vốn nhà nước, hỗ trợ nhà sản xuất trong nước phát triển, nhiều chính sách về nội dung này đã được ban hành. Chẳng hạn như Luật Đấu thầu năm 2013 quy định nhà thầu được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu trong nước hoặc đấu thầu quốc tế để cung cấp hàng hóa mà hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên… Như vậy, triển vọng để các DN ngành cơ khí sản xuất thiết bị, vật tư tham gia nhiều hơn vào các gói thầu, dự án sử dụng vốn nhà nước thời gian tới là rất lớn.

Đối với lĩnh vực sản xuất thang máy, ông Nguyễn Tấn Vũ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam cho rằng, cơ hội cho nhà sản xuất trong nước đang rất lớn, bởi Việt Nam có tốc độ đô thị hóa cao đi kèm với nhu cầu lớn về các công trình xây dựng dân dụng, nhà xưởng. Trong các công trình hiện đại đó không thể không sử dụng thang máy. Những năm qua, Thiên Nam đã chủ động thiết kế, sản xuất các linh kiện thang máy cung ứng cho thị trường, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm…

Hay nhìn vào mặt hàng thuốc, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đến nay, tỷ trọng thuốc, vật tư y tế sản xuất trong nước sử dụng trong các gói thầu mua sắm tại các bệnh viện tăng rõ rệt.

Đánh giá về chất lượng của hàng Việt, nhiều chủ đầu tư lớn cho rằng, về cơ bản, hàng Việt đã và đang góp mặt vào tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế. Nhiều thương hiệu có chỗ đứng vững chắc, khẳng định chất lượng, giá cả cạnh tranh.

Làm gì để nâng chất?

Dù hàng Việt đã góp mặt tại nhiều gói thầu, dự án, nhưng theo đánh giá của các chủ đầu tư, bên mời thầu, sức cạnh tranh của hàng hóa Việt vẫn chưa cao. Chất lượng, giá cả hàng hóa trong nước cùng với công tác bảo hành, bảo dưỡng vẫn còn tồn tại, hạn chế cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ. Ngay trong lĩnh vực cơ khí, đến nay, tỷ lệ nội địa hóa của ngành vẫn thấp, trên 30%; chất lượng sản phẩm chưa tốt hoặc chưa ổn định, giá thành cao dẫn đến khả năng cạnh tranh kém. Theo Bộ Công Thương, gần như chưa có sản phẩm công nghiệp chủ lực trong ngành cơ khí có đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.

Theo Thông tư số 05/2021/TT-BKHĐT về danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành, Việt Nam có hàng nghìn hàng hóa trong nước sản xuất được. Cụ thể, danh mục vật tư xây dựng có 111 mặt hàng; linh kiện, phụ tùng xe ô tô có 287 mặt hàng; máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ có 398 mặt hàng; nguyên liệu, vật tư, linh kiện, phụ tùng thay thế có 536 mặt hàng…

Xét về trình độ khoa học công nghệ, ngành cơ khí vẫn ít các phát minh, sáng chế được đăng ký, trang thiết bị công nghệ chậm đổi mới nên DN trong nước hầu như chưa sản xuất được các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, giá cả cạnh tranh.

Một chủ đầu tư ngành điện cho hay, ngành điện được đánh giá có tỷ lệ nội địa hóa cao, song hầu hết các sản phẩm quan trọng, mang tính tự động cao như: thiết bị đóng cắt tự động, rơ le bảo vệ, hệ thống điều khiển tự động… vẫn là thương hiệu xuất xứ từ các nước G7, và gần đây là các nhà cung cấp đến từ Trung Quốc.

Bên cạnh câu chuyện chất lượng hàng hóa, dịch vụ sau bán hàng của không ít nhà sản xuất trong nước dù đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của các chủ đầu tư, bên mời thầu.

Để tăng sự hiện diện của hàng Việt không chỉ tại các gói thầu “sân nhà” mà còn tham gia vào thị trường toàn cầu, vẫn còn nhiều việc phải làm.

Một chủ đầu tư ngành điện cho rằng, các nhà thầu là nhà sản xuất, nhà cung cấp trong nước phải đáp ứng được một số yêu cầu chủ yếu để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa. Đó là, đầu tư nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng sản phẩm, đi trước đón đầu cải tiến công nghệ; xây dựng quy trình sản xuất chuyên nghiệp, có hệ thống đủ lớn; xây dựng hệ thống bán hàng, chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp… Đây là cách để nhà sản xuất trong nước chiếm lĩnh thị phần “sân nhà” và vươn ra biển lớn bằng chính năng lực cạnh tranh của mình.

Cũng theo chủ đầu tư này, về phía Nhà nước, cần hoàn thiện đồng bộ các tiêu chuẩn, quy chuẩn để sản phẩm hàng hóa Việt Nam đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường.

Ở góc độ DN, đại diện VAMI chia sẻ, trong bối cảnh bùng nổ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các DN cần nhận thức đúng vai trò của khoa học và công nghệ để tập trung đầu tư, nâng cao năng lực quản trị, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, các DN sản xuất cần đẩy mạnh liên kết để tạo chuỗi, tối ưu hóa chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa.

Liên quan đến dịch vụ sau bán hàng, ông Vũ Mai Khanh, Phó Tổng giám đốc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro cho rằng, các DN sản xuất phải đặc biệt chú trọng vì giá trị của bảo trì, bảo dưỡng rất lớn. “Với điện gió, theo thông lệ quốc tế, khi làm dự án, nhà đầu tư thường ký hợp đồng bảo trì, bảo dưỡng luôn với nhà cung cấp thiết bị. Nếu DN sản xuất không quan tâm đến công tác bảo trì, bảo dưỡng sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng trúng thầu”.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư