Năng suất lao động giai đoạn 2011 - 2019 cải thiện, nhưng vẫn rất thấp

(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại các kỳ họp thứ 2, 3, 4, 5, 7 và 8 Quốc hội khóa XIV trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Giai đoạn 2016 - 2019, mức tăng năng suất lao động toàn xã hội bình quân đạt 5,8%/năm.  Ảnh: Lê Tiên
Giai đoạn 2016 - 2019, mức tăng năng suất lao động toàn xã hội bình quân đạt 5,8%/năm. Ảnh: Lê Tiên

Tại Báo cáo, Bộ KH&ĐT đã trả lời đại biểu Quốc hội về vấn đề năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam - một trong những nội dung được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm.

Theo Bộ KH&ĐT, NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2019 tiếp tục cải thiện đáng kể, là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN. Năm 2019 tăng 6,2%, giúp duy trì mức tăng NSLĐ toàn xã hội bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 5,8%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,3%/năm của giai đoạn 2011 - 2015, đạt mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/2/2017 của Chính phủ (tăng trên 5,5%). Tăng trưởng kinh tế dựa nhiều hơn vào gia tăng NSLĐ. Đây là điểm nổi bật nhất của thay đổi cách thức hay chất lượng tăng trưởng trong giai đoạn 2016 - 2020.

Theo Bộ KH&ĐT, tính theo sức mua tương đương năm 2011 (PPP 2011), NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2018 tăng bình quân 4,8%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của Singapore (1,4%/năm); Malaysia (2%/năm); Thái Lan (3,2%/năm); Indonesia (3,6%/năm); Philipines (4,4%/năm). Nhờ đó, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn.

Tuy nhiên, mức NSLĐ của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này cho thấy, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước.   

Chuyên đề