Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, 76,3% doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhận định đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh quý IV/2023 tốt hơn và giữ ổn định so với quý III. Ảnh: Lê Tiên |
Niềm tin kinh doanh tăng lên
Báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý III năm 2023 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố cho thấy bối cảnh kinh doanh của Việt Nam đang tươi sáng hơn. Theo Báo cáo, chỉ số niềm tin trong quý III tăng lên 45,1, từ mức 43,5 của quý trước. Dù con số vẫn ở mức dưới 50 điểm trong 4 quý liên tiếp, nhưng mức tăng này đã cho thấy dấu hiệu tích cực trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, khảo sát của quý III cho thấy sự thay đổi về dự báo trong quý tới, khi so với kết quả thu thập được từ quý II, số doanh nghiệp kỳ vọng vào sự ổn định và sự tăng trưởng kinh tế trong quý tới đã tăng lên 11%.
Chỉ số BCI do Decision Lab thực hiện hàng quý, thu thập phản hồi từ mạng lưới gồm 1.300 thành viên của EuroCham trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đóng vai trò là công cụ quan trọng để tìm hiểu góc nhìn của các công ty và nhà đầu tư châu Âu tại thị trường Việt Nam.
Ông Thue Quist Thomasen, Giám đốc điều hành Decision Lab nhận định, sau khi vượt qua những thách thức, kinh tế Việt Nam hiện có dấu hiệu phục hồi. Bán lẻ và du lịch đã tăng trưởng mạnh mẽ, giúp thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tăng trưởng FDI cũng mang lại sự lạc quan, củng cố vị thế của Việt Nam như một trung tâm kinh doanh toàn cầu. Theo ông Thomasen, mặc dù xuất khẩu và bất động sản vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại, nhưng sự lạc quan vẫn chiếm ưu thế.
Báo cáo Xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành xây dựng quý III và dự báo quý IV/2023 của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy niềm tin kinh doanh tích cực hơn từ khu vực doanh nghiệp. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dự báo sẽ khả quan hơn với 76,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh quý IV/2023 so với quý III/2023 tốt hơn và giữ ổn định. Các doanh nghiệp xây dựng cũng nhận định hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt lên so với quý III/2023.
Để tăng trưởng tích cực, theo tổng hợp của Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo kiến nghị 3 vấn đề lớn. Thứ nhất, các doanh nghiệp mong muốn bình ổn giá điện, nước, nhiên liệu để hạn chế gia tăng chi phí sản xuất. Thứ hai, kích cầu thị trường trong nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả. Thứ ba, các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, mong muốn được giảm lãi suất vay vốn và được hỗ trợ quá trình hoàn thiện hồ sơ vay vốn nhanh hơn để doanh nghiệp có nguồn vốn sản xuất, kinh doanh kịp thời và hiệu quả…
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, những đánh giá khá tích cực của doanh nghiệp về triển vọng tình hình sản xuất, kinh doanh, đơn hàng cho quý III là dấu hiệu tốt cho thời gian tới. Ngoài ra, một số hoạt động đối ngoại tầm cỡ quốc gia trong thời gian qua đã tạo ra động lực, niềm tin và kích thích sản xuất, kinh doanh, cũng như khuyến khích doanh nghiệp suy nghĩ và có hành động tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.
Giải ngân đầu tư công và tiêu dùng trong nước là 2 động lực tăng trưởng quan trọng trong quý cuối năm. Ảnh: Trần Chiến |
Đẩy mạnh tối đa những động lực chính
Niềm tin kinh doanh từ cộng đồng doanh nghiệp, theo nhận định, là sức mạnh rất lớn để thúc đẩy kinh tế sôi động hơn, tạo chuyển biến trong tăng trưởng.
Tại một tọa đàm vừa diễn ra cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương nhận định, dù còn nhiều vấn đề cần quan tâm hơn, như mức độ đóng góp, mức độ tăng trưởng, các giá trị tạo ra ở mức độ nào, đóng góp bao nhiêu cho tăng trưởng kinh tế, nhưng với xu hướng hiện nay, trong 3 tháng cuối năm, nền kinh tế chắc chắn sẽ sôi động.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, kinh tế vẫn còn khó khăn nhưng cơ hội không phải là không có. Theo đó, với 3 tháng cuối năm, hoạt động đầu tiên rất sôi động và được Chính phủ và Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt là thúc đẩy đầu tư công. Chỉ 3 tháng nhưng chúng ta còn gần 50% vốn phải giải ngân. Thứ hai là khu vực công nghiệp và xây dựng quý III đã tăng trên 5%, đây là tín hiệu khá tốt và có thể giữ được trong quý IV, sẽ tác động lớn đến tăng trưởng GDP. Thứ ba là kỳ vọng thời điểm cuối năm, tiêu dùng trong nước, theo chu kỳ, sẽ tăng cao hơn so với các quý trước.
Nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh, trong các giải pháp để phấn đấu đạt mức tăng trưởng rất cao của quý cuối năm, 2 động lực hiện hữu lớn nhất, nằm trong tầm kiểm soát và phụ thuộc nhiều vào chính sách của Chính phủ, đem lại tác động ngay lập tức là giải ngân đầu tư công và tiêu dùng trong nước. Cùng với đó, cần tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu.
Về giải pháp, theo Bộ KH&ĐT, cần thực thi hiệu quả quyết liệt các giải pháp đã ban hành. Trong đó, quan trọng nhất là dồn quyết tâm, chỉ đạo sát sao gỡ vướng, thúc đẩy tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, các dự án có nguồn vốn lớn. Đối với tiêu dùng, cần thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy tiêu dùng trong nước, tận dụng các thời điểm thuận lợi cho tiêu thụ hàng hóa dịp cuối năm, lễ, Tết; tăng cường truyền thông, phối hợp với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp tổ chức các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, khuyến mại, giảm giá…; thúc đẩy du lịch trong nước và thu hút khách quốc tế.
Cũng đặc biệt nhấn mạnh đến thúc đẩy tiêu dùng trong nước và giải ngân đầu tư công, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam khuyến nghị, cần giúp người dân có thêm tiền để tăng tiêu dùng trong nước. Lạm phát đang được kiểm soát tốt, tỷ giá cũng đang được kiểm soát, Chính phủ có dư địa rất lớn đối với chính sách tài khóa, chính sách tín dụng. Do vậy, cần phối hợp nhuần nhuyễn chính sách tài khóa và tín dụng để bảo đảm có nguồn tiền hiệu quả hơn đưa vào nền kinh tế. Theo Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam có thể chỉ ở 5,6 - 5,7%, nhưng sẽ là nền tảng tốt, tích cực để tăng trưởng cao hơn trong những năm tiếp theo.