Kích cầu tiêu dùng và đầu tư để kích thích tăng trưởng

(BĐT) - Trao đổi với Báo Đấu thầu về bức tranh kinh tế 9 tháng đầu năm và triển vọng năm 2023, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, đã có một số chuyển biến tích cực, song nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn. Do đó, cần nỗ lực tối đa để thực hiện có hiệu quả và quyết liệt hơn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng.
Cần thực hiện nhanh và hiệu quả các giải pháp kích cầu nhằm tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư vào triển vọng của nền kinh tế. Ảnh: Tiên Giang
Cần thực hiện nhanh và hiệu quả các giải pháp kích cầu nhằm tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư vào triển vọng của nền kinh tế. Ảnh: Tiên Giang

Kinh tế Việt Nam đã đi được 3/4 quãng đường của năm nay, những kết quả đạt được có điểm nào tích cực, thưa ông?

Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, bức tranh kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm đã có tín hiệu khởi sắc.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011 - 2023 nhưng với xu hướng quý sau tăng cao hơn quý trước cho thấy nền kinh tế có diễn biến cải thiện.

TS. Nguyễn Bích Lâm

TS. Nguyễn Bích Lâm

Trong đó, một trong những điểm sáng đáng chú ý là giải ngân đầu tư công. Đến ngày 30/9/2023, ước thanh toán vốn đầu tư công đạt khoảng 363.310 tỷ đồng, đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2023 cả về số tương đối và số tuyệt đối. Lần đầu tiên, giải ngân đầu tư công 9 tháng vượt mức 50%.

Bên cạnh đó, điểm sáng đáng chú ý khác là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 9 tháng. Vốn FDI thực hiện 9 tháng ước đạt 15,9 tỷ USD, là số vốn thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm 2018 - 2023, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả thu hút và thực hiện vốn FDI cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin vào triển vọng tăng trưởng, môi trường đầu tư và vị thế kinh tế của nước ta.

Bên cạnh một số tín hiệu tích cực, nền kinh tế có gì đáng quan ngại, thưa ông?

Điểm quan ngại nhất là hoạt động sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn vô vàn khó khăn. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng - Purchasing Managers' Index (PMI) ngành sản xuất Việt Nam theo tính toán của S&P Global đạt 49,7 điểm trong tháng 9, giảm trở lại xuống dưới ngưỡng 50 điểm sau khi đạt trên 50,5 điểm trong tháng 8.

Bên cạnh đó, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2023 tăng 2,5% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước.

Những yếu tố trên cho thấy hoạt động sản xuất dù đã có tín hiệu phục hồi, song vẫn rất mong manh.

Đáng chú ý, sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp vẫn yếu ớt. Trong 9 tháng năm 2023, có 165.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động; song có 135.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, lần lượt tăng 1,2% và 19,9% so với cùng kỳ 2022. Đáng chú ý, số vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp giảm 14,6% cho thấy các doanh nghiệp mới có quy mô nhỏ và phản ánh sự dè dặt trong hoạt động của doanh nhiệp.

Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2023 giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu của nền kinh tế có đến 93,7% là tư liệu sản xuất, trong 9 tháng giảm 13,9%, phản ánh hoạt động sản xuất suy giảm do tổng cầu thế giới và trong nước chưa phục hồi.

Nhiều tổ chức nghiên cứu hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Theo ông, mục tiêu tăng trưởng năm nay có thể đạt được không?

Kinh tế thế giới trong 9 tháng đầu năm diễn biến khó lường, có nhiều tác động bất lợi đến kinh tế Việt Nam. Do đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức 6 - 6,5% là rất thách thức. Tuy nhiên, việc giữ mục tiêu ở mức cao nhất là cần thiết để nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan chức năng cùng nỗ lực tối đa, đồng thời tạo đà cho tăng trưởng kinh tế năm sau.

Để đạt được kết quả tăng trưởng cao nhất trong năm nay và tạo đà cho những năm tiếp theo, cần thực hiện các giải pháp gì, thưa ông?

Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng đã được Chính phủ đưa ra một cách toàn diện, đầy đủ. Điều quan trọng nhất là thực thi hiệu quả.

Trong đó, cần thực hiện nhanh và hiệu quả các giải pháp kích cầu nhằm tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư vào tiềm năng và sự phục hồi nhanh của nền kinh tế.

Về kích cầu tiêu dùng, cần hỗ trợ trực tiếp cho người dân để tăng sức mua; giảm giá hàng tiêu dùng, giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, tăng cho vay tiêu dùng, đồng thời giãn, khoanh nợ và tăng hỗ trợ an sinh xã hội. Đơn giản hóa các thủ tục trợ cấp cho người nghèo.

Về kích cầu đầu tư, cần thực hiện giải pháp nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của nền kinh tế bằng việc đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, ưu tiên các dự án sắp hoàn thành; sớm đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp phát huy vai trò, tăng trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công. Nên tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm nâng cao tính sẵn sàng cho việc triển khai dự án.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư