Ảnh minh họa: Internet |
Trong khi đó, tính bình quân cả nước, FDI đóng góp 13,6% thu ngân sách, 20% GDP nhưng chiếm tới 70% giá trị xuất khẩu hàng hoá. Vì vậy, Hải Phòng đang được đánh giá là một điển hình về thu hút và sử dụng FDI tại Việt Nam.
Hiện nay, Hải Phòng có 521 doanh nghiệp FDI với 582 dự án hoạt động, trong đó có 158 doanh nghiệp FDI hoạt động trong Khu Kinh tế Cát Hải có mức ưu đãi cao nhất của địa phương. Còn lại nằm ở các khu, cụm công nghiệp khác được hưởng ưu đãi thấp hơn. Nằm ngoài các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp có 246 doanh nghiệp FDI.
Năm 2018, khối FDI của Hải Phòng nộp ngân sách 3.965 tỷ đồng (vượt gần 2% dự toán), nhưng phần lớn là thuế nhà thầu của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng Nhà máy Vinfast. Năm 2018, có 307/351 doanh nghiệp FDI chưa nộp thuế thu nhập doanh nghiệp vì đa phần đang hưởng ưu đãi hoặc lỗ. Năm 2018, Hải Phòng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 148 FDI, truy thu xử phạt trên 104 tỷ đồng, giảm khấu trừ 108 tỷ đồng, giảm lỗ 336 tỷ đồng. Trong chống chuyển giá, ngành thuế Hải Phòng đã thực hiện ở 7 doanh nghiệp FDI, truy thu trên 10,4 tỷ, giảm lỗ trên 75 tỷ.
Lãnh đạo TP. Hải Phòng cho biết, khối FDI đang sử dụng 142.000 lao động, chấp hành pháp luật lao động tốt hơn doanh nghiệp trong nước. Tiền lương khối FDI bình quân đạt 8,1 triệu đồng/người/tháng, cao hơn tất cả các khối doanh nghiệp khác. Tỷ lệ đóng BHXH hầu hết thực hiện tốt, nợ đọng BHXH thấp nhất so với các khu vực khác, số thu BHXH tăng 11% so với 2017, nhiều lao động có độ tuổi cao tới 45 tuổi vẫn làm việc tại khối FDI. Tuy nhiên, lao động trong nước được khối FDI sử dụng nhiều nhưng tỷ lệ nhân lực kỹ thuật cao không nhiều. Có doanh nghiệp FDI sử dụng 30.000 lao động nhưng phần lớn là phổ thông, lắp ráp.