Muôn mặt chậm trễ đấu thầu thuốc, vật tư y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thiếu thuốc, vật tư y tế (VTYT) đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội cũng như của các đại biểu tại diễn đàn Quốc hội. Một trong những nguyên nhân là do tâm lý sợ trách nhiệm trong đấu thầu thuốc và VTYT khi nhiều vụ việc vi phạm bị khởi tố. Theo khảo sát của Báo Đấu thầu, gần đây một số địa phương, đơn vị đã vượt qua nỗi lo, vẫn tích cực triển khai mua sắm để đáp ứng kịp thời nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) cho người dân.
Dù có tâm lý sợ sai nhưng nhiều đơn vị vẫn kịp thời triển khai mua sắm vật tư tiêu hao, hóa chất y tế để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Ảnh: Tường Lâm
Dù có tâm lý sợ sai nhưng nhiều đơn vị vẫn kịp thời triển khai mua sắm vật tư tiêu hao, hóa chất y tế để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Ảnh: Tường Lâm

Nhiều nguyên nhân khiến chậm đấu thầu

Chia sẻ về tình hình KCB hiện nay trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, ông Bùi Hoàng Quân, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược của Sở Y tế tỉnh Hậu Giang xác nhận, đúng là thời gian vừa qua, các cơ sở y tế trên địa bàn Tỉnh có xảy ra tình trạng thiếu thuốc, VTYT cục bộ, chủ yếu là nhóm thuốc điều trị các bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp..., có giá trị thấp. Trong đó, nhiều mặt hàng bị thiếu là thuốc sản xuất trong nước.

Còn tại Khánh Hòa, một cán bộ Phòng Nghiệp vụ dược của Sở Y tế Tỉnh cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, Sở vẫn loay hoay với các gói thầu mua sắm tập trung vật tư tiêu hao, hóa chất y tế cho các cơ sở y tế trên địa bàn, chưa thể mở thầu được.

Trong khi đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, một số mặt hàng vật tư dành cho cấp cứu ngoại chấn thương: gạc, dây chuyền dịch, tấm trải bàn mổ… tại Bệnh viện đang bị thiếu trầm trọng. Trong một số trường hợp, Bệnh viện phải yêu cầu bệnh nhân đợi, hoặc chuyển lên tuyến trên.

Nguyên nhân của việc chậm trễ trong tổ chức đấu thầu, theo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, chủ yếu là do vướng mắc trong việc phân nhóm theo quy định của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP quản lý trang thiết bị y tế và Thông tư 14/2020/TT-BYT của Bộ Y tế. Cụ thể, tại thời điểm xây dựng giá kế hoạch, nhiều mặt hàng đã trúng thầu nhưng chưa được phân nhóm, hay chưa có giá trúng thầu đầy đủ để tham khảo, hoặc khó tra cứu thông tin vì tên mặt hàng không được kê khai thống nhất…

Ông Nguyễn Việt Hà, Trưởng phòng Vật tư thiết bị y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, nhiều vụ việc sai phạm xảy ra gần đây đặt ra nghi ngại về tính xác thực của chứng thư thẩm định giá, cho nên, gần đây các đơn vị tổ chức mua sắm chuyển qua hình thức lấy 3 báo giá. Thế nhưng, việc kê khai giá hiện có nhiều bất cập. Nhiều nhà cung ứng chỉ kê khai giá mang tính hình thức, không sát giá, hoặc không kịp kê khai trên Cổng thông tin của Bộ Y tế nên không thể tham dự thầu.

Còn theo ông Quân, nguyên nhân chủ yếu của việc chậm đấu thầu thuốc là do tác động của dịch bệnh Covid-19, đồng thời phải phục vụ nhiều đoàn thanh, kiểm tra về công tác mua sắm phòng chống dịch, trong khi nguồn nhân lực có hạn, kiêm nhiệm, quản lý nhiều mảng khác nhau.

Ngoài ra, một trong những nguyên nhân chậm có kết quả LCNT được nhiều người chỉ ra là do tâm lý sợ sai. Tuy nhiên, theo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, nếu để thiếu thuốc, VTYT gây hậu quả nghiêm trọng trong công tác KCB thì trách nhiệm còn lớn hơn. Vì vậy, không thể trì trệ thêm được việc tổ chức mua sắm thuốc, VTYT.

Tích cực đấu thầu vì người bệnh

Thực tế, gần đây, nhiều địa phương đã tích cực tổ chức mua sắm để phục vụ kịp thời nhu cầu KCB tại các cơ sở y tế. Đơn cử, theo ông Quân, ngày 20/5/2022, UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt kế hoạch LCNT của 4 gói thầu cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế trên địa bàn Tỉnh năm 2022 - 2023 (tổng dự toán là 415,667 tỷ đồng). Đến ngày 25/5/2022, Sở đã phát hành hồ sơ mời thầu. Sở cũng dốc toàn lực làm ngày làm đêm, không kể ngày nghỉ để sớm có kết quả LCNT vào cuối tháng 6/2022. Cùng với 30 nhân sự của Phòng Nghiệp vụ dược, Sở còn huy động lực lượng của các cơ sở y tế trong Tỉnh cùng tham gia góp sức.

Trong khi chờ kết quả đấu thầu tập trung, ông Quân cho biết, các cơ sở y tế trên địa bàn Tỉnh triển khai chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp để kịp thời đáp ứng nhu cầu KCB cấp bách. Các gói chỉ định thầu đều dưới 10 tỷ đồng.

Tương tự, trước mắt, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa đã trả lại cho các cơ sở y tế để tự tổ chức mua sắm phục vụ cho nhu cầu sử dụng của từng đơn vị.

Nhìn chung, phương án giải quyết tình trạng thiếu thuốc, VTYT hiện nay giống như “chạy chợ”, trong đó ưu tiên mua sắm ngay cho công tác cấp cứu bệnh nhân. Đối với những mặt hàng còn lại, nhanh nhất cũng phải mất tới 2 tháng để lựa chọn được nhà thầu.

Nhưng điều mà nhiều cán bộ phụ trách đấu thầu hiện nay lo lắng khi chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, chính là làm thế nào để đấu thầu mua thuốc, VTYT không sai luật.

Theo một chuyên gia trong ngành y tế, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức LCNT mua sắm thuốc, VTYT hiện nay, thì phải sửa nhiều luật liên quan và văn bản dưới luật nhưng cần thời gian. Tốt nhất lúc này là các đơn vị mua sắm tập trung và cơ quan quản lý nhà nước cần sớm trình Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng cơ chế đặt hàng như Nghị quyết số 79/NQ-CP, có thể đặt hàng song song trong nước và mua qua các đơn vị mua sắm của Liên hợp quốc (UN), đồng thời nghiên cứu giao tự chủ chi cho cơ sở y tế trên cơ sở ban hành và thực hiện khoán chi phí các gói dịch vụ y tế cơ bản.

Chuyên đề