Mở không gian phát triển ngành năng lượng Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) cũng như Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng bền vững, công bằng, phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Không chỉ vậy, theo ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Quy hoạch điện VIII còn mở ra dư địa lớn để phát triển kinh tế - xã hội cho từng địa phương, cho đất nước.
Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, tới năm 2030, tổng công suất điện gió ngoài khơi là 6.000 MW, tổng công suất điện gió trên bờ (điện gió trên đất liền và gần bờ) là 21.880 MW. Ảnh: Thanh Cường
Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, tới năm 2030, tổng công suất điện gió ngoài khơi là 6.000 MW, tổng công suất điện gió trên bờ (điện gió trên đất liền và gần bờ) là 21.880 MW. Ảnh: Thanh Cường

Tiền đề đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia

Ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương cho biết, Quy hoạch điện VIII có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng phát triển ngành điện nói riêng và ngành năng lượng nói chung trong tiến trình phát triển và hội nhập của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung năng lượng hóa thạch ngày càng khan hiếm.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, mục tiêu quan trọng nhất của Quy hoạch là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tiếp đó, thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Đồng thời, hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Ông Diên cho rằng, việc triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII sẽ góp phần quan trọng phát triển kinh tế đất nước. “Nếu triển khai đồng bộ, đồng loạt và hiệu quả các quy hoạch ngành quốc gia, trong đó có Quy hoạch, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, thì chắc chắn tốc độ tăng trưởng của các địa phương cũng như của đất nước sẽ rất tốt. Sẽ có nhiều nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư đến từ khu vực ngoài nhà nước đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Đồng thời, thực hiện Quy hoạch cũng từng bước hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP 26”, Bộ trưởng Bộ Công Thương tin tưởng.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII nêu rõ Danh mục các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành tới năm 2030, trong đó, tổng công suất nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW; tổng công suất nhiệt điện LNG là 22.400 MW; tổng công suất nhiệt điện than là 30.127 MW; tổng công suất nguồn điện đồng phát, nguồn điện sử dụng nhiệt dư, khí lò cao, sản phẩm phụ của dây chuyền công nghệ là 2.700 MW; tổng công suất thủy điện là 29.346 MW; tổng công suất thủy điện tích năng là 2.400 MW.

Về năng lượng tái tạo của các địa phương/vùng và danh mục các dự án nguồn điện tới năm 2030, tổng công suất điện gió ngoài khơi là 6.000 MW; tổng công suất điện gió trên bờ (điện gió trên đất liền và gần bờ) là 21.880 MW; tổng công suất thủy điện là 29.346 MW; tổng công suất điện sinh khối là 1.088 MW; tổng công suất điện sản xuất từ rác là 1.182 MW; tổng công suất điện mặt trời mái nhà (tự sản, tự tiêu) tăng thêm là 2.600 MW; tổng công suất pin lưu trữ là 300 MW.

Bên cạnh đó, dự kiến phát triển 300 MW các nguồn điện linh hoạt; nhập khẩu điện khoảng 5.000 MW từ Lào, có thể tăng lên 8.000 MW khi có điều kiện thuận lợi với giá điện hợp lý...

Nhanh chóng thực thi Quy hoạch điện VIII

Nhu cầu điện cho phát triển ngày càng tăng, đặc biệt là tình trạng nhiệt độ tăng ở cả 3 miền khiến tiêu thụ điện hàng năm liên tiếp lập kỷ lục mới. Cục Điều tiết điện lực cho biết, vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 27/4/2024, công suất cực đại toàn quốc lên tới 47.670 MW; sản lượng tiêu thụ điện toàn quốc ngày 26/4/2024 đã lên tới 993,974 triệu kWh..., đều tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2023. Trong bối cảnh Việt Nam đang có cơ hội “ngàn năm có một” trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, việc giải quyết những thách thức về nguồn cung điện sẽ là “chìa khóa” để nắm bắt thời cơ, đưa nền kinh tế bứt phá.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, “quả bóng” đã nằm trong chân của địa phương, các địa phương cần nhanh chóng khẩn trương điều chỉnh quy hoạch tỉnh phù hợp với quy hoạch ngành, giải quyết vấn đề đất đai... để giúp nhà đầu tư triển khai nhanh và hiệu quả các dự án điện. Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đề nghị các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án điện cụ thể, nhất là những dự án nguồn điện lớn, đặc thù (điện gió ngoài khơi, hydrogen...).

Được giao trọng trách bảo đảm cung ứng điện cho phát triển, đại diện các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực năng lượng như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV)... đều cho biết sẽ quyết liệt thực hiện các giải pháp để phát triển các dự án điện quan trọng nằm trong Quy hoạch, Kế hoạch. “EVN đang tập trung dồn lực để hoàn thành Dự án Đường dây 500 KV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối trong tháng 6/2024 nhằm cung ứng điện cho miền Bắc”, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV EVN cho biết. Theo thông tin từ Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia - Chủ đầu tư Dự án, những ngày này, trên công trường, khoảng 10.000 nhân công đang miệt mài thi công xuyên đêm, vượt nắng để kịp đưa công trình về đích.

Cùng với đó, EVN cũng tích cực triển khai các dự án nguồn và lưới nằm trong Quy hoạch như: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I, các dự án mua điện từ Lào...

Ông Phạm Tuấn Anh, thành viên HĐTV PVN thông tin, Tập đoàn quán triệt nghiêm túc nội dung Kế hoạch, bảo đảm thực hiện được 7.324 MW từ nay tới năm 2030 với việc tập trung vào 4 dự án điện khí trong nước, 2 dự án nhiệt điện LNG và 1 dự án nhiệt điện than.

“Để thực hiện được các dự án điện khí, các cấp có thẩm quyền cần sớm ban hành cơ chế về bao tiêu khí, chuyển toàn bộ hoặc một phần từ hợp đồng mua bán khí sang hợp đồng mua bán điện. Nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có 6.000 MW điện gió ngoài khơi, cấp có thẩm quyền cần sớm xây dựng cơ chế chính sách phát triển, trước mắt là thực hiện thí điểm một vài dự án để làm cơ sở triển khai thực hiện”, lãnh đạo PVN đề nghị.

Thực tế cho thấy, không chỉ có các doanh nghiệp nhà nước sốt sắng với việc thực hiện các dự án điện, nhiều nhà đầu tư đến từ Đan Mạch, Hoa Kỳ, Nhật Bản... cũng đã và đang tích cực tìm kiếm, mong muốn tham gia triển khai đầu tư các dự án điện tại Việt Nam.

Hàng loạt động thái tích cực từ chính sách và thực tế triển khai tại đơn vị đầu ngành mở ra hy vọng Quy hoạch điện VIII sẽ được thực hiện hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo các mục tiêu trung và dài hạn.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư