Minh bạch thông tin để lấy lại niềm tin cho doanh nghiệp

(BĐT) - Tạo cơ hội cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiếp cận thông tin một cách bình đẳng với các “ông lớn” là yêu cầu cấp thiết để mọi doanh nghiệp đều có cơ hội tiếp cận các nguồn lực nhằm phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn hết sức trăn trở về việc “cần có mối quan hệ” để tiếp cận thông tin thuận lợi. Tiếng nói từ các doanh nghiệp, các chuyên gia cho thấy Nhà nước cần làm nhiều hơn nữa để tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh, thực sự tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh.

Minh bạch thông tin để lấy lại niềm tin cho doanh nghiệp ảnh 1
Lợi ích nhóm khiến nhà thầu bị chèn ép

Ông Phan Văn Dũng - Công ty TNHH MTV Xây dựng TM&DV Thúy Đạt

Nhà thầu với quy mô nhỏ và vừa trong bối cảnh hiện nay luôn luôn bị chèn ép. Hiện doanh nghiệp thực sự khó khăn vì nếu để trụ vững phải có vốn, có công ăn việc làm. Trong khi đó, đi đấu thầu có rất nhiều “lợi ích nhóm” làm cho hoạt động đấu thầu vẫn thiếu công khai, minh bạch. Dẫn đến cơ hội việc làm cho các nhà thầu bị hạn chế nhiều phần.

Đơn cử liên quan đến bảo lãnh dự thầu, với nhiều cuộc thầu, giá trị bảo đảm dự thầu khá lớn, thời gian bảo đảm dự thầu lên tới 120 ngày. Việc đảm bảo tiêu chí này khi tham dự thầu thì nhà thầu đã khó khăn rồi. Điều đó dẫn đến tiêu cực nếu nhà thầu thông đồng với chủ đầu tư, tư vấn thì có thể chẳng cần bảo lãnh dự thầu vẫn được phê duyệt trúng thầu, nếu có xảy ra khiếu nại, tố cáo, nhà thầu còn được bổ sung hồ sơ…

Đáng lẽ, phải có một cơ quan chuyên môn độc lập giữ hồ sơ mở thầu được niêm phong của tất cả các cuộc đấu thầu, nếu phát sinh kiến nghị thì có hồ sơ gốc để đối chiếu, khi đó sẽ hạn chế được nhiều tiêu cực, thông thầu trong đấu thầu.

Nên bây giờ phải đẩy mạnh đấu thầu qua mạng. Khi đó, HSMT, HSDT được công khai trên mạng thì sẽ loại bỏ được những tiêu cực trong đấu thầu như nhà thầu bị cản trở không mua được HSMT, một số nhà thầu được “hoàn tất hồ sơ” ngay cả khi đã nộp HSDT… Nếu đấu thầu qua mạng được thực hiện một cách nghiêm túc, các hồ sơ liên quan đến mỗi cuộc đấu thầu được công khai trên mạng thì sẽ hạn chế được các tiêu cực kể trên.

Minh bạch thông tin để lấy lại niềm tin cho doanh nghiệp ảnh 2
Không có “quan hệ” thì rất khó tham gia và trúng thầu được       

Ông Nguyễn Khanh Quang - Giám đốc Công ty CP Thương binh da cam Hà Nội

Doanh nghiệp cựu chiến binh rất khó tiếp cận với các gói thầu, dự án, công trình bởi quy mô của những doanh nghiệp như chúng tôi chưa thực sự lớn nên để tiếp cận thông tin, tham gia các gói thầu, công trình còn hạn chế nhiều.

Công tác đấu thầu hiện nay có khá nhiều tiêu cực, nếu không có “quan hệ” thì rất khó để cho các nhà thầu chân chính có thể tham gia và trúng thầu được. Việc tiếp cận kinh doanh của doanh nghiệp hiện còn gặp nhiều khó khăn do việc làm khan hiếm, khi có cơ hội thì nhiều nhà thầu cùng tham gia, trong khi mình tiếp cận gói thầu, dự án mà thiếu mối quan hệ thì có thể chỉ mua được hồ sơ mời thầu để tham khảo chứ còn việc trúng thầu thì rất khó. Chính vì thế, doanh nghiệp thực sự mong muốn, đề xuất cơ chế, chính sách phải tạo được sự công minh trong đấu thầu, mở ra cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp.

Kiến nghị cần có cơ chế mở cho anh em cựu chiến binh về làm kinh tế và để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận, tham gia các gói thầu, dự án, công trình một cách công khai, minh bạch, cạnh tranh.

Minh bạch thông tin để lấy lại niềm tin cho doanh nghiệp ảnh 3
Tạo trường dữ liệu chung để tận dụng sức mạnh tổng hợp

Ông Lê Văn Hải - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hoàng Anh

Cho đến thời điểm hiện tại chưa có quy định bắt buộc doanh nghiệp tư nhân phải công khai các thông tin về hoạt động của mình. Tuy nhiên, theo tôi, việc công khai các thông tin về hoạt động của doanh nghiệp là cần thiết, góp phần tạo ra một “trường dữ liệu chung”, “facebook” của riêng doanh nghiệp để các doanh nghiệp hiểu rõ nhau hơn, nắm bắt thông tin về nhau đầy đủ hơn. Từ đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân vốn bị yếu thế về năng lực, về lợi thế thông tin có thể củng cố, hỗ trợ thông tin cho nhau; tạo các khả năng liên doanh, liên kết để hiện thực hóa các cơ hội kinh doanh.

Hiện nay, do việc công khai các thông tin về hoạt động của doanh nghiệp chưa được thực hiện rộng rãi nên nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn có tâm lý e ngại khi công khai các hoạt động của mình. Tuy nhiên, xét về những giá trị lâu dài thì việc công khai thông tin đối với hoạt động của doanh nghiệp sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho chính doanh nghiệp đó. Khi thông tin về doanh nghiệp được công khai, sẽ có những đối tác chủ động tìm đến doanh nghiệp để hợp tác đầu tư, thay vì doanh nghiệp phải tự loay hoay tìm kiếm các đối tác phù hợp với mình mỗi khi thực hiện một ý tưởng, định hướng kinh doanh mới.

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân muốn cùng nhau phát triển thì cần phải nâng cao khả năng liên doanh, liên kết để tạo ra sức mạnh tổng hợp. Vì thế, việc công khai, công bố thông tin về hoạt động doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân sẽ tạo ra lợi thế, tạo tiền đề để các doanh nghiệp trong khối này phát huy và tận dụng được năng lực, kinh nghiệm của nhau nhằm hiện thực hóa các cơ hội kinh doanh “nằm ngoài tầm với” của từng doanh nghiệp tư nhân riêng lẻ.

Minh bạch thông tin để lấy lại niềm tin cho doanh nghiệp ảnh 4
Không chú trọng tiếp cận thông tin thì khó thành công

Ông Võ Thanh Hiền - Giám đốc Truyền thông Công ty CP Tập đoàn địa ốc Vạn Xuân

Thông tin luôn đóng vai trò quan trọng trong kinh doanh vì nó quyết định đến quá trình phát triển của mỗi doanh nghiệp. Trong giai đoạn hiện nay, thông tin càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng chú trọng và thành công trong vấn đề này.

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp có quy mô càng nhỏ thì việc tiếp cận thông tin càng khó. Điều này cũng đồng nghĩa, cơ hội nắm bắt và tiếp cận các nguồn lực về đất đai, nguồn lực tài chính, nguồn lực công nghệ sẽ không nhiều, dẫn đến việc quyết định đầu tư gặp khó khăn.

Để chuyển hóa việc tiếp cận thông tin thành cơ hội kinh doanh, theo tôi, bản thân doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa sự gắn kết lẫn nhau. Đối với doanh nghiệp, cần phải chủ động, mạnh dạn tiếp cận thông tin, còn đối với cơ quan chức năng, cần công khai, minh bạch, bình đẳng, chứ không cung cấp theo kiểu ban phát hay xin cho, thiên vị.

Những thuận lợi và khó khăn trong tiếp cận thông tin luôn song hành. Do đó, đòi hỏi doanh nghiệp phải định vị mình đang muốn gì, cần thông tin gì, tiếp cận ở đâu, với ai… thì mới mong phát huy hiệu quả được. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, nếu doanh nghiệp không ý thức và chú trọng đến việc tiếp cận cũng như xử lý thông tin thì khó mà thành công được.

Minh bạch thông tin để lấy lại niềm tin cho doanh nghiệp ảnh 5
Doanh nghiệp tư nhân trong cuộc chơi bất đối xứng thông tin    
TS. Nguyễn Việt Hùng - nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT)

Có một thực tế là lâu nay, các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước vẫn có nhiều lợi thế về mặt thông tin hơn các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập. Nhờ các mối quan hệ, các “ông lớn” doanh nghiệp thường sẽ được tiếp cận các thông tin từ rất sớm, thậm chí là từ trong các dự thảo quy định, quy chế; được tham gia vào góp ý, lấy ý kiến trước khi hoàn thiện các văn bản pháp luật nên việc chuyển hóa thông tin thành cơ hội kinh doanh dễ dàng hơn. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập thì ít được quan tâm về việc cung cấp đầy đủ thông tin. Sức mạnh và giá trị của thông tin nằm ở chỗ doanh nghiệp được nắm bắt sớm, biết kịp thời thì mới có thể đưa ra các định hướng, các chiến lược kinh doanh, từ đó mới chuyển hóa các cơ hội thành hiện thực. 

Để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập vươn lên, dần tạo ra cơ chế công bằng trong việc nắm bắt và tiếp nhận thông tin thì Nhà nước cần đẩy mạnh việc công khai rộng rãi thông tin, tăng cường áp dụng các phần mềm công nghệ thông tin để đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận thông tin của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Và để làm được điều này, rất cần phẩm chất, sự công tâm, công bằng, minh bạch của đội ngũ cán bộ của các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình công khai và xử lý các vấn đề liên quan đế việc công khai thông tin. Cùng với đó, Nhà nước cũng cần tăng cường chế tài giám sát việc thực hiện công khai thông tin của các cơ quan liên quan, từ cấp Trung ương đến địa phương. Điều này là cần thiết để đảm bảo các quy định tạo điều kiện “công bằng tiếp cận thông tin” của mọi đối tượng được thực hiện. Nếu có cơ chế, có chính sách nhưng không có biện pháp thực hiện, không có công cụ thúc đẩy và bắt buộc thực hiện thì mọi mục tiêu, mục đích tốt đẹp vẫn dừng lại ở khẩu hiệu và nằm trên giấy.

Minh bạch thông tin để lấy lại niềm tin cho doanh nghiệp ảnh 6

Báo chí góp phần làm cho hoạt động của Quốc hội rất ấn tượng 

Ông Hà Sỹ Đồng Đại biểu (Quảng Trị)

Vai trò của báo chí đồng hành cùng các đại biểu Quốc hội và cử tri thì chúng tôi đánh giá rất cao. Những vụ việc nổi lên, tồn tại, hạn chế bất cập, mặt trái của xã hội, gương người tốt việc tốt của xã hội đều được báo chí phản ánh kịp thời, thông tin rất chính xác, cung cấp cho đại biểu Quốc hội, cơ quan nhà nước, cơ quan pháp luật vào cuộc một cách quyết liệt nên hạn chế được tối đa những mặt trái của xã hội.

Đặc biệt, báo chí cập nhật thông tin chính xác, phản ánh trung thực nên đã góp phần làm cho hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội thời gian vừa rồi rất ấn tượng và chúng tôi đánh giá cao điều này. Chúng tôi mong rằng các cơ quan báo chí truyền thông đồng hành cùng đại biểu để đưa hoạt động của Quốc hội sôi nổi hơn, phong phú và cung cấp thông tin đến cử tri, người dân được đầy đủ, kịp thời.

Minh bạch thông tin để lấy lại niềm tin cho doanh nghiệp ảnh 7
DN tư nhân đói thông tin nên vuột nhiều cơ hội

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI

Tình trạng “thiếu” thông tin chính thức để xem xét, quyết định đầu tư... đang khá phổ biến đối với các doanh nghiệp (DN) tư nhân, đặc biệt là DN khởi nghiệp. Thực tế cho thấy, việc công khai và cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước mới chỉ đáp ứng được một phần, trong đó không ít trường hợp thiếu sự chủ động, không đầy đủ khi cung cấp, nhất là các thông tin liên quan đến kế hoạch (như ngân sách, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các chính sách ưu đãi đầu tư…).

Theo khảo sát của VCCI thì mối quan hệ cá nhân giữa DN với cơ quan nhà nước tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong khả năng tiếp cận thông tin, tài liệu quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Vấn đề này sẽ dẫn tới nhiều hệ quả không mong muốn đối với nền kinh tế, đó là nhiều DN phải đầu tư nguồn lực và thời gian để phát triển các mối quan hệ cá nhân với các cơ quan quản lý nhà nước, thay vì sử dụng các nguồn lực đó để phát triển sản xuất - kinh doanh một cách hiệu quả. Đồng thời, đây có thể coi là một phần nguyên nhân dẫn tới canh tranh không bình đẳng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư