Miễn thuế nhập khẩu linh kiện điện tử: Có hướng dẫn mới, DN vẫn lo không khả thi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã cho phép miễn thuế hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu vật tư linh kiện trong nước chưa sản xuất được phục vụ cho sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm, nghị định hướng dẫn Luật cũng đã được ban hành, nhưng cho đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) nội địa hoạt động trong lĩnh vực điện tử vẫn không mấy mặn mà do nhiều khó khăn trong thực thi.
Với hướng dẫn tại Thông tư số 25/2022/TT-BTTTT, doanh nghiệp cho rằng vẫn khó tiếp cận và hưởng lợi từ chính sách miễn thuế nhập khẩu linh kiện điện tử. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Với hướng dẫn tại Thông tư số 25/2022/TT-BTTTT, doanh nghiệp cho rằng vẫn khó tiếp cận và hưởng lợi từ chính sách miễn thuế nhập khẩu linh kiện điện tử. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Gần như chưa có doanh nghiệp nào được hưởng lợi

Tại Hội thảo giới thiệu về Thông tư số 25/2022/TT-BTTTT, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, hàng rào thuế quan ngày càng cắt giảm; sản phẩm CNTT, điện tử (ĐT) hầu hết có thuế suất thuế nhập khẩu (NK) 0%. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nguyên liệu vật tư linh kiện (NLVTLK) để sản xuất sản phẩm CNTT, ĐT có mức thuế từ 5 - 20%. Sự chênh lệch về thuế NK sản phẩm nguyên chiếc và NLVTLK dẫn đến các sản phẩm sản xuất trong nước kém cạnh tranh so với sản phẩm NK, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ số.

“DN ĐT nội địa đã chịu chi phí đầu tư công nghệ, thiết bị cao, lại phải tạm nộp thuế NK và VAT. Với gánh nặng như vậy, DN nội mãi không thể lớn lên và cạnh tranh được với DN FDI trong chuỗi sản xuất ngay trên sân nhà. Đó là chưa kể DN nội còn phải chịu thiệt thòi khi tham gia chuỗi muộn hơn, đơn hàng kém ổn định hơn so với các DN FDI…”, bà Đỗ Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội DN ĐT Việt Nam (VEIA) chia sẻ.

Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (Khoản 18 Điều 16) đã cho phép miễn thuế hàng hóa NK là NLVTLK trong nước chưa sản xuất được phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm CNTT, nội dung số, phần mềm. Nghị định số 134/2016/NĐ-CP đã quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật, nhưng có nhiều khó khăn trong thực thi, gần như chưa có DN nào được hưởng lợi. Do đó, một số điều của Nghị định 134/2016/NĐ-CP đã được Chính phủ sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 18/2021/NĐ-CP. Thông tư số 25/2022/TT-BTTTT (TT 25) được ban hành vào cuối năm 2022 nhằm hướng dẫn thực thi các quy định tại Nghị định số 18/2021/NĐ-CP.

“TT 25 ra đời sẽ giúp DN được hưởng lợi từ chính sách này, góp phần thúc đẩy nghiên cứu phát triển, sản xuất sản phẩm phần cứng ĐT Việt Nam, cũng như khắc phục tình trạng chênh lệch về thuế NK giữa sản phẩm nguyên chiếc và NLVTLK”, ông Nghĩa kỳ vọng.

Theo bà Trần Thị Khánh Linh, Phó Trưởng phòng Chính sách thuế - Cục Thuế xuất nhập khẩu thuộc Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), TT 25 là cơ sở pháp lý để xử lý công tác miễn thuế thuận lợi hơn.

Vẫn lo thủ tục phức tạp, khó khả thi

Theo hướng dẫn của TT 25, chủ dự án có trách nhiệm gửi hồ sơ thông báo danh mục miễn thuế cho cơ quan hải quan trước khi đăng ký tờ khai hàng hóa NK đầu tiên. Dự án sản phẩm CNTT, nội dung số, phần mềm cần có bản thuyết minh dự án. Hồ sơ miễn thuế bao gồm: hồ sơ hải quan, hợp đồng ủy thác trong trường hợp ủy thác XNK hàng hóa, hợp đồng cung cấp hàng hóa theo văn bản trúng thầu hoặc văn bản chỉ định thầu, trong đó ghi rõ giá cung cấp hàng hóa không bao gồm thuế NK trong trường hợp tổ chức và cá nhân trúng thầu NK hàng hóa; danh mục miễn thuế kèm phiếu theo dõi trừ lùi đã được cơ quan hải quan tiếp nhận.

Với thủ tục như trên, ông Nguyễn Cường, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Masscom Việt Nam lo ngại, DN khó có thể tiếp cận. Sản phẩm CNTT và ĐT thay đổi công nghệ thường xuyên nên việc phải có thuyết minh dự án là quá phức tạp và gây tốn kém thời gian, chi phí cho DN.

Theo đại diện Tổng công ty Sản xuất thiết bị Viettel (VMC), khái niệm “trừ lùi” là rất khó trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đầu năm và cuối năm không thể sử dụng chung một danh sách linh kiện, rất khó bóc tách.

Bà Đỗ Thúy Hương cho rằng, Quốc hội, Chính phủ cần ban hành chính sách nhất quán, ổn định, có tiên lượng lâu dài, ưu tiên cho DN nội. Quá trình hậu kiểm, kiểm tra mã HS kéo dài gây mất thời gian, tốn kém chi phí và trượt mất cơ hội của DN. Quy định pháp lý chưa rõ ràng, nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến thực tế nhiều DN bị xử lý vi phạm oan.

Thực tế đã có DN phản ánh, khi làm thủ tục, DN được xét duyệt ưu đãi thuế, nhưng khi hậu kiểm, cơ quan hải quan, cơ quan thuế không chấp nhận, DN không những phải đóng tiền truy thu mà còn bị phạt. Mặt khác, khi NK, DN phải tạm ứng tiền thuế, nhưng hoàn thuế phải đợi 3 - 6 tháng, thậm chí cả năm, gây áp lực lớn lên dòng tiền của DN.

“Các chính sách thuế hiện không phân biệt đối xử DN nội địa và DN FDI, nhưng thực tế DN nội địa có được hưởng lợi hay không thì Nhà nước cần phải có đánh giá cụ thể, nếu không thì văn bản pháp lý đó là vô nghĩa. DN chịu trách nhiệm kê khai nhưng không có mẫu biểu (form) thống nhất, rõ ràng thì từ thời hạn 3 ngày phê duyệt có thể lên tới 3 tháng, cơ quan hải quan nay bảo đúng, mai bảo sai”, bà Hương nhấn mạnh.

Để tránh trường hợp ban hành chính sách mà không thực hiện được, ông Nguyễn Cường khuyến nghị, Chính phủ và các bộ, ngành cần nghiên cứu, tham khảo chính sách hỗ trợ phát triển ngành CNTT và ĐT ở các quốc gia khác. Chẳng hạn như Trung Quốc, DN được Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà máy và hỗ trợ cho mỗi sản phẩm XK...

Quan trọng hơn, theo ông Cường, Nhà nước cần đảm bảo sự cạnh tranh công bằng trên thị trường khi ban hành bất cứ một chính sách nào. Chính sách được ban hành mà không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ vô hình trung sẽ bóp nghẹt sự phát triển của DN.

Chuyên đề